Sáng nay (14/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 48, nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo công tác (tóm tắt).
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, năm 2020, ngành Kiểm sát triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng, phát triển đất nước. Nổi bật là:
Chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm: Đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết các nguồn tin về tội phạm, theo đó, tỷ lệ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết giảm 1,3%; đã ban hành hơn 86.500 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, tăng 9,7%; trực tiếp kiểm sát gần 600 cuộc tại Cơ quan điều tra,...
Qua đó, đã yêu cầu: khởi tố 626 vụ án, tăng 9,4%; hủy 10 quyết định khởi tố vụ án, tăng 22,7%. Viện kiểm sát trực tiếp hủy 26 quyết định không khởi tố vụ án, 54 quyết định khởi tố vụ án, tăng 22,7%; quyết định khởi tố 14 vụ án. Thực hiện nghiêm thẩm quyền điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Viện kiểm sát đã trực tiếp lấy lời khai hơn 30.000 người bị bắt, tạm giữ; tỷ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt cao (98%); kiểm sát 71.443 hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra; ban hành 62.765 yêu cầu điều tra, tăng 12,1%; trực tiếp hỏi cung 54.324 bị can,... Thông qua đó, đã không phê chuẩn hơn 600 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ, trái pháp luật; hủy 618 quyết định tạm giữ; yêu cầu bắt tạm giam 44 bị can; yêu cầu khởi tố điều tra 658 bị can; yêu cầu thay đổi, bổ sung đối với 64 quyết định khởi tố vụ án và 106 quyết định khởi tố bị can; trực tiếp khởi tố 07 bị can,...
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong năm 2020, ngành Kiểm sát đã ban hành 11.842 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (giảm 1,3%).
Tỷ lệ kháng nghị đối với các bản án, quyết định được chấp nhận đạt 78,4%, trong đó: tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm đạt 78,5%, vượt 8,5% chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 78,6%, vượt 3,6% chỉ tiêu của Quốc hội. Tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận, tiếp thu đạt 99,7%, vượt 19,7% chỉ tiêu của Quốc hội.
Trong kỳ, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 về quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh và xử lý nghiêm những vi phạm trong khám, chữa bệnh cho đối tượng bắt buộc chữa bệnh; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo kiểm tra, khắc phục vi phạm, tồn tại trong thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Báo cáo của Viện trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để, như: Còn để xảy ra một số trường hợp phê chuẩn gia hạn tạm giữ thiếu chính xác, phải trả tự do; một số bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm;
Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế bị chiếm đoạt mặc dù tăng 14,5% nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và tỷ lệ kháng nghị án hành chính được chấp nhận chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.