"Người hùng thường phải gắn với danh hiệu. Alfred Riedl lại không có danh hiệu nào. Nói ông ấy là người hùng là chưa hợp lý. Song, Riedl là người góp phần nâng tầm bóng đá Việt Nam", BLV Vũ Quang Huy chia sẻ với Zing.
HLV Riedl là chiến lược gia có nhiều duyên nợ với bóng đá Việt Nam. Ông từng có 3 nhiệm kỳ dẫn dắt các cấp độ đội tuyển, 2 lần cầm quân tại V.League, nhưng đều không đạt được thành tựu, thậm chí thất bại. Dù vậy, trong mỗi giai đoạn, "vua về nhì" đều để lại một dấu ấn riêng.
Nhiệm kỳ đầu tiên của chiến lược gia người Áo tại Việt Nam kéo dài 2 năm ở giai đoạn 1998-2000. Ông đưa đội tuyển vào chung kết Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup) sau có khi lần đầu giúp Việt Nam giành chiến thắng trước Thái Lan bằng các pha lập công của Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn và Văn Sỹ Hùng.
Đó cũng là năm khái niệm "Thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam ra đời. HLV Riedl sở hữu dàn hảo thủ với nhiều cái tên khác như Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh, Nguyễn Đức Thắng, Triệu Quang Hà.
Song, may mắn không mỉm cười với ông cùng các học trò. Người hâm mộ Việt Nam chứng kiến một trong những giải đấu tiếc nuối nhất lịch sử, khi bàn thắng bằng lưng của Sasi Kumar ở chung kết đã khiến thầy trò HLV Riedl phải chấp nhận về nhì trước Singapore.
Một năm sau, vẫn bộ sậu đó, chiến lược gia người Áo đưa Việt Nam vào chung kết SEA Games 20. Hàng phòng ngự của ông giữ sạch lưới 100% cho đến trận cuối cùng. Tuy nhiên, 2 bàn thắng của Damrong-Ongtrakul và Dusit Chalermsan khiến tuyển Việt Nam lần thứ hai phải nhận HCB ở đấu trường này. Năm 2000, HLV Riedl chia tay Việt nam sau khi thua Indonesia 2-3 ở bán kết AFF Cup và thất bại 0-3 trước Malaysia ở trận tranh hạng ba.
Ở nhiệm kỳ thứ hai (năm 2003) và thứ ba (2005-2007), chiến lược gia người Áo cùng các học trò có 2 lần vào chung kết SEA Games nhưng tiếp tục thất bại trước người Thái. Tại AFF Cup, ông cũng không thể cải thiện thành tích về nhì đã đạt được trước đó.
Dấu ấn lớn nhất của HLV Riedl là đưa tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng Asian Cup 2007, sau khi đánh bại UAE, hòa Qatar, trước khi dừng bước ở tứ kết vì để thua nhà vô địch Iraq với tỷ số 0-2.
HLV Mai Đức Chung, người từng làm trợ lý cho HLV Riedl, chia sẻ với Zing: "Nhiều người nói Riedl chỉ về nhì, nhưng trong bóng đá cũng có may rủi. Trong công tác huấn luyện có nhiều vấn đề. Thầy giỏi, cầu thủ kém thì không được, ngược lại cũng vậy. Trong thời kỳ ông ấy làm, cũng có lúc một vài cầu thủ còn chưa thi đấu toàn tâm toàn ý".
"HLV Park Hang-seo đã có tiếng vang và thành công ở Việt Nam. Ông Henrique Calisto cũng vô địch AFF Cup. Tuy nhiên, những HLV như Riedl rất tài năng, chỉ tiếc là không gặp may. Tôi đã học ở ông ấy rất nhiều về cách làm tâm lý với học trò. Riedl ít nhiều đã để lại di sản cho bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ có thể mong mỏi nhiều hơn, nhưng trong bối cảnh đó, thành tích ấy cũng là rạng danh rồi", HLV tuyển nữ Việt Nam nói thêm.
Chiến lược gia người Áo từng thừa nhận ông là người bảo thủ. Trong quá khứ, tuyển Việt Nam thường ra sân với một bộ khung cố định và chủ yếu triển khai tấn công ở cánh phải. Song, một trong những dấu ấn đáng kể nhất của HLV Riedl trong nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba là để Lê Công Vinh ngồi dự bị cho cặp tiền đạo Phạm Văn Quyến - Phan Thanh Bình. Quyết định này gây ra không ít tranh cãi.
HLV Mai Đức Chung khẳng định: "Trong huấn luyện, nhất là ở Việt Nam, mình dễ dãi quá không được, sòng phẳng cũng khó. Tuy nhiên, vì cái chung, về chuyên môn, toàn đội phải làm đúng yêu cầu của Riedl. Ông ấy là HLV trưởng, phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, nên không ai được can thiệp vào. Ai cũng phải có cái bảo thủ của riêng".
"Dấu ấn của HLV Riedl là sự bài bản và điểm rơi phong độ, thể lực rất tốt. Tuy nhiên, ông ấy không tìm ra nhiều nhân tố mới và có gì đó hơi cứng. Song, bóng đá Việt Nam thời đó còn loạn, làm được như ông ấy cũng là quá tốt rồi. Giờ nghĩ lại, với những con người ấy, nếu không phải Riedl, chưa chắc chúng ta đã thành công như vậy. Bóng đá Việt Nam may mắn vì có người như Rield", BLV Quang Huy nói thêm.
HLV Riedl có thể không thành công với tuyển Việt Nam, nhưng không ai nói ông là kẻ thất bại. Tuy nhiên, quãng thời gian chiến lược gia này dẫn dắt CLB Khánh Hòa và Hải Phòng tại V.League là câu chuyện khác.
"Trừ Calisto (cựu HLV Đồng Tâm Long An - PV), CLB vẫn là sân chơi của HLV nội. Đến lúc này, tôi vẫn nói rằng HLV trưởng phải là thầy ngoại, nhưng làm V.League nên là người Việt Nam. HLV ngoại khó để tạo đột phá, cách tân, phá cách vì rào cản về văn hóa và giao tiếp. Sau này, khi chúng ta chuyên nghiệp hơn, mọi chuyện có thể sẽ khác", BLV Quang Huy chia sẻ.
Tháng 2/2001, cựu thuyền trưởng tuyển Việt Nam nhận lời mời của Sở Thể dục Thể thao Khánh Hòa để dẫn dắt đội bóng tỉnh. Khi đó, Khánh Hòa đang đứng cuối bảng xếp hạng với thành tích toàn bại sau 5 vòng đầu ở V.League.
Theo thỏa thuận, HLV Riedl sẽ dẫn dắt CLB trong 4 tháng. Ông chia tay Khánh Hòa sau khi mùa giải năm đó kết thúc. Chiến lược gia người Áo, với uy tín và thành tích có được với tuyển Việt Nam trước đó, đã không thể giúp đội bóng trụ hạng thành công. HLV Rield dẫn dắt 13 trận tại V.League. Tuy nhiên, đội chỉ giành 1 chiến thắng, 4 kết quả hòa và để thua tới 8 trận. Đó là lần đầu tiên ông trải nghiệm cảm giác thất bại tại giải vô địch quốc gia.
Gần 8 năm sau, ông được mời về dẫn dắt CLB Hải Phòng sau khi đội chủ sân Lạch Tray chia tay HLV Vương Tiến Dũng, người đưa đội bóng về thứ 3 chung cuộc mùa trước. Tuy nhiên, chiến lược gia người Áo chỉ cầm quân đúng 4 trận đấu chính thức trước khi trở thành HLV đầu tiên mất việc ở V.League 2009.
Trong trận đầu tiên, thầy trò HLV Riedl thua đội hạng nhất Hòa Phát Hà Nội ở cúp quốc gia 2009. CLB Hải Phòng tiếp tục nhận thất bại 0-1 trước Đà Nẵng ở trận khai màn V.League. Đến trận đấu thứ ba, họ mới biết mùi chiến thắng khi đánh bại Thể Công với tỷ số 2-1 trên sân nhà. Tuy nhiên, thất bại 0-2 trước Nam Định là giọt nước tràn ly sau thời gian CLB chơi bế tắc và yếu kém.
Lãnh đạo đội chủ sân Lạch Tray cắt hợp đồng với chiến lược gia người Áo bằng một cú điện thoại. Các cộng sự của ông là Phạm Văn Hùng (HLV thủ môn), Hoàng Gia, Lê Tuấn Long (trợ lý) cũng chịu chung số phận. Cuộc điện thoại được gọi đến chỉ 2 tiếng sau khi chủ tịch CLB nói với Riedl rằng ông còn nhiều thời gian để sửa sai.
Chia sẻ với Zing, BLV Quang Huy nhận định: "Năm 2001, Khánh Hòa quá rệu rã. Riedl đến không thể cứu vãn được tình hình. Ông ấy tới vào chặng cuối nên không thể vực dậy đội bóng đã mất phương hướng. CLB Hải Phòng ở giai đoạn sau thi đấu nhợt nhạt, không có bài vở, đường nét. HLV Riedl đều nhảy vào khi cả hai đội đều quá sa sút".
"Nói cách khác, Khánh Hòa và Hải Phòng khi đó cần luyện thi cấp tốc, nhưng Riedl là người bài bản. Tôi vẫn nói HLV ngoại không hợp với V.League. Song, nếu trao quyền cho ông ấy từ đầu mùa, có thể mọi chuyện sẽ khác. Họ cần đến Riedl khi đội bóng đã quá nguy cấp. Calisto có thể luyện thi cấp tốc như vậy, nhưng Riedl không phải kiểu đó. Có lẽ, họ mời thiết tha quá nên ông ấy mới làm", anh cho biết thêm.
Sau cùng, dù không hưởng niềm vui vô địch, không được tung hô như người hùng, HLV Riedl vẫn được người hâm mộ bóng đá Việt Nam trân trọng. Ngược lại, Việt Nam cũng như quê hương thứ hai của chiến lược gia người Áo, nơi cho ông thêm 13 năm cuộc sống trước khi về với đất mẹ vào chiều tối ngày 8/9.