Với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, AMM-53 là hội nghị Ngoại trưởng thường niên trực tuyến đầu tiên của ASEAN, được xem như một sự chuyển đổi nhanh chóng về phương thức hoạt động như một tác động tích cực của dịch Covid-19.
Tự tin tiến lên
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị lần này là minh chứng cho việc ASEAN đang điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh mới, vững vàng, gắn kết cùng vượt khó khăn, thử thách.
ASEAN bước sang thập kỷ thứ 6, Cộng đồng hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ, thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Thủ tướng cho rằng, những thành quả của ASEAN đang được thử lửa trong môi trường đầy biến động, với những thách thức chưa từng thấy, nhất là sự bùng phát dịch Covid-19.
Tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, trách nhiệm đã trở thành "thương hiệu", giúp ASEAN ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa đẩy mạnh phát triển vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khen ngợi các cơ quan của ASEAN đã đưa cả hệ thống và bộ máy vào cuộc, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, người dân ổn định đời sống. Những sáng kiến như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi tổng thể đã và đang vừa giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh, vừa là chất keo gắn kết các nước thành viên.
Thủ tướng khẳng định: Vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN ngày càng cao, ASEAN đã đồng hành cùng cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức toàn cầu Covid-19, tiếp tục hợp tác, cam kết và đóng góp cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Trong 4 tháng cuối năm, Thủ tướng cho rằng dịch bệnh còn rất phức tạp, người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại quá sức; chính trị, kinh tế khu vực, trong đó có cả Biển Đông, đang có nhiều biến động ảnh hưởng hòa bình, ổn định.
Các ưu tiên của ASEAN
Để tiếp nối những kết quả đã đạt được, Thủ tướng đề nghị ASEAN tiếp tục các ưu tiên về đề cao đoàn kết, giữ vững thống nhất, triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Kịp thời đánh giá, nâng cao hiệu quả triển khai Hiến chương ASEAN, bộ máy ASEAN, làm cơ sở hoạch định tầm nhìn phát triển cho ASEAN sau 2025.
ASEAN cũng cần ưu tiên tập trung đẩy lùi dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi bền vững. Thủ tướng đề nghị sử dụng hiệu quả Quỹ ứng phó COVID-19 và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, hỗ trợ năng lực ứng phó của ASEAN. Nhanh chóng hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, các doanh nghiệp, địa phương khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thực hiện thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết các tiểu vùng trong đó có Mê Kông, với phát triển chung của ASEAN...
Ưu tiên thứ ba là cần phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin; từ đó hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia; giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như TAC, DOC...
Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN và trông đợi sự ủng hộ và hợp tác từ các nước bạn để có thể hoàn thành tốt nhiệm kỳ 2020, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.