Nhân sự kiện công nhân thi công dự án điện năng lượng mặt trời bắt được cặp rắn hổ mây lâu nay tưởng như là huyền thoại, chúng tôi còn nghe người cao tuổi kể nhiều sự tích kỳ bí về loài rắn cực độc này…
Có tên Láng Cháy do… rắn hổ mây
Đại tá Lê Thành Cư (85 tuổi, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, nhà ở xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, trong suốt cuộc đời chinh chiến oanh liệt của ông ở vùng Bảy Núi (Thất Sơn, An Giang) chưa bao giờ ông gặp được con rắn hổ mây (còn gọi hổ mang chúa).
Bây giờ bắt được cặp rắn hổ mây bằng xương bằng thịt, ông mới dám tin nó có thật trên đời. Một trong những chuyện về rắn hổ mây mà ông được nghe kể xảy ra vào năm 1948. Một người dân sống ở vùng núi Cô Tô (huyện Tri Tôn) trong lúc ra đồng phát cỏ thì bị con rắn hổ mây bất thình lình ngóc đầu lên định mổ. Người này đang trong tay cầm cây phản chặt cỏ nên giơ lên cao chém theo phản xạ.
Không ngờ cú chém uy lực của người phát cỏ khiến đầu con hổ mây đứt ngọt và chết tươi. “Đó là anh ông Bảy Thơm, người dân sống ở cua 14 của núi Cô Tô thuộc xã Ô Lâm mà tui biết. Tui nghe kể con rắn chỉ nặng chừng 3kg thôi, nhưng cực kỳ hung tợn. Ổng mang rắn về làm thịt nấu cháo đậu xanh. Nhưng do không biết nên ổng nấu nồi cháo rắn trong nhà, bị mấy con bồ hóng rớt vào nồi nên ăn thì ổng chết”, đại tá Cư nói.
Đại tá Cư còn cho biết, ngày xưa ông hay nghe ông bà kể rằng, ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang), cách chân núi Cấm chừng 2km có địa danh tên Láng Cháy. Nơi đây có tên Láng Cháy là bởi từ lâu lắm rồi, người ta truyền lại 1 câu chuyện huyền bí về loài rắn hổ mây.
Ở vùng này ngày xưa có ngôi chùa lá, do một cụ người Khơme làm sãi cả. Vị sãi cả biết nơi mình tu hành có cặp rắn hổ mây khổng lồ. Biết đó là loài rắn dữ nên vào một hôm, canh lúc cặp rắn bố mẹ đi kiếm mồi, vị sãi đã sai đệ tử đến ổ rắn lấy hết mấy quả trứng mang vào chùa. Khi cặp rắn bò về thì không thấy trứng liền đi tìm. Lúc này đệ tử ông sãi cả bỏ hết đống trứng rắn vào chảo nước đang sôi ùng ục.
Rắn mẹ bò đến liền chui ngay vào chảo định tha trứng ra nhưng bị nước sôi làm chết. “Con rắn đực cũng bò vào chảo nước sôi cứu vợ, rồi cũng bị nước luộc chết. Nhưng trước khi chết, cặp rắn khổng lồ giẫy giụa dữ dội khiến lửa của bếp phát tán, thiêu đốt cả ngôi chùa. Đám cháy còn lan ra thiêu rụi làng mạc. Từ đó nơi đây đặt là Láng Cháy. Ở đây thỉnh thoảng lại cháy. Sở dĩ người ta gọi nó là rắn hổ mây vì vảy rắn có vân giống với mây rừng”, Anh hùng Lê Thành Cư chia sẻ.
Chằn tinh sống có đôi và biết… trả thù
Đại tá Cư chia sẻ, ông bà xưa xếp thứ tự các loài ác thú là “Nhất điểu (chim), nhì ngư (cá), tam xà (rắn), tứ tượng (voi)”, tức con rắn nằm hàng thứ ba. Nhưng theo ông, rắn hổ mây mới là loài “chúa tể rừng xanh”. Bởi bất kể con thú rừng nào cũng đều có thể trở thành mồi của hổ mây.
Ngay cả “chúa sơn lâm” là cọp cũng từng bị hổ mây khổng lồ mổ chết. “Ngày trước bộ đội Việt Nam vào rừng ở vùng núi Tà Lơn (Campuchia) thỉnh thoảng bị rắn hổ mây ăn thịt. Ngày xưa truyền thuyết nói về chằn tinh hay ăn thịt người thì chính là nói về rắn hổ mây. Ở các chùa Khơme hầu hết người ta xây tượng rắn thần, chính là tượng rắn hổ mây. Bởi nó dữ quá nên có người tôn nó là rắn thần”, đại tá Cư cho hay.
Nhiều người dân sống ở vùng Bảy Núi kể rằng, rắn hổ mây sống có cặp, có đôi. Do đó, hễ thấy hay bắt được con rắn đực thì sẽ gặp hay bắt được con còn lại. Nếu như bắt được con rắn cái làm thịt thì ngay sau đó thế nào con rắn đực cũng bò đến nơi có rắn cái bị bắt trả thù.
Chúng tìm cho ra nơi bắt bạn tình rồi hầm hừ nổi giận. Như vậy có thể hiểu loài rắn này rất chung thủy. Tuy nhiên, khác với câu chuyện cặp rắn hổ mây khổng lồ chết do bảo vệ trứng ở vùng Láng Cháy, có người cho rằng loài rắn hổ mây ăn thịt con. Ông Chau Phanh Na (ngụ xã An Tức, huyện Tri Tôn) kể, sở dĩ loài rắn hổ mây cực hiếm là bởi khi trứng rắn nở ra con là đều bị rắn mẹ và rắn cha ăn thịt rắn con.
Rắn con nào nhanh nhẹn bò khỏi ổ thì mới sống sót. “Nghe ông bà xưa kể rằng, rắn hổ mây có thân hình dài nhằng nên chúng hay quấn phần đuôi và đầu vào 2 cây rừng rồi dùng thân ép dẹt để tát đìa (ao, hầm). Khi đìa cạn nước thì chúng bắt cá ăn. Khi chúng di chuyển, 2/3 phía đuôi chấm đất, phần còn lại ngóc lên cao. Rắn hổ mây khổng lồ có thể dài đến vài chục mét nên khi ngóc đầu khỏi tán rừng. Chúng càn lướt đi trong rừng như gió bão, rất ghê gợn”, ông Na nói.
Nhà sư Thích Hiếu Nghĩa (69 tuổi, Trụ trì chùa Long Định nằm dưới chân núi Nam Qui thuộc xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) cho biết, toàn bộ chuyện ông biết về loài rắn hổ mây đều nghe kể lại.
Dù mang danh cực độc nhưng rắn hổ mây vẫn chưa gọi là độc nhất. Bởi dân gian có câu: “Mái gầm cắn nằm tại chỗ, hổ mây cắn trổ về nhà”. Nghĩa là rắn mái gầm mới có chất độc cao nhất. Bởi hễ cắn người là chết tại chỗ. Còn rắn hổ mây cắn người sau 7 ngày mới chết. Nhưng rắn mái gầm chậm chạm và tỏ ra hiền lành, chứ không hung dữ như hổ mây. “Đệ tử tu ở chùa tui kể lại, rằng nhiều năm trước nó có bà thím mang thai.
Không hiểu sao bã bắt được con rắn hổ mây nặng 12kg. Nó khẳng định loài rắn này kỵ nhất là đàn bà mang thai. Bởi khi gặp phụ nữ mang thai tự dưng hổ mây gục đầu, nằm một chỗ. Ai muốn bắt hay đập chết nó cũng không bỏ chạy, lạ thiệt. Mặc dù hổ mây là hổ mang chúa nhưng người ta muốn gọi vậy để phân biệt nó là loại dữ nhất chứ không như những con hổ mang bình thường khác”, sư Nghĩa nói.
Sáng 16/5, ông Trần Phú Hòa (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang) cho biết: “Sau khi Đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang và huyện, cùng với các ban ngành đến tận nơi, đã xác minh được danh tính 2 con rắn “khủng” trên núi Cấm là loài rắn hổ mang chúa. Trọng lượng mỗi con chỉ khoảng 18kg (đoàn chưa cân chỉ ước lượng vì sức khỏe của cặp rắn, không nhất thiết phải cân, đo) và chiều dài mỗi con 4m (cũng ước lượng). Không có những con rắn nào khác!”.
Theo ông Hòa, theo Nghị định 06/2019 về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thì rắn hổ mang chúa thuộc nhóm 1B (động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị có liên quan để xác định cặp rắn được bắt có hợp pháp hay không hợp pháp, nếu vi phạm các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý hình sự. Nhưng nếu cặp rắn này bị bắt ở nơi được phê duyệt dự án thì không thể xử lý người bắt chúng. Với hiện trường ban đầu, chúng tôi nhận thấy nơi đây rất có thể có nhiều rắn trú ẩn. Doanh nghiệp bắt được cặp rắn vào buổi sáng. Loài rắn này có đặc tính rất chậm chạp vào ban ngày, nhanh nhẹn vào ban đêm và không có vụ phun nọc độc từ xa gây nguy hiểm cho người bắt”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho hay, hiện tại cặp rắn này được giao tạm thời cho khu du lịch đồi Tức Dụp chăm sóc và nuôi giữ, tình trạng sức khỏe cặp rắn này tương đối tốt. “Chúng tôi cũng yêu cầu công tác chăm sóc chuồng trại, vệ sinh, thức ăn, để cặp rắn này có sức khỏe tốt nhất chờ đến khi UBND tỉnh ra quyết định tịch thu để giao cho trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) vì nơi đây có đủ điều kiện nuôi nhốt, bảo tồn theo quy định. Còn nếu UBND tỉnh giao cho ngành Kiểm lâm cấp phép thì chúng tôi không thể cấp phép cho 1 cá nhân hay đơn vị nào nuôi nhốt”, ông Hòa cho biết.