Dân Việt

Vì sao nhà tài phiệt Christopher Skase phải chạy trốn khỏi Australia?

V.H. (theo Crime Magazine) 08/09/2020 19:31 GMT+7
Là một nhà tài phiệt được trọng vọng tại Australia, vậy mà đến năm 1991, Christopher Charles Skase lại trở thành tội phạm phải chạy trốn đến Tây Ban Nha. Vậy điều gì đã xảy ra đối với Skase?

Christopher Charles Skase sinh ngày 19/8/1948, thời niên thiếu đã bộc lộ khát vọng kinh doanh làm giàu. Tình hình kinh tế khởi sắc của Australia sau đợt suy thoái nghiêm trọng vào giữa thập niên 70 của thế kỷ XX đã khiến Skase kiếm được nhiều tiền khi chơi chứng khoán.

Năm 1975, ở tuổi 28, Skase gom góp hết số tiền tích lũy trong thời gian đầu tư chứng khoán để mua lại Qintex, một công ty kinh doanh du lịch và giải trí nhỏ ở bang Tasmania. Cùng với một bạn thân tên Max Donnelly, Skase phát triển Qintex thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề từ giải trí, du lịch, nhà hàng khách sạn, tài chính ngân hàng đến bất động sản.

Vì sao nhà tài phiệt Christopher Skase phải chạy trốn khỏi Australia? - Ảnh 1.

Nhà tài phiệt Christopher Skase.

Nhờ đầu tư hiệu quả của Tập đoàn Qintex mà nhiều thành phố ở Australia như Brisbane, Port Douglas trở thành những địa điểm du lịch được thế giới biết tiếng. Riêng tại thành phố Port Douglas, Tập đoàn Qintex đã đầu tư xây dựng hai khu du lịch biển và nghỉ dưỡng lớn nhất châu Á đã góp phần thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch đến thành phố này mỗi năm.

Đến năm 1987, doanh số kinh doanh của Tập đoàn Qintex đã đạt đến con số 2 tỉ USD và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở châu Á.

Kiếm được nhiều tiền nhưng Skase cũng tiêu tiền như nước và chơi ngông nhất Australia. Vợ chồng Skase có đến 6 khu dinh thự nằm rải rác khắp Australia, mỗi dinh thự trị giá hàng chục triệu USD, nhưng mỗi năm vợ chồng Skase chỉ đặt chân đến có vài tuần, thậm chí vài ngày rồi bay đến nơi khác.

Tháng 10/1988, Skase ra lệnh cho phi hành đoàn lái chiếc Boeing 737 riêng của mình bay từ thành phố Port Douglas về lại thành phố Melbourne chỉ để lấy cho vợ một... chiếc váy để bà này kịp mặc tham dự một buổi dạ tiệc tổ chức tại khu dinh thự của Skase vào tối hôm đó.

"Đế chế" kinh doanh của Skase bắt đầu lung lay vào năm 1989 khi ông ta hung hăng tranh mua Hãng phim MGM của Mỹ với tỉ phú Rupert Murdoch. Để có tiền, Skase đã bán nhiều công ty trực thuộc Tập đoàn Qintex với giá rẻ đồng thời vay thêm tiền từ các ngân hàng.

Tuy nhiên, tháng 3/1990, Hãng MGM vẫn rơi vào tay tỉ phú Murdoch. Thông tin về việc Skase thất bại trong việc mua  Hãng MGM đã khiến cổ phiếu của Tập đoàn Qintex rớt giá nghiêm trọng.

Để cứu vãn được tình hình, Skase lén lút chuyển nhượng các cổ phiếu và sang nhượng nhiều bất động sản của mình rồi gom chuyển tất cả số tiền lên đến 124 triệu USD cất giấu tại nhiều tài khoản mở ở nước ngoài.

Ngoài ra, Skase tận dụng uy tín còn lại của mình để vay tiếp một số tiền lên đến 136 triệu USD tại các ngân hàng mà ông ta có cổ phần như Ngân hàng bang Victoria, Ngân hàng bang New South Wales, Ngân hàng ANZ, các công ty tài chính Wardley Australia và Nippon Shinpan. Số tiền lớn này cũng được Skase chuyển giấu tại nhiều tài khoản ở nước ngoài.

Nghi vấn về thái độ và cách hành xử khác thường của Skase, Max Donnelly, đồng sáng lập Tập đoàn Qintex với Skase liền thông báo cho Ủy ban An ninh tài chính liên bang (ASC). Thế nhưng, thay vì tạm giữ Skase để điều tra thì ASC chỉ giữ ông ta có một ngày để thẩm vấn rồi trả tự do.

Nhiều chính trị gia (được Skase chi tiền trong các cuộc vận động bầu cử) cũng còn mù quáng tin vào tài năng lãnh đạo và sự trong sạch của Skase mà không biết rằng nhà tài phiệt này đã cuỗm đi một số tiền lớn và đang chuẩn bị bỏ trốn.

Vào ngày 21/8/1991, tin đồn về việc Skase đã bỏ trốn lan truyền khắp nơi khiến giá trị cổ phiếu của Tập đoàn Qintex rớt giá liên tục.  Lập tức lệnh bắt giữ Skase được Cảnh sát liên bang (AFP) gửi đến các thành phố lớn ở Australia. Tuy nhiên, Skase và vợ vẫn bặt vô âm tín. Đến ngày 25/8/1991, AFP chính thức phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Skase.

Hồ sơ điều tra về vụ sụp đổ Tập đoàn Qintex và tội trạng của Skase sau đó được chuyển cho AFP điều tra bổ sung và để Viện Công tố liên bang phê chuẩn lệnh kê biên toàn bộ tài sản còn lại của Skase tại Australia.

Thế nhưng khi tiến hành kê biên, các nhân viên điều tra phát hiện trước đó, Skase đã lén lút chuyển nhượng nhiều bất động sản có giá trị cao. Từ tháng 8/1992, Skase đứng đầu danh sách những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất Australia.

Vào năm 1997. Andrew Dawton, phóng viên của báo Australia Financial Review, trong một lần đến thành phố Majorca của Tây Ban Nha để thực hiện phóng sự về hoạt động kinh doanh du lịch tại thành phố biển này, đã tình cờ phát hiện được dấu vết của Skase và liền bí mật chụp hình y rồi cấp báo cho AFP.

Biết rằng giữa Tây Ban Nha và Australia chưa ký kết thỏa thuận dẫn độ tội phạm nên Skase cùng vợ bỏ trốn đến thành phố Majorca. Tại đây, y ẩn mình trong một biệt thự sang trọng nằm ven biển và dùng số tiền lớn mà y cuỗm được trước đó tiếp tục kinh doanh du lịch và đầu tư xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn tại Cộng hòa Dominica ở Trung Mỹ.

Để trả công cho việc đầu tư của Skase, Cộng hòa Dominica đã cấp hộ chiếu quốc gia này cho y. Do việc thương thảo để dẫn độ Skase về lại Australia gặp nhiều trở ngại nên nhiều nạn nhân của Skase còn tính đến việc sẽ thuê lính đến thành phố Majorca bắt cóc y đưa về Australia để xử tội.

Đầu năm 2001, Chính phủ Australia quyết định thu hồi vĩnh viễn giấy thông hành của Skase. Việc làm này buộc Chính phủ Tây Ban Nha không còn cách nào khác là phải trục xuất Skase. Và trong khi AFP đang phối hợp với Interpol để bắt giữ và dẫn độ Skase về lại Australia thì xảy ra cái chết của Skase vào ngày 5/8/2001. Theo thông báo của nhà chức trách Tây Ban Nha thì Skase qua đời vì chứng ung thư phổi. Cái chết bất ngờ của Skase đã làm chấm dứt cuộc điều tra truy bắt y kéo dài 10 năm liền. Thế nhưng, hậu quả mà Skase để lại cho nền kinh tế Australia là vô cùng nghiêm trọng.