Tài danh, có được hào quang từ khi còn rất trẻ nhưng Bạch Tuyết bảo bà có những năm tháng tuổi thơ sóng gió. Nữ nghệ sĩ thú nhận bà từng 3 lần tìm đến cái chết vì những lý do rất "lãng xẹt" do phần nhiều bởi sự ảnh hưởng tâm lý từ nhỏ.
Năm 8 tuổi, bà đón nhận hung tin mẹ mình qua đời đột ngột vì tai nạn giao thông. Cú sốc này ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho đến những năm sau khi bà thành danh. Ngay thời điểm bước lên vinh quang nghề, câu hỏi: "Sống để làm gì?" khiến nữ nghệ sĩ ám ảnh khôn nguôi. Đó cũng là nguồn cơn khiến Bạch Tuyết tìm đến cái chết lần đầu tiên.
Lần thứ hai, trong một lần đi diễn về khuya, bà chứng kiến cảnh một cô gái làng chơi bị khách quỵt tiền, cướp ví và đánh cho đến chết. Vốn mang trong mình nỗi sầu bi về cuộc đời, nữ nghệ sĩ tiếp tục lại nảy ý định tự tử bằng việc dùng lưỡi dao lam cắt mạch máu tay.
Lần thứ ba, Bạch Tuyết sau khi hoàn thành vở diễn, đón nhận sự yêu thương từ khán giả. Những lẵng hoa, cái ôm và tình cảm thắm thiết từ mọi người lại một lần nữa khiến bà nghĩ tới cái chết. "Cô Lựu" cho rằng mình chẳng thà được chết trẻ khi còn được mọi người quan tâm, nhớ đến thay vì ra đi khi đã già cả, xấu xí, chẳng được ai quan tâm...
Điều may mắn cả 3 lần tự tử của Bạch Tuyết đều bất thành vì được phát hiện kịp thời. Được sự động viên của người thân, Bạch Tuyết dần tìm đến Phật pháp. Kể từ đó, nữ nghệ sĩ dần cởi bỏ những suy nghĩ tiêu cực để sống và dâng hiến cho đời.
"Nỗi khỗ của con người chính là việc vượt qua những tổn thương của thời thơ bé, những áp lực của đời sống hiện tại và cả những khổ ải của kiếp người trần gian. Chỉ đến khi tìm được chìa khóa cho tâm hồn, tôi mới thấu hiểu và dần tìm được câu trả lời cho chính mình", bà nói.
NSND Bạch Tuyết kể trong mùa dịch bà dành thời gian ở nhà đọc sách, làm vườn và thực hiện các talkshow ngắn đăng tải trên kênh youtube cá nhân. Cũng như nhiều đồng nghiệp, bà chi tiêu gói ghém, tiết kiệm chi phí trong hoàn cảnh khó khăn chung.
"Tôi luôn nhớ lời mẹ dạy từ nhỏ rằng phải sống và lên kế hoạch cho mình để không bị động trước sự thay đổi thời cuộc. Dịch bệnh là tai họa chung của thế giới nhưng cũng không vì thế mà chúng ta đánh mất đi niềm tin cuộc sống thường ngày. Cuộc đời tôi cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm nên giờ nhìn mọi việc với tâm thế nhẹ nhàng", bà chia sẻ với VietNamNet.
Trong hoàn cảnh khó khăn, Bạch Tuyết cố gắng động viên tinh thần mọi người xung quanh. Bà theo dõi tin tức hàng ngày, lập dự án Cải lương đồng hành cùng mùa Covid-19, ra mắt MV Ông bà anh thời Covid -19, Hoa nở không màu... nhằm truyền năng lượng tích cực đến xã hội.
Là một trong những "cây đa, cây đề" của sân khấu cải lương, Bạch Tuyết vẫn không ngừng đổi mới, tìm hiểu và nắm bắt âm nhạc giới trẻ để hội nhập. Nhưng bản hit như Em gái mưa, Đừng hỏi em, Lạc trôi, Người lạ ơi... được bà biến tấu theo phong cách, cải lương, vọng cổ nhận được sự chú ý, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Bên cạnh sự đón nhận, không ít ý kiến ái ngại cho rằng điều này không phù hợp với tên tuổi của bà và thể loại nhạc mang tính đặc thù như cải lương. Bạch Tuyết cho rằng luôn đón nhận những ý kiến khen chê, góp ý phê bình như một phần của đời sống.
"Nghệ thuật với tôi phải đổi mới, ngay chính từ cải lương cũng đã bao hàm nghĩa trong đó. Tôi nghĩ đổi mới có thể hay hoặc chưa hay nhưng nếu vì ngần ngại, e sợ mà không làm câu trả lời là sẽ không bao giờ hay. Hơn nữa tôi luôn tin rằng cải lương luôn có những cách làm mới mình để tìm đến khán giả", bà nói.
Ở tuổi 76, Bạch Tuyết sống an nhiên, lạc quan mỗi ngày bên gia đình. Hơn 40 năm từ khi theo Phật giáo, bà dành thời gian ngồi thiền mỗi ngày, tìm sự tĩnh tại trong tâm hồn. Ngoài công việc ca hát, nữ nghệ sĩ gạo cội vài năm gần đây tham gia giảng dạy trong dự án cộng đồng Tiếp bước trăm năm do ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức. Dự án này nhằm góp phần giúp các bạn độ tuổi thanh thiếu niên hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Tất bật với công việc ở độ tuổi ngoài thất thập, Bạch Tuyết vẫn ý thức giữ gìn sức khỏe. Nữ nghệ sĩ tuân thủ giờ giấc sinh hoạt, ăn uống kiêng khem khoa học và nghe theo lời tư vấn của bác sĩ. Tuy nhiên, liều thuốc quan trọng theo Bạch Tuyết vẫn là giữ cho tâm hồn luôn được lạc quan, an nhiên.
Bạch Tuyết tự nhận mình may mắn vì tuổi đã cao vẫn còn được sống với nghề, được khán giả thương yêu. Hiện bà làm giám khảo giải Bông lúa vàng và Chuông vàng vọng cổ 2020. Nghệ sĩ gạo cội vẫn đi diễn, giao lưu đều đặn với khán giả và thỉnh thoảng làm mẫu chụp ảnh thời trang.
Sau thời gian cho công việc, nữ nghệ sĩ dành thời gian còn lại trong căn biệt thự ở quận 9, TP.HCM. Mỗi ngày, bà tự tay chăm sóc từng loại cây trái, hoa kiểng để thư giãn và tìm niềm an vui bên Phật pháp.
"Tôi luôn giữ tinh thần sống lạc quan, yêu đời, yêu người để tinh thần trẻ trung. Cách nhìn cuộc sống của tôi là: biết ơn nhiều hơn là trách móc và tự thân đi lên. Bởi vì đời sống này là lẽ vô thường, có những chuyện mình không thể tự quyết được. Tôi có thể đang ngồi đây trả lời phỏng vấn với bạn nhưng cũng không biết tôi ngày mai sẽ như thế nào. Thôi thì còn sống ngày nào hay dâng hiến cho đời ngày ấy", bà tâm sự.
Bạch Tuyết từng kết hôn và có một cậu con trai duy nhất tên Bảo Quốc hiện định cư tại Mỹ. Con trai nữ nghệ sĩ hiện là doanh nhân thành đạt và lập gia đình, có 3 con trai. Sống xa gia đình, nữ nghệ sĩ vẫn dành thời gian mỗi ngày điện thoại, video call để trò chuyện, dạy bảo. Bạch Tuyết bảo con trai từng đề nghị bà sang Mỹ định cư để gia đình tiện chăm sóc tuy nhiên bà từ chối vì muốn ở lại cống hiến và ra đi trên mảnh đất quê hương mình.
"Sống cùng con cháu, gia đình là một niềm hạnh phúc với bất kỳ người già nào nhưng tôi nghĩ bản thân từ lâu đã tu Phật nên có cho mình những lựa chọn riêng. Tôi muốn sống ở Việt Nam, mỗi ngày làm việc và gặp gỡ với những người bạn mới, những mảnh đời khó khăn để đưa bàn tay nắm lấy họ. Đó cũng là cách để mình vui với niềm vui của riêng mình", Bạch Tuyết bày tỏ.
NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945, được mệnh danh là "Cải lương chi bảo". Bà từng đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1965, nổi tiếng với các vở kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Lục Vân Tiên,... Bạch Tuyết là tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên được Nhà nước vinh danh nghệ sĩ nhân dân năm 2012.