Dân Việt

Tại sao Quan Vũ được gọi là “sát thần” thời Tam quốc?

Dương Quang 12/09/2020 18:30 GMT+7
Quan Vũ là người đứng đầu trong Ngũ hổ tướng vang danh thiên hạ của nước Thục thời Tam quốc. Ông sở hữu sức mạnh hơn người cùng võ nghệ cao cường, tạo ra những chiến tích vẻ vang trong quá trình chiến đấu dưới trướng của Lưu Bị.

Quan Vũ tự là Vân Trường, người Giải Lương, Hà Đông (nay thuộc Sơn Tây, Trung Quốc) là một danh tướng thời hậu Hán dưới trướng Lưu Bị (nước Thục) trong Tam quốc. Từ lúc gặp nhau ở Trác quận, ông cùng Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa vườn đào và cả 3 người cùng tham gia đánh giặc Khăn Vàng, mở đầu cho cục diện chiến loạn phân tranh của 3 cường quốc.

Quan Vũ được La Quán Trung miêu tả 'mình cao chín thước (hơn 2 mét ngày nay); mày tằm, mắt phượng, mặt đỏ, râu dài', ông sử dụng cây Thanh Long Yển Nguyệt đao nặng 82 cân (bằng 41 cân ngày nay). Ngoài tên của mình, ông thường được gọi là Quan Công, Vân Trường, Mỹ Nhiêm Công (ông râu đẹp)…

Tại sao Quan Vũ được gọi là “sát thần” thời Tam quốc? - Ảnh 1.

Lưu – Quan – Trương kết nghĩa vườn đào tại Trác quận.

Sở dĩ Quan Vũ được mệnh danh là "sát thần" vì trong cuộc đời dài 58 năm của mình, không ai ở thời đó chém được nhiều danh tướng hơn ông. Mở đầu cho một danh sách không ít các tướng địch phải bỏ mình dưới thanh đao của ông là tướng giặc Khăn Vàng Trình Viễn Chí. Sau khi cuộc khởi nghĩa khởi nghĩa nông dân của Trương Giác (thủ lĩnh giặc Khăn Vàng) tan rã, các thế lực liên quân quay sang đấu đá nhau vì lợi ích, tạo nên cuộc chiến của các chư hầu, và cũng nối dài những chiến công của một vị tướng còn vô danh lúc đó.

Chém Hoa Hùng ở Dĩ Thủy quan

Hoa Hùng là tướng tài của Đổng Trác, trong cuộc chiến chống lại 17 lộ chư hầu ở Dĩ Thủy quan thì người này đã chém chết 2 tướng của quân đồng minh là Pháo Trung và Tổ Mậu. Sau khi thắng quân Tôn Kiên, Hùng dẫn đầu khiêu chiến các lộ chư hầu và chém tiếp 2 đại tướng là Du Thiệp và Phan Phụng khiến cho thủ lĩnh quân đồng minh là Viên Thiệu sợ xanh mặt.

Giữa lúc mọi người lo sợ thì Quan Vũ, lúc đó chỉ là một mã cung thủ cùng Lưu Bị đi theo Công Tôn Toản, đã bước ra xin ứng chiến. Viên Thiệu khinh thường ông chức nhỏ muốn đuổi ra ngoài nhưng Tào Tháo thấy tướng mạo Vũ oai phong nên xin giúp. Tháo rót rượu mời, Vũ sách đao lên ngựa phóng đi. Chỉ một lúc sau, ông đã ném đầu Hoa Hùng trước trướng, chén rượu Tào Tháo đưa vẫn còn nóng.

Tại sao Quan Vũ được gọi là “sát thần” thời Tam quốc? - Ảnh 2.

Quan Vũ lấy thủ cấp của Hoa Hùng chỉ trong nháy mắt.

Chém Nhan Lương, Văn Xú

Lúc phải nương nhờ Tào Tháo để bảo vệ 2 người vợ của Lưu Bị, Quan Vũ luôn nóng lòng báo ơn vị thừa tướng đầy mưu mô này để sớm về với 2 người anh em kết nghĩa. Tháo thì không muốn vậy nên không tạo điều kiện cho Vũ lập công. Tuy nhiên, trong cuộc chiến với Viên Thiệu thì 2 mãnh tướng là Nhan Lương và Văn Xú đã khiến cho các anh tài của Tháo là Từ Hoảng và Trương Liêu phải thất bại.

Không còn cách nào khác, Tháo đành phải mời Vũ ra trận. Với con ngựa Xích Thố của Lữ Bố ngày trước được Tháo ban tặng, Vũ như hổ mọc thêm cánh. Ông một đao một ngựa rẽ quân xông thẳng vào trận chém chết Nhan Lương, Văn Xú cũng chỉ cầm cự được 3 hiệp trước khi mất mạng dưới lưỡi đao sắc bén này.

Tại sao Quan Vũ được gọi là “sát thần” thời Tam quốc? - Ảnh 3.

Quan Vân Trường xông pha giữa hàng ngũ quân địch.

Qua năm ải, chém sáu tướng

Biết Lưu Bị ở Hà Bắc, Quan Vũ muốn từ biệt Tào Tháo để về với anh mình nhưng Tháo biết ý nên luôn tránh mặt. Vũ đành phải treo ấn quan, để lại toàn bộ vàng bạc được tặng, lưu bức thư rồi cùng 2 chị dâu ra đi. Tháo tiếc nuối nhưng vì đã hứa nên cũng không đuổi theo làm khó vị tướng tài này. Tuy vậy, các tướng dưới quyền có nhiều người không phục.

Vì ra đi vội vã nên Quan Vũ không kịp xin giấy thông hành, giữa đường đi về phía Bắc đã bị rất nhiều tướng giữ ải của Tào Tháo ngăn cản. Vũ nhiều lần giải thích nhưng các tướng này ỷ vào thế đông người, luôn một mực làm khó. Tức giận và một lòng nóng vội muốn tìm anh, Vũ một đường vượt ải chém luôn 6 tướng Tào gồm Khổng Tú, Mạnh Thản, Hàn Phúc, Biện Hỉ, Vương Thực và Tần Kỳ. Trong quá trình này không phải lúc nào cũng là những cuộc chiến giáp mặt mà bao gồm nhiều vụ đột kích, đánh lén, dùng thủ đoạn… Nhưng cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của một số người mến mộ cộng với bản lĩnh và sự quyết đoán, Quan Vũ đã thành công vượt qua những cản trở để tìm được 2 người anh em của mình.

Tại sao Quan Vũ được gọi là “sát thần” thời Tam quốc? - Ảnh 4.

Mỹ Nhiêm Công như hổ mọc thêm cánh khi có ngựa Xích Thố.

Trong Tam quốc, danh sách những tướng địch bị Quan Vũ trực tiếp đoạt mạng có đến 17 người, nhưng ở bài viết này tác giả chỉ liệt kê một số chiến công tiêu biểu. Vũ không hẳn là người mạnh nhất trong tác phẩm này, nhưng rõ ràng ông là người dẫn đầu về việc lấy thủ cấp tướng địch nên gọi ông là "sát thần" là hoàn toàn hợp lý. Hình ảnh một viên dũng tướng áo xanh, ngựa đỏ, tay cầm đại đao đã gây nên một nỗi khiếp sợ lớn cho những người đối địch khi nghe đến tên ông.

Tại sao Quan Vũ được gọi là “sát thần” thời Tam quốc? - Ảnh 5.

Hình tượng khiến độc giả Tam quốc khó có thể quên.

Với võ nghệ tuyệt luân, Quan Vũ được xưng là Võ thánh (sánh ngang với Văn thánh là Khổng Tử). Ngoài tài nghệ trên chiến trường, ông còn nổi danh là người trung nghĩa không gì sánh được. Tào Tháo dùng vàng bạc, mỹ sắc, quyền thế không lay chuyển được ông, Tôn Quyền dùng cái chết đe dọa cũng không khuất phục được ông. Quan Vũ xứng đáng là một trong tứ tuyệt của Tam quốc (Tuyệt nghĩa).