“Riedl ra sân tập và thường ngồi lên quả bóng, một thói quen hiếm thấy. Tôi nhận ra sự mệt mỏi của ông từ làn da bạc nhợt, từ những dòng mồ hôi đổ ra không ngớt. Đó là những ngày căn bệnh suy thận mãn tính của ông không thể che giấu được thêm nữa, cho dù ông ấy luôn bảo tôi hãy bí mật”, ông Nguyễn Văn Dậu, người suốt 4 năm làm lái xe cho Riedl ở Việt Nam bắt đầu câu chuyện của mình.
Bệnh tình càng ngày càng xấu đi, HLV Riedl buộc phải công khai tình trạng sức khỏe bằng một cuộc họp báo tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Thông tin ông cần phải ghép thận phát đi và cùng với đó là sự hồi đáp từ bệnh viện 103, nơi Giáo sư - Viện trưởng Phạm Gia Khánh và các cộng sự sẵn sàng giúp đỡ ông vô điều kiện trong việc tìm người hiến thận phù hợp.
Theo những gì ông Dậu biết, thời điểm cần ghép thận, hai quả thận của Riedl, một đã hỏng tới 80%, một cũng đã hỏng tới 40%, và cần một quả thận khỏe của những người có độ tuổi khoảng 30.
Vì lý do này mà quá trình tìm người hiến phù hợp gặp khó khăn. Trong khi đó, quá trình cân bằng máu của những người được lựa chọn với máu của Riedl cũng không hề suôn sẻ.
“3 tháng trời liên tục, tôi được Riedl nhờ cậy đưa đón những người hiến thận cho ông tới viện 103 làm xét nghiệm. 13 người tất cả và sau quá trình cân bằng máu, chỉ còn lại 6 hồ sơ phác đồ được chọn gửi về bên Áo nhờ các chuyên gia tại nước nhà kiểm tra một lần nữa.
Cuối cùng, hai trong số 6 hồ sơ cho kết quả phù hợp nhất. Đó là hồ sơ của một người tên là H, một người tên là T, cùng quê ở Thanh Hóa. “Một buổi trưa từ Nhổn về, trên xe, Riedl hỏi tôi, giữa H và T, theo anh tôi chọn ai? Tôi nói chọn H vì thận của H được đánh giá khỏe hơn. Nhưng Riedl xua tay và bảo chọn T, vì T tốt nghiệp trung cấp sư phạm, đang làm giáo viên cấp I, còn H là công nhân, chỉ học hết lớp 6. Để thuyết phục thêm tôi, Riedl khẳng định những người hiến thận cho tôi đều là những người tự nguyện, thậm chí có người sẵn sàng cho không. Nhưng người ta mất một quả thận, sức khỏe sẽ giảm đi 30% thì mình phải có trách nhiệm. Vì thế, Riedl buộc phải chọn người có học thức”.
Cuối năm 2006, Riedl về nước nghỉ phép, và ông quyết định chọn thời điểm này để tiến hành ghép thận. Một ngày trước khi lên máy bay, ông nhấc máy gọi cho lái xe của mình. “Hôm đó là 26 Tết Đinh Hợi 2007, Riedl gọi tôi để cùng tới khách sạn Melia đặt phòng. Xong xuôi, ông ấy dặn ngày mồng 5 Tết, đón T ở bến xe, đưa cậu ấy về khách sạn. Nhớ phải hết sức chu đáo và bí mật. T sẽ sang Áo cùng bác sĩ Hiền. Mọi thủ tục cần thiết ông ấy đã chuẩn bị xong”, ông Dậu nhớ như in.
Riedl yêu cầu thận trọng và bí mật vì đưa một người Việt Nam ra nước ngoài hiến nội tạng là chuyện phải rất tế nhị, chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể đổ bể. Điều này khiến cho ông Dậu phải nín thở để làm việc.
“Đúng hẹn, sáng mồng 5 tôi đón T ở bến xe Nước Ngầm. Bấy giờ gặp lại T, tôi mới để ý tới thầy giáo 34 tuổi, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa này. T khá điềm đạm, không một chút gì tỏ ra lo lắng, hồi hộp. Trên đường về khách sạn, tôi đánh liều hỏi T, vì sao lại hiến thận? T cười thản nhiên, rồi nói: Cháu thấy ông Riedl là một người tận tụy với bóng đá Việt Nam. Qua báo chí lại biết thêm về hoàn cảnh của ông ấy. Quả là rất tội! Sau nhiều đêm suy nghĩ, cháu đã đi đến quyết định này. Coi như một kỷ niệm và nó sẽ khiến ông ấy nhớ mãi tới Việt Nam”.
19h ngày 6/3/2007 tại Viện thận Vienna, Áo, T bước lên bàn mổ. Sau 3 giờ, T được đưa trở lại phòng hồi sức. “Mọi việc diễn ra rất tốt đẹp, T vẫn khỏe mạnh và chỉ mất khoảng 3 ngày là có thể đi lại bình thường”.
Từ Áo, Riedl vui vẻ thông báo cho người lái xe ở Việt Nam. 2h sáng ngày 7/3/2007, đến lượt Riedl nhập phòng phẫu thuật. Ca ghép thận thành công sau 5 tiếng. Ông Dậu đón tin vui trong tiếng thở phào nhẹ nhõm. “Ngày thứ 10 sau ca phẫu thuật, tôi gọi điện cho Riedl, ông ấy khoe hôm nay xuất viện, còn T đang vui vẻ đi chơi, thăm thú Vienna trước khi về nước. Tới tháng thứ 3 của kỳ nghỉ, Riedl trở lại Việt Nam với nụ cười hạnh phúc, ông ấy tặng tôi một cái ôm cùng lời khen Mr Dậu tuyệt vời ngoài sân bay”, ông Dậu khoe trong cảm giác hạnh phúc.
Hành trình đi nhận “báu vật” của Riedl đã diễn ra như vậy đó. Nói như ông Dậu thì âu cũng là cái duyên - cái duyên khiến Riedl mang ơn một người thầy giáo trẻ xứ Thanh đã tặng mình “báu vật”, và hơn nữa tặng ông cả một quê hương thứ hai để tìm về.
“Cả đời này Riedl không thể quên ơn T, Riedl bảo, dù có bận việc đến mấy, ở đâu, ông ấy cũng thường xuyên liên lạc cho T để hỏi thăm sức khỏe, gia đình, công việc. Thậm chí, Riedl nhờ cả người thăm nom, đưa T đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tháng. Anh bạn người Áo này vốn chu đáo và rất biết trước sau. Đừng nghĩ anh ta Tây, anh ta là người Việt chính hiệu từ lâu rồi ”, ông Dậu khép lại câu chuyện của mình.