Kỳ 1: Ngọn lửa tàn độc ở Mỹ Đình
Khi xe cứu hỏa đến hiện trường, nước phun xối xả vào bên trong thì ngọn lửa được khống chế. Nhưng tất cả đã quá muộn. Mọi thứ đã bị than hoá. Vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng của cả một gia đình. Sau gần một năm, một tội ác ghê rợn đã lộ diện trong đám cháy khủng khiếp đó bởi những nỗ lực tuyệt vời của lính điều tra trọng án Hà Nội.
Đám cháy kinh hoàng
Chiều hôm trước, Thiếu tá Trần Hải Quân (Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội khi đó, nay là Đại tá, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) hẹn với tôi rằng, sáng 25/1/2008, anh em trong Đội sẽ sang hội trường Công an TP Hà Nội để cổ vũ cho tôi trong phần thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trải qua vòng thi sơ khảo giữa các chi đoàn Phòng CSHS, tôi được chọn đại diện cho cán bộ, chiến sĩ ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang "đấu" với các đội khác trong toàn Công an thành phố. Sáng ấy chờ "dài cổ" mà chẳng thấy "người nhà" đâu, tôi đơn độc bước lên sân khấu thuyết trình.
Xuống khỏi sân khấu, mở điện thoại xem, thấy anh Quân nhắn: "Chúc em thi tốt. Rạng sáng nay có vụ cháy lớn ở Mỹ Đình, cả đội đang phải tập trung dưới này. Thi xong em xuống tham gia cùng anh em". Tôi tức tốc phóng xe xuống nơi tập kết.
Những vụ hỏa hoạn lớn lại xảy ra trong đêm, rất khó để xác định là cháy do nguyên nhân khách quan hay chủ ý của con người. (Ảnh minh họa)
Ngoài trời mưa rả rích, ướt lép nhép, tăng thêm cái lạnh tháng Chạp như cắt da. Những thẻ nhang, chân hương đã ướt nhoẹt, tiêu điều trong các lỗ gạch. Vì ngôi nhà chưa hoàn thiện nên không có cửa gỗ. Cửa ra vào nhà làm bằng các thanh kim loại hàn dọc, có khoảng cách giữa các thanh sắt. Hé lớp bạt nhìn vào trong nhà, thấy 3 chiếc xe máy đã bị cháy trụi, trơ khung sắt. Mọi đồ vật khác cũng chỉ còn là đống lộn xộn, đen sì do ám khói.Hiện trường vụ cháy là một ngôi nhà 3 tầng đã ám khói muội đen sì ở đối diện Nhà văn hóa thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình. Trước cửa chính, người ta căng một tấm bạt phủ từ tầng 2 xuống. Dưới đất có mấy viên gạch lỗ được dựng ngược để mọi người cắm hương.
Dưới lực phun dập lửa từ bơm cao áp, dòng nước từ lăng vòi cứu hỏa đã thổi mọi tàn tích của vụ cháy xê dịch, ngổn ngang. Dòng nước đen ngòm bụi than vẫn không ngừng chảy từ trong nhà ra đường. Khung cảnh thật tang thương, chết chóc. Lúc này lãnh đạo cao nhất của Công an Thủ đô, chỉ huy Phòng CSHS, các đơn vị nghiệp vụ cùng Công an huyện Từ Liêm cũng đã có mặt tại hiện trường để chủ trì cuộc điều tra.
Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu (Hieubaocand@gmail.com).
"Đầu bài" khó
Họp án, lực lượng khám nghiệm thông báo tóm tắt diễn biến sự việc. Theo đó đám cháy xảy ra lúc rạng sáng. Chủ nhà là anh Nguyễn Chí Hưng đã bị chết cháy. Thi thể đã bị than hoá, được phát hiện tại chân cầu thang tầng 1. Vợ anh - chị Bùi Thị Thu Hà cùng con gái là cháu Nguyễn Thảo Hiền (7 tuổi) do chạy vào nhà vệ sinh xả nước nên không bị ngọn lửa táp đến. Nhưng với sức nóng ngàn độ trong đám cháy, họ đã bị ngạt khói và bỏng hô hấp đặc biệt nghiêm trọng, đã được lực lượng cứu hộ đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia.
Ngôi nhà bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Do nhà có cấu tạo giếng trời với thiết bị hút lưu thông gió, nên ngọn lửa bốc cao thành cột từ tầng 1 lên đến mái. Tại tầng 3, nơi đặt Văn phòng Công ty Mạnh Kiên của anh Nguyễn Chí Tuấn (em trai anh Hưng), mặc dù cửa phòng đang đóng kín, nhưng các thiết bị văn phòng chạm vào là tan ra vì đã "chín" bằng hơi.
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân cháy được đặt ra. Trước hết, đó có thể là một vụ tai nạn. Nguồn phát cháy có thể phát sinh ngay từ bên trong nhà, như chập điện, nổ bình ga, do thắp hương… Theo giả thuyết này thì đây chỉ là một sự cố cháy nổ đơn thuần chứ không phải là án hình sự. Giả thuyết thứ hai, đó là nhà cháy do bị đốt. Nếu vậy, nguồn phát nhiệt đầu tiên gây cháy phải từ bên ngoài vào.
Điều tra án cháy nổ cực kỳ phức tạp và khó khăn. Trong một hiện trường chỉ còn lại tàn tích, cộng thêm những biến động, xê dịch do hoạt động chữa cháy, khiến việc xác định điểm phát cháy đầu tiên không bao giờ là chuyện dễ dàng. Công việc này đòi hỏi những kết luận khoa học có độ chính xác cao. Và như vậy, cần phải tốn rất nhiều thời gian.
Trong ngày hôm đó, ban chỉ đạo điều tra của Công an TP Hà Nội chưa thể "chốt" bản chất của vụ cháy này là gì, là án hay không phải án. Vì thế, hoạt động điều tra được triển khai đồng thời theo cả 2 hướng: vừa thu thập những dấu vết, căn cứ để khẳng định hoặc phủ định nguồn phát cháy từ bên trong, vừa truy tìm những bằng chứng về tội phạm, nếu đây thực sự là một vụ giết đốt.
Thời điểm ấy cũng như hiện nay, quân số của Đội điều tra trọng án - Phòng CSHS Hà Nội được phân chia thành nhiều tổ, phụ trách các địa bàn trong toàn TP Hà Nội. Trọng án xảy ra ở địa bàn nào thì tổ đó lên đường tiến hành truy xét hung thủ gây án. Tôi thuộc tổ phụ trách phía Nam thành phố, bao gồm các quận, huyện như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm.
Địa bàn xảy ra vụ cháy tại huyện Từ Liêm (khi đó), thuộc phía Bắc Hà Nội, nên không thuộc tổ của tôi. Nhưng trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, toàn bộ quân lực của Đội điều tra trọng án được huy động vào trận. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi tỏa xuống khắp các tổ dân phố, theo dọc tuyến đường ra vào hiện trường để hỏi người dân về những hiện tượng bất thường trước, trong và sau khi đám cháy xảy ra. Cả một vùng rộng lớn bán kính 1km xung quanh hiện trường dày đặc bóng Cảnh sát.
Vụ cháy xảy ra lúc hơn 2 giờ sáng trong đêm mưa gió và rét căm căm, khi nhà nhà kín cửa, người người đã chìm sâu vào trong giấc ngủ nên thực khó cho chúng tôi để tìm được ai đó có thể kể chuyện gì liên quan đến vụ cháy này. Những người dân đã hỏi đều cho biết chỉ khi nghe còi cứu hỏa rú vang họ mới sực tỉnh giấc. Lúc đó thì ngọn lửa đã trùm kín ngôi nhà anh Hưng. Ngay cả những người láng giềng liền kề cũng chẳng thể cung cấp được điều gì có giá trị.
Ngay đêm đầu tiên ở hiện trường, trong lúc một mình đi ngang qua ngôi nhà cháy, tôi cúi xuống châm nén nhang, định bụng thắp cho người xấu số để chia sẻ đau thương với họ. Khổ nỗi nước mưa đã làm mọi thứ ướt. Trời mưa rét tê tái, tôi rút trong bao ra 2 điếu thuốc, châm 1 điếu cắm vào lỗ gạch trước cửa ngôi nhà cháy thay nén nhang, một điếu tôi rít để chống lạnh. Vừa hút thuốc, tôi vừa lầm rầm như nói chuyện với anh chủ nhà: "Tôi là Đào Trung Hiếu ở Đội trọng án, Phòng CSHS, xuống đây tham gia điều tra vụ cháy ở nhà anh. Khôn thiêng xin anh phù hộ cho chúng tôi sớm tìm được sự thật".
Làm nghề giải mã những cái chết, chúng tôi là người duy vật biện chứng, không tin có ma quỷ, thần thánh. Tuy nhiên, cũng như bao người Việt khác, trong sâu thẳm luôn ẩn chứa niềm hy vọng vào sự may mắn, có được từ sự "âm phù, dương trợ" nào đó. Bởi thế mà đã thành lệ, khi xuống hiện trường vụ án mạng nào, chúng tôi cũng đều dâng hương nạn nhân, để an ủi, chia sẻ nỗi đau với họ, vừa để có thêm niềm tin rằng mọi việc làm của mình sẽ được "dẫn lối, soi đường" hoặc gặp may mắn. Tôi đâu biết rằng, gần một năm sau, chính tôi "được chọn" để tìm ra thủ phạm vụ án này. Chuyện ly kỳ ấy xin kể sau.
Một tuần sau, chị Hà và bé Thảo Hiền cũng lần lượt ra đi, do bị bỏng hô hấp quá nặng. Chứng kiến sự đau đớn của họ khi giã từ dương thế, những cặp mắt ậng nước trong cơ thể cuốn kín băng trắng từ từ khép lại, những người lính điều tra trọng án tự nhủ với lòng mình rằng, sẽ làm mọi cách để sự thật được phơi bày.
(Còn nữa)