Dân Việt

Bí bách vì vợ cấm vận chuyện giường chiếu sau nhiều lần bị phá rối

BS Đỗ Minh Tuấn 17/09/2020 19:21 GMT+7
Ở tuổi vài tháng đầu đời, đứa trẻ có… khái niệm gì về “chuyện ấy” của bố mẹ không?

Chúng tôi vừa có con đầu lòng 8 tháng tuổi. Sau thời gian dài vợ bầu bí, tôi rất háo hức trở lại nhưng vấp ngay “trở ngại” là khi gần gũi nhau “có mặt” cục cưng, vài lần “làm” bé… khóc ré, vợ tôi bỗng đổi ý cho rằng cả hai hư đốn với con, rồi ngắt luôn chuyện ấy…

H. Quang (TP.HCM)

Bí bách vì vợ cấm vận chuyện giường chiếu sau nhiều lần bị phá rối - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bạn thân mến,

Ai nghe được chuyện vợ chồng bạn, hẳn sẽ xổ ngay loạt… trách cứ. Sao phải “có mặt” cục vàng mới được, nếu không dời nôi chẳng lẽ vợ chồng không “bê” nhau sang giường khác được? Sao phải ồn ào đến độ đánh thức một đứa trẻ vài tháng tuổi, tuổi mà bọn nhóc nổi tiếng ngủ mê mệt đại bác bắn không tỉnh?

Mấy chuyện này, rõ là tùy cảnh, tùy người, khó phán xét. Không phải không có những mẹ trẻ “một tấc không đi không ly không rời” khỏi cục vàng. Với họ, việc khuất tầm mắt khỏi cục cưng, để “vui vẻ” là việc không cam lòng. Khía cạnh thứ hai, điều chỉnh âm thanh đủ nghe, ai cũng biết là một “phạm trù” quá vô chừng với tình dục. 

Đầu trận lòng dặn lòng đi nhẹ nói khẽ, đến lúc cao trào, thì cứ như ai đang nắm nút volume chứ không còn người trong cuộc nữa….

Xong phần cãi hộ, giờ là ý chính. Để giải quyết vấn đề oái ăm này, có lẽ chìa khóa nằm ở việc trả lời câu hỏi: “Ở tuổi vài tháng đầu đời, đứa trẻ có… khái niệm gì về “chuyện ấy” của bố mẹ không?”. Nói vậy, bởi xét kỹ, thứ làm mẹ trẻ áy náy, ồn ào là một chuyện, nhưng lắm khi còn do cô ấy đang nghĩ trẻ có thể… “nhìn”, “nghe” và “hiểu” chuyện đang diễn ra cạnh nôi của nó. 

Thậm chí, có khi, chuyện còn được đẩy đến suy diễn rằng tiếng khóc của trẻ tương tự cú… tằng hắng nhắc nhở bố mẹ.

Như vậy, nếu trúng tim đen, thì cả khi cái nôi được dời khỏi phòng cả thước thì cái tâm lý bất an vẫn sẽ đeo đẳng người mẹ. Vụ này tương tự cú hớp của tân nương khi “diễn giải” tiếng ho của người chung vách là nhắc khéo trong khi thật ra ông hàng xóm ho kinh niên.

Một cảnh báo, nếu đúng người mẹ mắc phải “tâm bệnh” này thì càng nhanh xử lý càng ít để lại hậu họa, bởi khi trẻ thêm tháng thêm năm, thì cái ám ảnh “nghe”, “nhìn”, “hiểu” càng đậm sâu trong đầu người mắc.

Vậy câu trả lời là gì? Không có chuyện một đứa trẻ vài tháng tuổi “hiểu” được chuyện người lớn. Đề xuất bạn xoáy mạnh vào trọng tâm này để đả thông bà xã, nếu cần, có thể nhờ người có chuyên môn cho có trọng lượng.

Trước mắt, hai bạn có thể chữa bằng nhiều cách: đợi con ngủ say, nhờ người trông nom… cốt tạo cảm giác an toàn cho bà xã, chút nào hay chút ấy. Nếu được, bạn thử chơi chiêu “kêu khóc” thiệt thòi của mình xem cô ấy có mủi lòng nghĩ lại không.

* Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.