Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản gửi giám đốc các sở GDĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó, cấm tuyệt đối ép mua tài liệu tham khảo.
Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý và kịp thời khắc phục những tồn tại trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo tại các các cơ sở giáo dục phổ thông phục vụ năm học 2020-2021, Bộ GDĐT yêu cầu giám đốc các sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021.
Đối với tài liệu tham khảo, yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.
Bộ GDĐT cũng yêu cầu các sở GDĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
TS Thái Văn Tài - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cũng khẳng định, theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn.
Cụ thể danh sách như sau: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn. Ngoài các cuốn sách này, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Trước đó, dư luận xã hội xôn xao trước danh sách đồ dùng học tập, sách giáo khoa do một số trường cung cấp cho phụ huynh. Có danh sách tổng giá trị lên tới 800.000 đồng đối với học sinh lớp 1. Tình trạng “nhập nhèm” giữa sách giáo khoa bắt buộc và sách tham khảo, đồ dùng học tập này đã gây hiểu nhầm và mất lòng tin của phụ huynh học sinh.