Dân Việt

G20 hợp tác hỗ trợ, bảo vệ lao động

Thùy Anh 15/09/2020 06:08 GMT+7
Dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội với hầu hết các quốc gia. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có những điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội, tạo việc làm nhiều hơn... cho lao động.

Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20, diễn ra mới đây.

Ưu tiên điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội

Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 (diễn ra theo hình thức trực tuyến) đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 là "Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 cho tất cả mọi người".

Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 do nước chủ tịch G20 Ả-rập Xê-út chủ trì. Sự kiện có sự tham gia của các quốc gia thành viên G20 và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB). Việt Nam được mời tham dự trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tham dự hội nghị từ đầu cầu Hà Nội.

G20 hợp tác hỗ trợ, bảo vệ lao động  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tham gia Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20. Ảnh: T.A

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 là "Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 cho tất cả mọi người". Tuyên bố nhấn mạnh, các nước sẽ hợp tác chặt chẽ để ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm rằng các nỗ lực phục hồi kinh tế và thị trường lao động sẽ đặt tăng trưởng bền vững và việc làm có chất lượng làm ưu tiên; điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội để bảo vệ cho mọi người lao động...

Tại hội nghị, các Bộ trưởng phụ trách lao động và việc làm G20 đã nhấn mạnh hợp tác nhằm bảo đảm thực hiện được các ưu tiên năm 2020 của khối là: Điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội để phản ánh các phương thức làm việc đang thay đổi; chuẩn bị tốt hơn cho thanh niên để bắt đầu bước vào giai đoạn đi làm; điều chỉnh chính sách về thị trường làm việc căn cứ vào những đổi thay về hành vi của các chủ thể trên thị trường lao động; các vấn đề liên quan tới việc làm cho phụ nữ. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội nhằm bảo vệ và hỗ trợ các nhóm yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ và thanh thiếu niên; nhận diện tác động và cơ hội do công nghệ mang lại và chuẩn bị cho những triển vọng tích cực của tương lai việc làm.

Nhấn mạnh sự đoàn kết của các quốc gia thành viên G20 để cùng nhau vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ông Bruno Dalcolmo - Bộ trưởng Bộ Lao động Brazil cho rằng: "Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, chúng ta phải thực sự chung tay, đoàn kết và phối hợp với nhau. Đó cũng là một trong các biện pháp để chúng ta có thể phục hồi được kinh tế, duy trì hỗ trợ cho thị trường lao động".

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an sinh - xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định sự nhất trí và đánh giá cao tuyên bố của Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 là "Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 cho tất cả mọi người". Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ một số thông tin về hoạt động của ASEAN và Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Cụ thể là việc ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với lao động và việc làm; thúc đẩy xã hội chăm sóc và chia sẻ thông qua việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội. Trong đó, đề cao vai trò của các nhân viên công tác xã hội trong bối cảnh phải ứng phó với những thách thức lớn như đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay vừa được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Tuyên bố nhấn mạnh tác động của thay đổi công nghệ, già hóa dân số, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đối với vấn đề lao động, việc làm. Từ đó đề ra những hành động để chuẩn bị cho lực lượng lao động ASEAN trước thế giới công việc đang đổi thay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ gần 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng, nhằm hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Bộ LĐTBXH cũng đang đề xuất gói hỗ trợ tiếp theo dành cho doanh nghiệp nhằm khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra một số gói hỗ trợ tiếp theo nhằm giúp doanh nghiệp, lao động vượt qua khó khăn. Chúng tôi tin tưởng nhờ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động mà kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương" - ông Dung nói.