Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đời sống vật chất tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được nâng lên rõ rệt, kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nông nghiệp cũng đã có những bước phát triển tích cực: Hình thức tổ chức sản xuất đa dạng, chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp được các cấp chính quyền quan tâm.
Bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả đề án "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025.
Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 3,5%/năm. Nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha đất đai lên 166 triệu đồng/ha (năm 2025) và 188 triệu đồng/ha (năm 2030) bình quân cho các sản phẩm chủ lực. Phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; xây dựng và phát triển 212 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Tổ chức thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả của các Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị.
Để làm được điều đó, Thái Nguyên đã xác định phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị (trọng tâm là sản phẩm từ chè, lúa gạo đặc sản, miến, hoa quả, thực phẩm và sản phẩm dịch vụ du lịch).
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh, toàn thể nhân dân.
Bố trí đất đai và xác lập vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh khâu sản xuất, chế biến, bảo quản; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học – công nghệ, đào tạo, tập huấn, khuyến nông; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đổi mới mạnh mẽ về tổ chức sản xuất, hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc triển khai xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; huy động các nguồn lực, vốn, tín dụng và các cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong giai đoạn 2019 - 2025 tỉnh Thái Nguyên đã quyết định hỗ trợ gần 17 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện chương trình; 63 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác là 246 triệu đồng. Nguồn vốn xã hội hóa là 360 tỷ đồng.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay đã có những kết quả khả quan về số lượng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường, tạo lòng tin của người tiêu dùng.
Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng NTM.
Nhờ đạt tiêu chí OCOP và công tác xúc tiến thương mại mà giá trị kinh tế của sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên. Doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt OCOP 3, 4 sao đều tăng.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình, ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Phát huy lợi thế của 10 năm xây dựng NTM, năm 2020 chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được triển khai có hiệu quả, trong đó 2 xã cuối cùng của huyện Phú Bình đã về đích NTM trước kế hoạch đề ra; hoàn thành trước 1 năm 20% số tiêu chí đơn vị cấp huyện đạt chuẩn.
So với 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên là tỉnh duy nhất không có xã đạt dưới 10 tiêu chí NTM, trong đó số tiêu chí bình quân của tỉnh đạt 72%, cao hơn 12% so với tiêu chí bình quân của cả nước và hơn 42% so với tiêu chí bình quân của 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Từ giờ đến cuối năm 2020, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiện trạng, tiêu chí, đặc biệt là đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ có từ 3 xã trở nên đạt chuẩn.
Đồng thời rà soát lại những xã đã được công nhận NTM trước đó giai đoạn 2014 – 2016 để trong năm nay các xã này phải đạt được tiêu chí của Bộ tiêu chí giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó, việc thực hiện tiêu chí số 13 là một trong những tiêu chí khó không chỉ của địa phương mà của cả nước. Tuy nhiên đây là việc làm cần thiết và hết sức quan trọng vì nó quyết định đến vấn đề nâng cao thu nhập của người dân một cách bền vững, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, những sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP trong thời gian tới.
Do đó, trong thời gian vừa qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, đặc biệt tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX. Bởi vậy các địa phương cần quan tâm thực hiện tiêu chí này và coi đây là chìa khóa, động lực để nâng cao thu nhập nhằm tạo ra được những sản phẩm có khả năng tiêu thụ mạnh trên thị trường.