Dân Việt

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm

M.T 12/09/2020 16:25 GMT+7
Triển lãm "Lời thì thầm" của hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng nhằm trưng bày hàng trăm sáng tác mới với chất liệu gốm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 12-21/9 tới đây.

Trong không gian ấm cúng của bảo tàng, những bức tranh gốm trang nhã xen lẫn những bức tượng đẹp mắt và những bộ ấm chén, bình gốm với họa tiết hoa cúc nhìn không chán mắt khiến người xem mải mê theo dòng sáng tạo của cặp họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng. Lần này, họa sĩ Ngô Trọng Văn mang tới triển lãm bộ tác phẩm "Nguyệt dạ" gồm 8 tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau.

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 1.

"Nguyệt dạ" của Ngô Trọng Văn.

"Với tôi, người phụ nữ đẹp nhất ở độ trăng tròn. Nguyệt dạ đại diện cho tính nữ, cho cái đẹp tròn trịa, dịu dàng, mềm mại, nhưng đặc biệt là luôn ẩn chứa những câu chuyện đầy tính thân phận, nỗi cô đơn, tính kiên nhẫn, sự hy sinh lặng thầm. 

Phụ nữ như bông hoa quỳnh không dễ phô diễn, lúc nở đẹp nhất, toả sáng nhất lại rơi vào những thời khắc ngặt nghèo hoặc những bối cảnh, không gian éo le. Vẻ đẹp rực rỡ ấy chưa chắc đã được người đời chiêm ngắm. Nhưng cũng chính vì giá trị lặng thầm mà vô cùng quyến rũ đó, tính nữ luôn giữ một quyền lực mềm khiến cho một nửa còn lại của thế giới không thể làm ngơ" – Ngô Trọng Văn chia sẻ.

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 2.

Cặp vợ chồng đam mê gốm - Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng.

8 tác phẩm trong bộ "Nguyệt dạ" là sự thể hiện ý niệm hoàn chỉnh về tính nữ trong quan niệm của Ngô Trọng Văn, có những khoảnh khắc thanh xuân tươi trẻ, có cả thời khắc người phụ nữ mang bầu.

Đồng hành trong gia đình nhỏ cùng Ngô Trọng Văn là một khối đam mê khác - họa sĩ gắn bó với gốm trên hai mươi năm Nguyễn Thị Dũng. Nguyễn Thị Dũng nổi tiếng là không chịu thất bại, cho dù không ít lần bật khóc vì không đón được tác phẩm ra lò.

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 3.

Họa sĩ Nguyễn Thị Dũng bên bức tranh và bình trà gốm yêu thích.

Ngô Trọng Văn quyết định quay lại với gốm kể từ năm 2014, hai vợ chồng cùng sẻ chia vất vả cực nhọc, đầu tư mua lò nung, thuê xưởng, mỗi người mỗi góc miệt mài suy tư với gốm.

"Hạt trời" màu nâu, có màu sắc của hạt cà phê Tây Nguyên, có hình dáng của tượng gỗ Tây Nguyên, nặng khoảng 100 kg, kích cỡ gần bằng người thật, sức một người không thể bê nổi.

Bức tượng gốm sần sùi khắc khổ mà lúc nung xong nhiều thợ gốm cứ lắc đầu tưởng là sản phẩm hỏng, họ không biết rằng Ngô Trọng Văn đã tính toán hết cho những lớp đất sần sùi sau nung, vỡ toác ra màu nâu của đất, được hoạ sĩ mang về kỳ cạch hoàn chỉnh tác phẩm ở công đoạn mài đi nhiều khúc quanh, nhiều đồi núi, thung lũng, với rất nhiều "địa hình" hiểm trở.

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 4.

Cửu ngư của Nguyễn Thị Dũng.

"Ngoài ra, Ngô Trọng Văn còn mang đến triển lãm những tác phẩm khác như "Nữ hoàng", "Hề xiếc" (Bộ 2 tác phẩm)…

"Có sáng tác sử dụng men sâu nhiều màu, khi ra lò, tác phẩm phồng lên tùm lum, nổ như bọt xà phòng, phải thêm công đoạn mài sẽ ra hiệu ứng khác. Thậm chí mài xong, có thể nung lại lần 2, rồi lại mài tiếp. Như bộ 8 tác phẩm "Nguyệt dạ" là nung tới 3 lần. Để hoàn thiện một tác phẩm, phải mất tới vài tháng" – Ngô Trọng Văn chia sẻ.

Nói về 4 chiếc bình gốm cỡ cực lớn, trong đó có 2 chiếc sáng tác chung với vợ, Ngô Trọng Văn kể: "Lần đó đi trại sáng tác, hai vợ chồng đăng ký làm bình cỡ lớn vì chỉ có ở không gian đó mới có đủ điều kiện và có lò để nung tác phẩm cỡ lớn như vậy. Nhưng đáng tiếc là chiếc bình đầu tiên nung xong vỡ vụn thành hàng trăm mảnh nhỏ. Đứng nhìn đống mảnh vỡ, vừa tiếc, vừa nản. Nhưng cuối cùng, hai vợ chồng cùng quyết chí làm lại. Và để chắc ăn thì làm luôn một cặp. Cả hai lao vào làm điên cuồng để kịp thời gian. Cuối cùng, thật may mắn là thành phẩm tuyệt đẹp được đón ra lò".

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 5.

Cặp đôi trong xưởng gốm.

Cặp bình gốm men cỡ lớn (112x55) là công sức sáng tạo chung của cả hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn – Nguyễn Thị Dũng được đặt tên là "Mộng dưới hoa" và "Mơ hoa". 

Với triển lãm "Lời thì thầm" lần này, Nguyễn Thị Dũng mang tới thêm vài chục bộ tác phẩm gốm, mỗi bộ là hàng chục tác phẩm khác nhau.

Thế mạnh men, màu và tính sáng tạo liên tục đã khiến Nguyễn Thị Dũng nổi bật trong việc đưa các sản phẩm gốm thông dụng trở thành những tác phẩm nghệ thuật. 

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 6.

Chỉ trong một năm, Dũng làm tới vài trăm bộ bình trà. Triển lãm "Lời thì thầm" lần này, Dũng giới thiệu khoảng 10 bộ. Đặc biệt, chiếc bình trà kiểu cổ không cho nước vào từ bên trên mà lật đáy bình lên để châm nước đã được Nguyễn Thị Dũng nghiên cứu, chế tác thành công. Có bộ bình trà giá 15 triệu đồng nhưng vẫn có người đặt ngay.

"Tính tôi chỉ thích làm đồ khó. Nhất là màu và men, người khác thì lúc được lúc không nhưng tôi có thể kiểm soát màu rất tốt. Tôi thường làm rất nhiều màu men, lúc dày lúc mỏng, có độ đậm nhạt khác nhau, nếu nung các mẻ khác nhau thì màu men sẽ không đều, nên có những bộ tác phẩm phải chờ nhau từ đầu năm đến cuối năm mới được chuyển đi nung" – họa sĩ Nguyễn Thị Dũng cho biết.

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 7.

Họa sĩ đều cho biết cảm giác rất thú vị mỗi lần đốt lò và ra lò gốm, nên dù rất mệt nhưng vẫn bị đam mê gốm kích thích khám phá, trải nghiệm.

Nói về những tác phẩm sáng tác chung, Nguyễn Thị Dũng kể: "Anh Văn tạo hình và bố cục còn tôi thì làm bông, hoa và màu men. Khó khăn nhất với một tác phẩm làm chung là hai người phải đồng thuận được trong nội dung câu chuyện chuyển tải vào tác phẩm. Thật vui vì "đứa con chung" của hai vợ chồng đã lấy được những điểm mạnh nhất từ cả hai người".  

"Lời thì thầm" - triển lãm của hai vợ chồng họa sĩ đam mê gốm  - Ảnh 8.

Ngay khi triển lãm mới mở cửa, đã có 5-6 bức tranh gốm của Dũng đã được đặt mua vì vẻ đẹp cuốn hút của những cánh hoa gốm với màu sắc quyến rũ và chất men độc lạ.