Đến với chương trình Mẹ chồng nàng dâu số 188, mẹ chồng Nguyễn Ngọc Thủy (54 tuổi, trú tại TP.HCM) đã khiến mọi người rơi nước mắt cảm động trước tấm lòng bao dung, vị tha của mình. Bà có cô con dâu khiếm thính Danh Thu Thảo (29 tuổi, quê ở Sóc Trăng) nên bà muốn giới thiệu với mọi người biết về con dâu của mình, muốn mọi người hiểu bà thực sự yêu thương và đón nhận cô con dâu này.
Tham gia chương trình vì muốn giới thiệu con dâu khiếm thính với mọi người, mong con dâu tự tin hơn
Chị Thảo cho biết, chị mới làm dâu được 1 tháng. Do dịch Covid-19 nên dù đã xin dâu, làm lễ lâu rồi đám cưới đã bị hoãn lại và đến giờ khi dịch đã lui thì anh chị mới làm đám cưới nên còn "mới toanh". Hiện chị Thảo cũng đang mang thai đứa con đầu lòng.
Nói về lần đầu gặp gỡ, bà Thủy cho biết, con trai quen lúc nào thì cô không rõ, nhưng có ngày, con trai cô đang ngồi chợt thở ngắn than dài: "Con thương Thảo quá, nhìn đường không rõ về quê không biết có về được không, sợ bị gạt". Thế rồi lúc đó, con trai cô mới tâm sự là đang thương Thảo, một cô gái khiếm thị. Khi lần đầu gặp cô thương lắm.
Con trai mình cũng có tật mà con gái bây giờ yêu cầu cao. Do đó, mình thấy khiếm thị cũng có nét hay, về thì vợ chồng lo lắng cho nhau, khỏi dòm đông tây. Cho nên con thương thì mình chấp nhận đi. Giờ mình có sức khỏe mình lo lắng cho hai đứa, rồi lo lắng cho cả các cháu nữa, để chúng được ăn học đàng hoàng, có khả năng lo cho cha mẹ nó thì mình mãn nguyện rồi", bà Thủy tâm sự.
Chị Thảo tâm sự: "Lần đầu tiên gặp mẹ chị đã thấy mẹ rất hiền. Chị cũng không ngờ lại được mẹ đón nhận và yêu thương đến vậy. Mẹ rất đồng cảm cho em nữa". Thảo cũng kể thêm, chị và ông xã quen nhau trên mạng xã hội. Hai người trò chuyện với nhau suốt 3 tháng rồi gặp nhau 3 tháng thì thương nhau.
"Cô cứ nghĩ bây giờ duyên nợ nó tới rồi. Con thương đâu thì mẹ cưới đó. Cô dặn con trai: "Nếu con thương thì phải thương thật lòng. Con chính là cặp mắt của con Thảo đó. Con phải dẫn Thảo đi hết cuộc đời. Chứ mẹ chỉ có thể phụ đến đâu hay đến đó". Con trai cô nghe thì cũng chịu. Cô về quê làm lễ", cô Thủy chia sẻ.
Bà Thủy quay sang nói với con dâu: "Mẹ tham gia chương trình này là vì muốn con vững lòng tin. Gia đình luôn thương con, lo cho con".
Bà Thủy kể, khi về Sóc Trăng, người dân tộc có lễ cưới khác nhưng cô cũng lo hết. "Nhiều họ hàng, chòm xóm cứ xì xào: "Thằng Phúc đâu có đến nỗi nào mà cưới con dâu khiếm thị". Ai nói gì cô cũng kệ, làm đám cưới đàng hoàng. Đời con gái ai chẳng muốn đẹp, được hạnh phúc trong ngày cười. Vì tiền mình hết có thể kiếm ra, nhưng có nhiều việc qua rồi không làm lại được. Cô tổ chức đám cưới đàng hoàng, rước dâu đầy đủ, trang trọng".
Nói về việc làm dâu, bà Thủy chia sẻ: "Thời bây giờ 4.0 rồi, không phải như xưa, chuyện con dâu phải cơm bưng nước rót cho mẹ chồng là không có. Không phải đối với Thảo mà dâu nào cô cũng sẽ đối xử thế. Về chung một nhà thì yêu thương nhau, lo cho nhau, còn việc ai người đấy làm, cũng không quá can thiệp".
"Người khiếm thị hay lắm, họ có định vị hết. Con dâu cô không nhìn thấy nhưng về tự đi đúng đường, lên phòng, lấy quần áo đi tắm rất là chỉn chu, tự lau dọn nhà cửa, muốn ăn mì, nấu cháo cũng tự làm được. Tự một mình chăm sóc cho nó. Cô thương lắm. Lúc đầu, cô cứ đi theo con dâu, nhìn con dâu làm ngăn nắp mọi việc mà mình nhìn mà xót trong lòng.
Thấy con dâu sống trong bóng tối mình thấy tội, mà con cô nó sống với vợ nên lâu dần cũng quen sống tối. Cô luôn khuyên con trai, dù vợ không nhìn thấy được, sống trong bóng tối nhưng vẫn phải mở đèn lên cho sáng sủa. Giờ còn có em bé càng phải mở đèn cho con quen với ánh sáng, dù con đang ở trong bụng mẹ. Chỉ dẫn từng chút mẹ", bà Thủy nghẹn ngào.
"Bữa nay lên chương trình cô cũng nói thật luôn. Vợ chồng mới cưới, chưa làm dâu được mấy nhưng cô vẫn lên chương trình mẹ chồng nàng dâu để tâm sự. Vì giờ nhiều người vẫn cứ lời ra tiếng vào, dèm pha, thấy mình dắt con dâu đi làm, người ta nói: "Trời, con nhỏ mù đó hả. Cưới người về lo phụ với mình chứ ngưới dâu mù để lo cả đời". Do đó, nhiều khi mình sợ con dâu mình nghe thấy rồi suy nghĩ là chồng, mẹ chồng không thật lòng với mình. Tham gia chương trình để con dâu tin tưởng vào tình cảm vào tình cảm của gia đình chồng", bà Thủy tâm sự.
Thảo cảm động: "Con cảm ơn mẹ đã chấp nhận con!"
Trong chương trình, em chồng của Thảo, Trần Thị Anh Tuyền, cũng đã gửi lá thư bày tỏ tình cảm của mình đối với chị dâu, yêu thương và lo lắng cho chị.
"Em biết ngày đầu làm dâu, chị chưa quen với vị trí trong nhà nên chị có phần tự ti và mặc cảm. Nhưng chị yên tâm đi. Cả nhà đều thương chị hết. Không ai chê bai khiếm khuyết của chị đâu. Nhiều người hay chê bai, nói ra nói vào chuyện của chị với mẹ, mẹ thương nên đã nhờ em đăng ký tham gia chương trình mẹ chồng nàng dâu để mọi người hiểu chị hơn.
Để họ hiểu rằng: Dù là người khiếm thị và khuyết tật thì họ cũng có mưu cầu hạnh phúc và được tôn trọng. Vì vậy, chị hãy mạnh mẽ và tự tin lên nhé chị dâu. Ba mẹ, em và anh hai luôn bên cạnh chăm sóc và thương yêu chị", Tuyền viết.
"Ai cũng muốn hoàn hảo nhưng số phận đã định rồi. Mình phải chấp nhận mình. Mẹ muốn tạo điều kiện để xung quanh con đều có mùa xuân hết, luôn vui vẻ. Đời người ngắn ngủi lắm, mình cứ thương yêu nhau đi, tới đâu mình tới", bà Thủy ôm lấy con dâu.
MC Quyền Linh và Lê Lộc đều bày tỏ sự rung động trước tấm lòng của người mẹ chồng tuyệt vời. Dù bà là người phụ nữ tần tảo, phải đi làm buôn bán từ 4h sáng để lo cho con cái nhưng lại có sự hiểu biết, bao dung vô cùng đối với con cái, nhất là nàng dâu khiếm thị của mình.
"Đời người ngắn ngủi lắm, mình hãy thương yêu nhau hơn", MC Quyền Linh nhắc lại lời của bà Thủy.