Dân Việt

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper”

Hoàng Tùng 16/09/2020 18:10 GMT+7
“Có những lúc tôi chán bóng đá tận cổ dù nó từng ăn vào máu. Chục năm đi đá bóng, có ai ngờ giờ thằng Hoàng giờ đang là một “shipper” mãi tít Cần Thơ. Nước mắt mẹ đã rơi, thương lắm. Thôi thì kiếm cơm đã, miễn thấy mình thanh thản là được”, cựu tuyển thủ Bá Hoàng rơm rớm nước mắt.
Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 1.

(Cầu thủ) – “Có những lúc tôi chán bóng đá tận cổ dù nó từng ăn vào máu. Chục năm đi đá bóng, có ai ngờ giờ thằng Hoàng đang là một “shipper” mãi tít Cần Thơ. Nước mắt mẹ đã rơi, thương lắm. Thôi thì kiếm cơm đã, miễn thấy mình thanh thản là được”, cựu tuyển thủ Bá Hoàng rơm rớm nước mắt.

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 2.

Thành thật, tôi chỉ nghe nói loáng thoáng là Phan Bá Hoàng đang thất nghiệp, chứ ngoài ra chẳng biết “mô, tê” gì về anh. Rồi một cuộc điện thoại vào buổi chiều đã đưa tôi lên chiếc xe đò từ Sài Gòn thẳng tiến xuống Cần Thơ. Cuộc hẹn hò đã đến, Phan Bá Hoàng mà tôi biết, chẳng có gì giống như “gã thanh niên” đứng trước mắt tôi.

Cựu tuyển thủ U18 Việt Nam giờ là nhân viên của một hãng xe ôm công nghệ. Nhìn xe, không khó đoán, Hoàng mới “tậu” nó để làm bạn đồng hành. “Xe mới luôn trời!”, tôi chọc Hoàng.

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 3.

Hoàng cười nhoẻn: “Con xe này gia đình phải phụ thêm mới có được đó anh. Mua xong tôi vào Cần Thơ với chưa tới vài triệu trong tay để làm lại từ đầu. Tài sản tích cóp sau 10 năm theo bóng đá có mỗi thế thôi. Giờ cố gắng mỗi ngày chạy xe, phải cày vượt mốc 200 ngàn cho bằng được, vậy mới mong ổn thỏa để còn tính tiếp. Tiền phòng trọ cũng 2 triệu mấy một tháng rồi”.

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 4.

Vừa mở đầu về tài sản đáng giá nhất tích lũy được sau tròn 10 năm theo nghiệp bóng đá, Bá Hoàng vừa tranh thủ chạy xe đến địa điểm có khả năng cao sẽ chưa kịp đá chống đã… nổ đơn. Vì mới khởi nghiệp nên cậu chọn đi giao hàng thông thuộc đường sá trước rồi mới… tính tiếp. 

Quả nhiên như lời gã xe ôm chắc như đinh đóng cột, đơn hàng thứ 9 trong ngày đã “nổ”. Chỉ mất tròn 1 phút các thao tác xác định điểm đến, địa chỉ giao hàng, chàng trai mới chỉ chưa đầy 2 tháng trước còn có mác cầu thủ chuyên nghiệp bắt đầu cuốc xe và kết thúc nó trong vỏn vẹn 20 phút. 

Bất ngờ hơn khi đây mới chỉ là ngày đi làm thứ 4 của một cầu thủ bóng đá mới đổi nghề. Cười rõ to vì sự bất ngờ này, Bá Hoàng kể: “Nghề này dễ mà anh, học 1 ngày là xong, chỉ cần sức khỏe thôi. Ngày trước mình đá bóng cũng chạy ngoài nắng, chạy tìm bóng, tìm vị trí tốt rồi, tìm cơ hội, đường vào khung thành,… Đá bóng với chạy xe ôm không khác nhau là mấy anh nhỉ?”

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 5.

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 6.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông tại xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), Phan Bá Hoàng hiểu hơn ai hết về hoàn cảnh ở quê không có gì làm ngoài công việc quanh năm đồng áng hoặc đi xuất khẩu lao động biền biệt.

Chính cảnh nghèo đói, lạc hậu đã khiến bố mẹ Bá Hoàng chịu mang tiếng “bán con sang Trung Quốc”. Chuyện từ hồi cậu bé 10 tuổi, giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hà Tĩnh 2009 và được nhận suất học bóng đá tại trung tâm PVF (lúc này có trụ sở tại Thành Long, TP.HCM). 

Hoàng kể: “Sau khi bố đưa tôi vào TP.HCM nhập học, bố về mà không đi cùng con. Thế là cả làng đồn tôi bị đem bán sang Trung Quốc rồi. Mãi mấy năm sau khi tôi có dịp về thì lời đồn mới chấm dứt”

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 7.

Nói qua về sự nghiệp lúc “mới chớm” của Phan Bá Hoàng. Hậu vệ phải sinh năm 1999 theo học bóng đá ở trung tâm PVF từ năm 2010, từng là cầu thủ đầu tiên được đôn lên thi đấu đội khóa trên, gặt hái được những thành tích: 1 HCV giải U13 Quốc gia; 3 HCB các giải U15, 17, 19 Quốc gia; 1 HCV trong màu U19 Việt Nam tại giải U19 Quốc tế 2017; và từng được gọi lên tuyển U18 Việt Nam chuẩn bị cho giải U18 Đông Nam Á 2017 diễn ra ở Myanmar. 

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 8.

Thành tích kể trên không quá đỗi tự hào theo cái cách cầu thủ chạy cánh này đặt mình so sánh với “Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải,… những ngôi sao đã thành danh và kiếm được tiền từ thương hiệu, tên tuổi chính mình. 

Phan Bá Hoàng dành vài giây ngẫm lại bản thân: “Năm 2019 tôi được gọi về lại đội bóng chủ quản mà từ văn phòng, ban huấn luyện, cầu thủ già, cầu thủ trẻ,… chẳng ai biết tôi là ai, là “quân” của ông nào. Tôi hiểu mình cần dây dựa để tạo cái trụ vững chắc. Nhưng có lẽ tính tôi không phù hợp kéo dây này nọ rồi”

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 9.

Cảm giác lẻ loi nhanh chóng được đẩy lên thành sự tự ti ở thời điểm chàng trai tròn 20 tuổi. Ngày đi, đi cùng cả đội, còn ngày về mỗi mình không có vé cũng vì lý do “không biết nó là thằng của ai”. 

Bơ vơ giữa sân bay tấp nập người, trong đầu là bài toán làm sao đi hết khoảng cách một nửa đất nước Việt Nam. Cầu cứu mọi cửa, cuối cùng vẫn may xe buýt chở đội đi chưa quá xa, trong túi vẫn còn đủ tiền bắt taxi dí kịp rồi về cùng bác tài. 

“Đi đá bóng mà đôi lúc tôi cảm thấy mình như một thằng “tứ cố vô thân”. Lúc tôi chấn thương không thể tập và còn lý do chưa đóng góp gì cho đội, một HLV kêu tôi lựa chọn giảm lương hoặc thanh lý. Cũng chẳng phải lần đầu tôi được nhận lời đề nghị rất khó hiểu như thế. Tôi đã chọn thanh lý. Có lẽ mình hết duyên với bóng đá thật rồi”

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 10.

Nhắc lại câu chuyện bóng đá, nhất là những rắc rối như thế nào đã khiến một cầu thủ trẻ xuất thân từ lò đào tạo trứ danh và được đầu tư “khủng” nhất Việt Nam, vừa mới chập chững vào nghề đã chóng nhận ra, bóng đá chuyên nghiệp không phải như giấc mơ thuở bé, chỉ cần được ra sân là thỏa đam mê.

Mọi vấn đề chủ yếu xuất phát từ điểm đến của các học viên sau tốt nghiệp. Mấu chốt được người trong cuộc chỉ thẳng, các đội bóng dù không phải bỏ ra một xu nào, được bổ sung “free” tài năng trẻ nhưng vẫn muốn thực hiện một bản hợp đồng ràng buộc cái gọi là “công đào tạo trẻ”. 

Hơn thế nữa, sự khắc nghiệt đã được nhắc đến nhiều nhưng mãi vẫn chưa có hướng giải quyết trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nằm ở khâu đàm phán hợp đồng. “Bút sa là gà chết”.  

“Đến cả bây giờ đưa ra lại những bản hợp đồng, tôi đọc cả ngày có khi còn chẳng hiểu hết được những lộn xộn trong đó. Mình thấy nhiều chỗ có vẻ sai sai đó, mặt trên của người này, mặt dưới của người khác,… nhưng chẳng thể nói thẳng được. Chỉ ra chỗ sai không khéo là mình sai luôn và người ta có cớ nói lại”, Phan Bá Hoàng nhớ lại. 

“Khi đó tôi mới 18 tuổi, vào phòng để ký hợp đồng nói chuyện với 2 người. Mình chỉ biết dạ, vâng chứ có dám hó hé gì đâu. Thấy vậy người ta kêu, thôi cứ ký đi, vài bữa ký lại sau. Vậy là sau đó tôi còn chẳng nhớ thời điểm mình ký hợp đồng lúc nào. Phải như có luật sư ngồi cạnh giải thích cho mình rõ”

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 11.

Thật sự những va vấp thuở đầu của Phan Bá Hoàng vẫn chưa thấm vào đâu so với vô vàn trường hợp khác ở làng bóng đá Việt Nam. Đâu đó ở các sới phủi, thậm chí vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, lâu lâu xuất hiện những “cựu cầu thủ chuyên nghiệp”, từng được hít thở không khí V. League vài năm cho đến chục năm trời, song tên tuổi họ không ai hay, không ai biết kể cả… google. 

Nhưng dù sao gã trai chạy xe ôm đã có quyết định riêng của mình. Tự nhận bản thân thích không khí, môi trường sống của miền Nam, chàng trai trẻ với ánh mắt háo hức chia sẻ dự định mới của bản thân: “Tạm thời cứ tèng tèng chạy shipper đã. Tôi thích cắt tóc. Vì nhìn mọi người và từ bản thân mình, ai cũng có nhu cầu làm đẹp”.

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 12.

“Tôi hỏi Hoàng, bỏ bóng đá vậy, gia đình có buồn có trách không?”. Đến đây, gã shipper nói như nghẹn lại. Nhìn đôi mắt đấy, chứa đựng không biết bao nỗi buồn.  Người đầu tiên mà Hoàng nhắc đến là người mẹ đáng kính ở quê nhà. 

Hoàng kể, ngày xưa dù có khổ, có nghèo đến mấy, mẹ cũng nói rằng, phải lo con mình phải thật ổn thỏa con đường học hành. Mẹ Hoàng từng có những nỗi lòng không ai thấu. Mẹ từng bất chấp “miệng đời”, mặc kệ tất cả những đồn thổi “bán con” bao năm ròng.

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 13.

 

Người mẹ ấy từng trực trào nước mắt, lủi thủi trốn sâu trong góc nhà, quay lưng với chiếc tivi. Mẹ không bao giờ muốn nhìn đứa con trai duy nhất của mình chạy trên sân cỏ chỉ vì nỗi lo thấy cảnh gãy tay, gãy chân. 

Người mẹ ấy đã khóc khi nghe con tâm sự chuyện bỏ bóng đá, làm lại từ đầu. Những giọt nước mắt tiếc nuối cho quãng 10 năm dở dang không thành, giọt nước mắt lo lắng đứa con ra đời không bằng cấp sẽ lại vất vả. 

“Mẹ cũng kêu tôi đi học lại đi, mẹ lo được. Tôi suy nghĩ rồi trấn an mẹ yên tâm, giờ con tạm thời trang trải cuộc sống rồi đi học nghề tóc, được bao nghề nên cũng không sao đâu. Miễn là con không làm gì trái lương tâm của mình. Tôi con út nhưng là đứa con trai duy nhất trong nhà, rồi cũng đến lúc phải gánh vác gia đình. Là thằng con trai không thể ích kỷ cho riêng mình, chỉ biết chạy theo đam mê thuở bé.

Giờ mình cố gắng theo chuyên nghiệp 2, 3 năm nữa, thu nhập cùng lắm vẫn chỉ 8, 10 triệu/tháng. Môi trường chuyên nghiệp tồn tại quá nhiều rắc rối nên cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề gì. Cũng với khoảng thời gian đó, tôi ra đời, được tiếp xúc với nhiều người hơn, được học nhiều thứ hơn chắc chắn sẽ trưởng thành hơn hiện tại và có thể lo được gia đình”, Phan Bá Hoàng bộc bạch.

Tôi không muốn Hoàng “mít ướt” nên đã lái câu chuyện sang chủ đề khác. Nhưng Hoàng vẫn níu kéo nó lại. Tôi chợt nhớ ra ngày Vu Lan vừa qua chưa lâu và dường như chàng trai ấy muốn gửi gắm rất nhiều lời yêu thương đến gia đình, đến cha, đến mẹ, những đấng sinh thành luôn hy sinh vô điều kiện cho con.

Hoàng luôn nói chán bóng đá. Nhưng chốt hạ câu chuyện tôi biết Hoàng vẫn khát khao một cơ hội để được chơi bóng đúng nghĩa. Chỉ có điều gánh nặng cơm áo khiến anh quyết định gác lại tất cả.

Tuyển thủ U18 Việt Nam Phan Bá Hoàng: Mẹ, bóng đá & nước mắt của Hoàng “shipper” - Ảnh 14.

“Tôi vẫn còn thích đá bóng chứ anh. Chỉ khác là giờ tôi chọn cuộc sống, còn đam mê duy trì thôi là được rồi. Mình cần nghĩ lâu dài hơn cho cuộc sống của bản thân, gia đình. Giờ công việc có mệt mỏi đến mấy, tôi vẫn thấy vui hơn khi còn theo bóng đá chuyên nghiệp. Mình được ra đời trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều người, hiểu hơn về cuộc sống”, Phan Bá Hoàng khép lại câu chuyện.