Đáng chú ý nhất là hình thức kỷ luật đuổi học sẽ bị xóa bỏ và thay thế bằng hình thức “tạm dừng học tập” trong thời gian tối đa là 2 tuần, đồng thời sẽ không còn quy định việc tổ chức kiểm điểm, phê bình học sinh trước toàn trường, lớp. Thay vào đó, các hình thức kỷ luật tích cực sẽ được áp dụng nhằm hướng đến môi trường học đường giàu tính nhân văn.
Chia sẻ về dự thảo này, TS.Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập nêu quan điểm cho rằng, khi trẻ biết ở giới hạn nào đó bị đuổi học thì chúng sẽ làm sao để không bị đuổi học. Đây là giá trị răn đe.
"Những đứa trẻ vi phạm thì chúng phải bị trả giá bởi hành vi của mình. Khi mình chấp nhận kỷ luật thì đứa trẻ biết điểm dừng. Đừng bao giờ nghĩ ra kiểu giáo dục nhân văn, không có, nếu nghĩ là sẽ có sự quản lý nhân văn thì đã không có pháp luật", bà Hương nhấn mạnh.
Bà cho rằng những đứa trẻ vi phạm thì chúng phải bị trả giá để đứa trẻ biết ranh giới đúng - sai, tốt - xấu. Cái đó không có gì tồi tệ, nếu hình phạt nằm trong giới hạn không ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
TS. Vũ Thu Hương cũng đặt vấn đề, nếu không cẩn thận, dự thảo này nhân văn với một học sinh nhưng lại không nhân văn với rất nhiều học sinh.
"Trường học không phải là nơi duy nhất giáo dục học sinh, không phải cứ đẩy học sinh ra ngoài là học sinh hư hỏng hết. Ngoài trường học, có nhiều cơ sở đào tạo học sinh khác nhau. Khi đứa trẻ xứng đáng bị đuổi thì đứa trẻ có thể gây nguy hiểm cho chính nó và những người khác. Nếu đứa trẻ 13 tuổi hiếp dâm em nhỏ, đánh đập em nhỏ thì đứa trẻ đó cần một môi trường khác, một ngôi trường khác. Khi học sinh đó đã rơi vào tình trạng bị đuổi học thì môi trường đó đã không phù hợp. Lúc này gia đình phải kết hợp với môi trường đào tạo khác để đào tạo học sinh tốt hơn.
Nếu tìm mọi cách giữ những học sinh này trong nhà trường thì môi trường học không còn phù hợp, vì vậy việc đào tạo không hiệu quả mà còn gây hậu quả cho người khác”, TS Hương chia sẻ.
Đối với các học sinh hư có thể ra các trường văn hóa hay các trường giáo dưỡng, nơi quá quen xử lý với những trẻ em ngỗ nghịch, họ sẽ có kinh nghiệm xử lý và nuôi dạy các em hơn trường học bình thường.
"Đuổi học không phải là không nhân văn mà nên hiểu là đứa trẻ không phù hợp với môi trường đó nữa. Rất nhiều người nghĩ dạy học sinh không cần kỉ luật, chỉ bằng lời khuyên, bằng phần thưởng - điều này không chính xác. Để xã hội ổn định, con người phải kiểm soát nhau bằng các quy định. Khi đó, pháp luật là để trừng trị con người khi vượt qua ranh giới cho phép.
Ngay trong nhà trường thì có nội quy. Nội quy sinh ra từ sự mong muốn an toàn cho trẻ con, dẫn đến đào tạo đạo đức cho trẻ. Nếu không kỷ luật thì trẻ không bị trả giá, không bị trả giá thì đứa trẻ không rút kinh nghiệm.
Nếu hiểu theo hướng không cho học sinh đi học thì chúng đi đâu? Cách hiểu này không đúng. Sẽ phải chuyển đến cơ sở phù hợp hơn. Đừng nghĩ một đứa trẻ bị kỉ luật là bị hành hạ. Nếu dẹp bỏ hết những kỉ luật sẽ dẫn đến hậu quả đạo đức học sinh đi xuống. Đây là hậu quả chúng ta coi kỉ luật là giáo dục không phù hợp. Điều này rất nghiêm trọng”, bà Hương đặt vấn đề.
Dự thảo thông tư mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến góp ý đến hết ngày 31/10 trước khi ban hành chính thức.