Ngày 7/9, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Trình bày tờ trình dự án Luật bảo đảm TTATGTĐB, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết:
Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ thảo luận và thống nhất Dự án Luật quy định các vấn đề về: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tác, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 2 phương án: Phương án 1: vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm TTATGTĐB; Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Phân tích cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông.
Do đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe…
Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm khái niệm "bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mặt khác, điều khoản về quản lý hành vi của người tham gia giao thông liên quan đến các khâu như: Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều nước trên thế giới (mô hình thành công nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc).
Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đa số Thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 1.
Đối với phương án 2, lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.