Đảm bảo thống nhất, không chồng chéo
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã báo cáo một số nội dung lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó có một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các giấy phép về môi trường (bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi).
Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đồng tình với quan điểm tích hợp các loạt giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Theo đại biểu Thủy, nguyên tắc cấp giấy phép đều dựa trên đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mặt khác, hiện nay việc phân cấp cấp phép vào công trình thủy lợi đang theo công trình chứ không theo quy mô, chưa tương thích với việc quản lý. Bên cạnh đó, trên thực tế, việc xả thải vào các công trình thủy lợi chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ do đó việc phân nhỏ cấp giấy phép là chưa phù hợp.
"Chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về việc này, từ xét duyệt ĐTM, cấp giấy phép đến hậu kiểm đảm bảo thống nhất và không trồng chéo".
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ thủy (đoàn Bến Tre)
Cũng cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng việc tích hợp vào 1 giấy phép này mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện cải cách hành chính. Thứ nhất là giảm thủ tục hành chính, thứ hai là đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, việc này cũng đảm bảo tiếp cận tổng hợp về việc cấp giấy phép xả thải môi trường. Tuy nhiên cần phải làm rõ hơn, nhất chức năng các bộ liên quan.
Bộ TNMT đồng tình với các ý kiến
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với về nội dung tích hợp hai loại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước) giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi), Bộ trưởng đồng tình với các ý kiến của các đại biểu là nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép nêu trên là giống nhau. Do đó, riêng 1 đối tượng xả nước thải hiện đang phải chịu 2 thủ tục hành chính có nội dung tương đồng.
Bên cạnh đó, công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước. Việc quy định có nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay sẽ không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp, một việc được giao nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, không rõ trách nhiệm của các cơ quan;... Ngoài ra, thực tế hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 1 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường quản lý).
Theo quy định, các loại giấy phép, giấy xác nhận này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT).
Để giải quyết được các bất cập nêu trên, bảo đảm thống nhất quản lý về BVMT nói chung, quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước nói riêng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và vẫn bảo đảm công tác BVMT, việc quy định tích hợp các loại giấy phép, giấy xác nhận về BVMT hiện hành với các loại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi bằng 1 giấy phép môi trường là hết sức cần thiết.