Dân Việt

Không còn là ông hoàng điện thoại di động, Nokia vẫn nắm "quyền trượng công nghệ" trong tay

Huỳnh Dũng 18/09/2020 13:45 GMT+7
Một thập kỷ sau khi mảng kinh doanh điện thoại di động của Nokia bị giáng một đòn chí mạng bởi dòng iPhone, giờ đây công ty này vẫn đang kiếm được một tài sản “béo bở”, mà họ vớt vát được từ “đống đổ nát”.

Đâu là ngọn lửa cuộc kiện tụng khốc liệt giữa Nokia- Daimler AG?

Thực tế, Nokia đã giữ lại danh mục hàng nghìn các loại bằng sáng chế khác nhau của mình, nhờ khả năng nghiên cứu phát triển tột đỉnh. Và cũng chính vì muốn kiếm tiền từ những bằng sáng chế đó, mà Nokia đã phải ra tòa với Daimler AG, với màn kiện tụng hết sức nóng bỏng và kéo dài.

Các công ty Qualcomm Inc và Sharp Corp cùng Nokia đã phối hợp tạo thành nhóm lực lượng Avanci LLC kiểm soát vấn đề bản quyền bằng sáng chế. Ảnh: @nokiamob.

Các công ty Qualcomm Inc và Sharp Corp cùng Nokia đã phối hợp tạo thành nhóm lực lượng Avanci LLC kiểm soát vấn đề bản quyền bằng sáng chế. Ảnh: @nokiamob.

Một phán quyết cách đây vài tuần ở Đức đã đứng về phía Nokia, và nhiều phán quyết khác cũng đang chờ xử lý vào tháng 9 và cuối năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, các chiếc ô tô hiện đại tràn ngập các thiết bị điện tử đến nỗi ngành công nghiệp này đã ví các sản phẩm "xe hơi" của mình như một "con di động thông minh" khổng lồ có bánh xe.

Không những thế, công nghệ không dây cho phép người lái có thể thực hiện cuộc gọi, truyền phát nhạc hoặc quay số các dịch vụ khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Trước sự đi lên của xu hướng công nghệ này, thông thường, các nhà sản xuất xe hơi yêu cầu những nhà sản xuất linh kiện của họ, có thể là Continental AG hay Robert Bosch AG phải xử lý mọi vấn đề về tiền bản quyền một cách ổn thỏa, và họ sẽ thanh toán tiền cho các nhà cung cấp linh kiện này.

Và trong một nỗ lực mới nhằm đơn giản hóa quy trình kiểm soát bản quyền và lợi nhuận, các công ty gồm Qualcomm Inc và Sharp Corp cùng Nokia đã phối hợp tạo thành nhóm lực lượng Avanci LLC.

Nhóm Avanci LLC này đại diện chung cho các thương hiệu thành viên thu tiền bản quyền bằng sáng chế từ ngành công nghiệp xe hơi, bằng cách đưa ra mức giá cố định cho mỗi chiếc xe là 15 USD/xe cho công nghệ mạng 4G.

Kasim Alfalahi, người sáng lập và Giám đốc điều hành của nhóm Avanci nhận định: "Phải có một giải pháp và sứ mệnh hoạt động của nhóm chúng tôi chính là giải pháp đó"; "Đó là một mức giá thu phí bản quyền cố định rất hợp lý cho giá trị của công nghệ trên xe hơi đang có hiện nay".

Liệu thế đứng đầu có trao về tay Nokia?

Trở lại với vụ kiện trên, mọi sự vỡ lở khi hãng xe hơi Daimler không đồng ý với quy trình thu tiền bản quyền này, và họ không muốn trả tiền cho nhóm Avanci.

Ở đây, họ muốn duy trì mối liên hệ chỉ thông qua hình thức trao đổi và thương lượng. Nhìn chung, nước đi này của Daimler suy cho cùng cũng chỉ là muốn tiết kiệm chi phí bản quyền.

Nokia đưa ra mức phí bản quyền cố định cho mỗi chiếc xe là 15 USD/xe cho công nghệ mạng 4G. Ảnh:@mobileworldlive.

Nokia đưa ra mức phí bản quyền cố định cho mỗi chiếc xe là 15 USD/xe cho công nghệ mạng 4G. Ảnh:@mobileworldlive.

Nokia đã bảo vệ quan điểm của mình tại các phiên tòa ở Munich, Dusseldorf và Mannheim. Tại đây, công ty này đã đạt được một chiến thắng quan trọng, có thể cấm hãng Daimler bán xe hơi ở thị trường Đức. Điều này đồng nghĩa đây sẽ là một tình huống "tự sát" đối với hãng Daimler ngay tại quê nhà.

Nhưng cũng lưu ý rõ một điều, việc thực hiện lệnh cấm này chỉ xảy ra khi chính Nokia đăng ký tài sản thế chấp trị giá 7 tỷ euro (8,3 tỷ USD). Và đây có thể là một bài toán đau đầu với Nokia.

Cùng chung tiến trình khả quan này, tiếp tục vào ngày 10/9 vừa qua, Sharp tiếp tục giành chiến thắng ở một phiên tòa diễn ra ở Munich, họ có thể cấm các phương tiện của Daimler mặc dù với tài sản thế chấp thấp hơn nhiều, chỉ với 5,5 triệu euro. Điều này gần như "đổ lên đầu" Daimler rất nhiều áp lực chồng chất.

Trước sự kiện này, Daimler cho biết họ muốn tiếp cận một cách công bằng, không muốn bị phân biệt đối xử trong việc sử dụng với tất cả các bằng sáng chế về công nghệ. Đó là điều cần thiết để hỗ trợ phát triển dịch vụ.

Mặt khác, phía Nokia cho rằng, họ đã đưa ra những đề nghị hoàn toàn công bằng, cũng như hợp lý cho Daimler cũng như các đối tác khác. Trong khi ở hiện tại, Daimler và các công ty khác đã và đang chọn sử dụng các sáng chế của Nokia mà "không có sự cho phép" và cũng không bồi thường hay đóng phí bản quyền nào cả".

Suy cho cùng, vụ kiện giữa Nokia với Dailmer có thể như một hồi chuông cảnh tỉnh quan trọng trong việc tôn trọng bản quyền sử dụng các bằng sáng chế công nghệ, không chỉ trên xe hơi, mà còn ở sản phẩm điện tử khác như tủ lạnh, máy giặt hoặc các thiết bị y tế…

Hiện tại, vụ kiện này trước mắt xảy ra trong lĩnh vực xe hơi. Đó chỉ là bề nổi, bởi còn rất nhiều ngành nghề khác cũng vướng phải vấn đề tương tự này.

"Hôm nay là ngành công nghiệp xe hơi và ngày mai sẽ là ngành kinh doanh, sản xuất thiết bị gia dụng," Atif Bhatti, một người kiện tụng bằng sáng chế tại Linklaters ở Frankfurt chia sẻ.

Vụ kiện giữa Nokia và Daimler diễn ra dưới sự bảo trợ của nhóm Avanci. Ngược lại thì một số nhà cung cấp như TomTom và Bosch đang hỗ trợ Daimler trong vụ kiện nóng bỏng này.

Thực tế, phía Daimler vẫn còn tia hy vọng ở phiên tòa tổ chức tại Dusseldorf, khi các thẩm phán cho biết họ muốn tòa án cấp cao nhất của Liên minh Châu Âu xem xét vấn đề kiện tụng này. Nhưng trước mắt, các phán quyết gần đây ở California và London, cũng như chiến thắng ở Mannheim đã giúp Nokia mang lại nhiều lợi thế hơn hẳn.

Nokia thực sự có được gì từ cuộc chiến bản quyền này?

Nhìn chung, với một thương hiệu thâm niên như Nokia và với những gì thương hiệu này đã và đang làm được thì cuộc chiến kiện tụng bảo vệ giá trị bản quyền các bằng sáng chế là một cột mốc quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn.

Ảnh: @Seekingalpha.

Ảnh: @Seekingalpha.

Được biết, doanh thu từ các bằng sáng chế và giấy phép thương hiệu của hãng Nokia đạt 1,5 tỷ euro vào năm ngoái, và đây có thể xem là một trụ cột chiến lược đúng đắn, mang lại giá trị bền vững cho hãng. Theo chuyên gia phân tích Tamlin Bason của Bloomberg Intelligence, phí bản quyền các bằng sáng chế chiếm "phần lớn" trong số tiền mà Nokia thu lại được.

Le lói màn kiện tụng tương tự

Song song đó, Continental cũng có động thái tương tự muốn chống lại nhóm Avanci ở Mỹ, và họ đang thúc giục mời Ủy ban châu Âu vào cuộc chiến kiện tụng này.

Quan điểm giống như Daimler, Continental đang muốn bằng sáng chế công nghệ nên được chia sẻ theo các điều kiện công bằng. Họ khẳng định với mức phí bản quyền 15 USD theo yêu cầu của nhóm Avanci là hoàn toàn không hợp lý. Vì nó sẽ làm mất hết lợi nhuận của các nhà sản xuất linh kiện.