Ngày mai 17/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020".
"Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 20 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017. Hiện tại, Diễn đàn đã trở thành sự kiện thường niên uy tín về công nghệ và chính sách trong lĩnh vực năng lượng.
Sự kiện nhận được sự quan tâm, tham dự của hàng ngàn đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giới thiệu và trình diễn nhiều công nghệ tiên tiến trong hoạt động khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng.
Tiếp nối những thành công trên, năm 2020 là lần thứ tư Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng.
Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ, các Tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ và Năng lượng cùng khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghệ năng lượng.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PVPower).
Diễn đàn là hoạt động nằm trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đặt ưu tiên cao cho việc đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; Tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Mục tiêu là hướng tới phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chương trình sẽ là cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lí nhà nước về công nghệ, năng lượng tới các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang có quan tâm đặc biệt đến thị trường năng lượng Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cùng với đó là kết nối hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài.