Một số trích đoạn của cuốn hồi ký đã được xuất bản trên tờ The Wall Street Journal hôm 17/6 trong đó hé lộ những bí mật về sách lược đối ngoại và nước cờ tái cử của đương kim Tổng thống Donald Trump.
"Cuộc chiến" giành độc giả trên Amazon
Chính giới Mỹ và công chúng nước này đang rất hào hứng đón chờ sự ra mắt của cuốn hồi ký "The room where it happened: A White House memoir". Theo ghi nhận của hãng CNBC, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến số 1 của Mỹ là Amazon gần như quá tải vì đơn đặt hàng mua cuốn hồi ký này.
Đó là chưa kể hàng ngàn độc giả khác đã "nhanh tay" đặt hàng trên trang web của cá nhân cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (Ông John Bolton đã làm việc cho ông Donald Trump từ tháng 4/2018 đến tháng 9/2019 và bị sa thải do bất đồng ngày càng tăng với Tổng thống trong một số vấn đề quốc tế).
Đại diện của Amazon cho hay, cuốn hồi ký đang trở thành mặt hàng được "săn" số 1 trên trang thương mại điện tử này. Điều đáng chú ý là đây chỉ là một trong số nhiều cuốn sách của một loạt các cựu thành viên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump tiết lộ những bí mật bên trong Nhà Trắng. Nhưng số lượng người đặt mua thì lại gấp hơn 10 lần so với các cuốn hồi ký khác.
Lý giải về điều này, đại diện của Amazon cho hay, một số hãng tin tức lớn của Mỹ được gửi trước bản sao của cuốn hồi ký trong đó ông John Bolton đã cùng với một số cựu quan chức khác nói về nhiều điều chưa bao giờ được tiết lộ.
"Cựu cố vấn an ninh quốc gia tiết lộ rằng Tổng thống Donald Trump đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Trong một ví dụ khác, ông John Bolton nói rằng ông Donald Trump từng nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tháng 5/2018 rằng sẽ "giải quyết mọi thứ" liên quan đến cuộc điều tra liên bang của Mỹ đối với một công ty Thổ Nhĩ Kỳ vì đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran… Cuốn hồi ký thực sự đã tiết lộ nhiều điều "trần trụi" khác về ông Donald Trump và Nhà Trắng", tờ Washington Post viết.
Cũng theo tiết lộ của đại diện Amazon, cuốn hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia còn vượt qua cả cuốn hồi ký của cháu gái đương kim Tổng thống, Mary Trump. Cuốn sách này của Mary được chào hàng trước cuốn hồi ký nói trên và cũng lọt vào vị trí thứ 5 trong danh sách 10 mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên trang thương mại điện tử này.
Mang tên "Too much and never Enough: How my family created the world's most dangerous man" (tạm dịch Quá nhiều và chưa bao giờ đủ: Gia đình tôi đã tạo ra người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới", cuốn sách được cho là một sự chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào ông chủ Nhà Trắng.
Phóng viên Lachlan Cartwright của tờ Daily Beast dẫn lời của Mary Trump cho hay, cuốn sách nêu chi tiết những sự thật chưa được tiết lộ trước đây như việc Mary Trump là nguồn chính cho loạt bài giành giải Pulitzer của tờ The New York Times. Loạt bài này cáo buộc Tổng thống Donald Trump tham gia các kế hoạch thuế đáng ngờ trong những năm 1990.
"Những câu chuyện trên tờ The New York Times dựa trên tờ khai thuế của cha Tổng thống, ông Fred Trump Sr. và các hồ sơ tài chính cá nhân khác của gia đình", theo The Daily Beast. Cũng theo tờ báo này, khi mới chập chững bước vào con đường kinh doanh, ông Donald Trump từng nhận được khoản tiền tương đương ít nhất 413 triệu USD từ đế chế bất động sản của cha mình.
Đó là chưa kể đến thoả thuận được ký giữa Mary Trump và ông Donald Trump về việc không tiết lộ "gót chân Asine" của một vụ kiện về bất động sản của ông Fred Trump Jr. hồi năm 2001. Nhà xuất bản Simon & Schuster, nơi cuốn sách của Mary Trump dự kiến sẽ phát hành vào cuối tháng này cho hay, cuốn sách là chân dung mới nhất về Tổng thống và gia đình đã tạo ra người đàn ông này.
Ngoài 2 cuốn hồi ký gây sốt, dư luận vẫn còn bàn đến cuốn sách về đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng đang được bán trên Amazon. Cuốn sách này cũng do nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành với cái tên "The Art of Her Deal" (tạm dịch là Nghệ thuật giao dịch của cô ấy".
Được viết bởi nhà báo Mary Jorda của tờ Washington Post, cuốn sách đang đứng thứ 49 trong bảng xếp hạng sách bán chạy. Một trong những điều thú vị mà độc giả tìm đến cuốn sách là tiết lộ về việc Đệ nhất phu nhân Mỹ đã đàm phán lại các điều khoản trong thỏa thuận tiền hôn nhân của bà với Tổng thống trước khi chuyển đến Nhà Trắng cùng con trai của là Barron, vài tháng sau khi ông Donald Trump được nhậm chức. Người phát ngôn của bà Melania Trump đã gọi nó là một cuốn sách khác về Đệ nhất phu nhân với thông tin và nguồn tin sai lệch và đây là tiểu thuyết có những hư cấu không đúng.
Những hành động pháp lý
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/6, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã đệ đơn kiện lên toà án liên bang ở Washington để ngăn cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton xuất bản cuốn hồi ký được mong đợi từ lâu của ông.
Trước đó một ngày, Tổng thống Donald Trump đã gọi cuốn hồi ký này là "rất không phù hợp" và rằng đây sẽ là một "vấn đề hình sự" nếu được xuất bản. "Tôi sẽ coi mọi cuộc trò chuyện với tôi với tư cách là Tổng thống được phân loại bảo mật cao. Vì vậy, điều đó có nghĩa là nếu ông ấy viết một cuốn sách và nếu cuốn sách tiết lộ những vấn đề mật, ông ấy đã vi phạm luật và ông ấy sẽ có vấn đề về hình sự. Tôi hy vọng như vậy".
Đáp trả lại, luật sư của John Bolton, ông Chuck Cooper đã cáo buộc chính quyền lạm dụng quy trình xem xét trước khi xuất bản để trì hoãn việc xuất bản cuốn hồi ký và cho biết họ đang "xem xét đơn khiếu nại của Chính phủ và sẽ trả lời đúng hạn".
"Đây là một nỗ lực minh bạch và họ đã sử dụng cụm từ an ninh quốc gia như một cái cớ để kiểm duyệt sách của ông Bolton, vi phạm quyền lập hiến của ông để nói về các vấn đề cần công khai", luật sư Chuck Cooper viết trên tờ The Wall Street Journal. Nhà xuất bản Simon & Schuster thì cáo buộc rằng, vụ kiện này là "nỗ lực mới nhất trong một chuỗi dài những nỗ lực của chính quyền để ngăn xuất bản một cuốn sách bị coi là không phù hợp với Tổng thống.
Bradley Moss, một luật sư về an ninh quốc gia thì cho rằng, có lẽ ông John Bolton lường trước nguy cơ bị toà án chặn phát hành sách nên đã sớm gửi bản sao cho báo chí. Cũng có nhiều nhà phê bình khác thì cho rằng nỗ lực của Bộ Tư pháp Mỹ có thể sẽ thất bại bởi 50 năm trước, Toà án tối cao từng bác bỏ một nỗ lực tương tự của chính quyền Nixon nhằm ngăn chặn việc xuất bản cuốn sách về Lầu Năm Góc, và kể từ đó, người ta đã khẳng định chắc chắn rằng "những hạn chế trước khi xuất bản là vi hiến và không phải là người Mỹ".
Luật sư này cũng không loại trừ yếu tố chính trị và tác động đến bầu cử trước hành động kiên quyết ra mắt cuốn hồi ký về ông Donald Trump và Nhà Trắng của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Và những bí mật được hé lộ
Trong dòng chảy thông tin về cuốn hồi ký của ông John Bolton, ngày 18/6, hãng CNN cũng đã cho đăng tải một bài viết trong đó đưa ra những chi tiết, câu chuyện đặc sắc được viết trong cuốn sách mà CNN vô tình có được một bản sao.
.
"John Bolton, người từ chối làm chứng trước phiên tòa luận tội nhằm vào Tổng thống Donald Trump, thay vào đó, chọn cách tiết lộ những bí mật trong cuốn hồi ký thuộc danh sách bán chạy nhất của Amazon. Trước tiên là về thông tin ông Donald Trump yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình giúp đỡ để tái đắc cử. Cựu cố vấn an ninh Mỹ đã mô tả cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 6/2019 tại Osaka, Nhật Bản. Khi đó, ông Donald Trump được cho là đã thúc giục Chủ tịch Trung Quốc tăng cường "vận may chính trị của mình bằng cách mua thêm các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, giữ lời hứa từ bỏ một số thuế quan...", CNN viết.
Bên cạnh đó, ông John Bolton cũng viết về vụ việc liên quan đến Ukraine với cáo buộc trung tâm của cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ. Theo tờ New York Times, ông John Bolton xác nhận Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xem xét những hoạt động làm ăn của gia đình cựu Phó Tổng thống Joe Biden tại nước này. Quá trình ra các quyết định của Nhà Trắng, như miêu tả của cựu cố vấn an ninh quốc gia là "một cuộc chiến".
Cụ thể, các cuộc họp hàng tuần để thảo luận về các vấn đề do ông Donald Trump chủ trì trong phòng Roosevelt hay phòng Bầu dục đều không có nhiều sự tham gia của cấp dưới hoặc sự tham gia của các cơ quan liên quan. Thay vào đó, ông mô tả Tổng thống rất tập trung vào cách các quyết định sẽ tiến hành những bước đi như thế nào trên các phương tiện truyền thông.
Về quan hệ với Nga, John Bolton tuyên bố rằng Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần phàn nàn (theo chủ ý cá nhân) về các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga. Sau khi Mỹ tuyên bố biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga vì đã đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này ở Anh, ông Donald Trump đã từng có ý định hủy bỏ với lý do là không nên quá cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tổng thống Trump nói ông Pompeo hãy gọi cho ông Lavrov và nói "một số quan chức Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt".
Một điểm đáng chú ý là như lời kể của cựu cố vấn an ninh quốc gia, các cố vấn hàng đầu Mỹ luôn chế nhạo ông Donald Trump sau lưng.
"Họ chê bai ông chủ của họ sau lưng và cân nhắc việc từ chức vì thất vọng", Washington Post đưa tin từ cuốn hồi ký của John Bolton. Ngay cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, người nổi tiếng trung thành với Tổng thống, cũng đã nói xấu ông. Nhắc lại các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ông John Bolton cho biết, Bình Nhưỡng luôn đổ lỗi cho Mỹ về mối quan hệ rắc rối giữa hai quốc gia.
"Chủ tịch Kim Jong-un từng nói với Tổng thống rằng họ có thể xua tan nghi ngờ và nhanh chóng tiến tới thỏa thuận hạt nhân. Sau khi ông Donlad Trump đáp lại rằng sẽ tìm kiếm sự phê chuẩn của Thượng viện về bất kỳ thỏa thuận nào với CHDCND Triều Tiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chuyển cho John Bolton một cuốn sổ ghi chép, trên đó có dòng chữ nguệch ngoạc "Ông ấy thật là tồi tệ". "Tôi đồng ý", tôi trả lời và tiếp tục lưu ý rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un hứa sẽ không thử hạt nhân nữa", ông John Bolton viết.