Lang Chánh là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, với diện tích đồi núi là chính, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, vì thế việc xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp rất nhiều trở ngại. "Cái khó ló cái khôn", Lang Chánh đã chọn cách xây dựng NTM bắt đầu từ thôn, bản, dễ làm trước, khó làm sau. Nhờ đó, từ khi trung bình các xã chỉ đạt 3,1 tiêu chí, đến nay đã đạt 14,1 tiêu chí/xã, 2 xã đã về đích…
Vượt qua khó khăn
Năm 2010, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, số tiêu chí bình quân của huyện mới đạt 3,1 tiêu chí/xã. Đến nay, toàn huyện đã có 2/10 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 12,1 tiêu chí, đã có 19/64 thôn bản đạt chuẩn NTM. Trong 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cùng với nguồn ngân sách trung ương, huyện đã huy động toàn dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đóng góp, ủng hộ tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất... với tổng nguồn lực hơn 431 tỷ đồng.
Từ nguồn lực trên, huyện phát triển và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở, như: xây dựng công sở, nhà văn hóa xã, trạm y tế, hỗ trợ phát triển trang trại quy mô công nghiệp, đường giao thông, thủy lợi nội đồng… Nhiều mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân cũng được khuyến khích, phát triển... Thu nhập đã tăng từ 8,9 triệu đồng/người/năm (năm 2010), lên 27,9 triệu đồng/người/năm (năm 2019). An sinh xã hội được bảo đảm, công tác xóa đói giảm nghèo thu được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2010 là 52%, thì năm 2019 giảm còn 16,4%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 34%.
Tuy nhiên, thời gian qua nhu cầu vốn cho xây dựng NTM rất lớn, nhưng kinh phí đầu tư từ ngân sách và sự đóng góp của nhân dân có hạn. Việc sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, đồng ruộng manh mún, nên việc tích tụ ruộng đất còn khó khăn, vì thế thu nhập của người dân chưa cao.
Ông Phạm Đăng Lực - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Lang Chánh cho biết: Xuất phát điểm của huyện thấp, nên ngay từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện, Lang Chánh xác định, để XDNTM đích thực, hiệu quả, bền vững, các địa phương trong huyện đã không chạy theo thành tích, phong trào, mà cái cốt yếu nhất là phải tạo ra được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Người làm phong trào phải hiểu người dân muốn gì, cần gì chứ không áp đặt chủ trương, chính sách máy móc, gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân, thậm chí gây bất bình trong cộng đồng xã hội.
Xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu
Để tiếp tục tạo nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong những năm qua huyện Lang Chánh luôn chú trọng công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, điển hình như mô hình chăn nuôi dê, trâu, bò sinh sản ở xã Quang Hiến; mô hình trồng bí đỏ thương phẩm, sản xuất rau an toàn trái vụ ở xã Đồng Lương...
Huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; chất lượng giáo dục, y tế, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ rệt; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; trong triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo; đã phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng NTM; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Từ những giải pháp thiết thực, hiệu quả, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả quan trọng. Tính đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM, 19/64 thôn, bản đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 14,1 tiêu chí/xã.
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, mục tiêu của huyện trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là có 2 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu đến năm 2025 giảm còn dưới 5%, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP. Huyện đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các chỉ tiêu đề ra.
Ông Hồng cho biết thêm, trải qua 10 năm thực hiện việc xây dựng NTM, nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về chương trình XD NTM đã có sự thay đổi, bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh… Tuy nhiên, nhiều hạn chế, yếu kém cũng đã được chỉ ra nhằm đúc rút kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo.
Trong đó, năm 2020, có 14 thôn, bản đăng ký về đích NTM, cơ bản các thôn đăng ký về đích NTM đã đạt 10 tiêu chí trở lên. Hiện nay, huyện, xã và các thôn, bản đang tập trung nguồn lực để chỉ đạo và hỗ trợ các thôn bản hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt và phấn đấu đến tháng 11 năm 2020 sẽ hoàn thiện 14 tiêu chí theo quy định của tỉnh. Ngoài ra, huyện đang phấn cuối năm 2020 bản Giàng Vìn, bản Năng Cát (xã Trí Nang) sẽ hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu. Hiện các thôn, bản đã hoàn thành 8/14 tiêu chí, hiện đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn lại.
Nhân dịp tổng kết 10 năm xây dựng NTM, UBND huyện Lang Chánh đã tặng giấy khen cho 16 tập thể, 5 gia đình và 9 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua "Huyện Lang Chánh chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2016-2020".