Mới đây, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) vừa phát hiện một doanh nghiệp nhập tơ tằm Trung Quốc giả nhãn mác Việt Nam xuất đi Ấn Độ.
Cụ thể, trong quá trình kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty M., cơ quan Hải quan phát hiện doanh nghiệp này xin cấp 8 C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) Form AI để xuất khẩu tơ tằm Trung Quốc sang Ấn Độ có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Hải quan chứng minh doanh nghiệp nêu trên có hành vi nhập khẩu tơ tằm thành phẩm từ Trung Quốc về cảng Cát Lái (TP. HCM). Sau khi hàng cập cảng, doanh nghiệp đưa hàng về kho nằm ngoài khu vực cảng (vẫn ở địa bàn TP. HCM), nhưng không đưa về nhà máy sản xuất của doanh nghiệp (nằm ở tỉnh khác).
Tại đây, doanh nghiệp có hành vi thay đổi bao bì, nhãn mác thể hiện hàng hóa xuất xứ Trung Quốc và gắn nhãn mác thể hiện xuất xứ Việt Nam lên sản phẩm để xuất khẩu đi Ấn Độ.
Cơ quan Hải quan nhận định, hành vi của doanh nghiệp nhằm lẩn tránh thuế suất cao. Bởi, nếu tơ tằm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%. Tuy nhiên, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ có mức thuế 5%.
Làm việc với Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp thừa nhận hành vi vi phạm. Sau đó, Cục Kiểm tra sau thông quan đã xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp 60 triệu đồng và thu nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 550 triệu đồng. Hiện, doanh nghiệp đã chấp hành nộp đủ số tiền vào ngân sách theo quy định.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết thêm: tình hình vi phạm xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP…
Do vậy, để bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ, phát triển sản xuất trong nước; góp phần tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam trong các FTA, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục đấu tranh mở rộng thu thập thông tin và thực hiện kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoạt động xuất nhập khẩu với các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết FTA như EU, Ấn Độ, Nhật Bản…
Hiệu quả đấu tranh với hành vi vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp không chỉ chống thất thu ngân sách, mà còn nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm.