Đại hội Hội Điện ảnh toàn quốc nhiệm kỳ IX diễn ra trong 3 ngày, từ 19/9-21/9/2020 tại khách sạn La Thành (Hà Nội). Trước thềm đại hội, TGĐA đã có cuộc phỏng vấn nhanh với các hội viên – đại diện cho từng chi hội, để lắng nghe họ chia sẻ, đánh giá về những hoạt động của Hội, đồng thời là những tâm tư, nguyện vọng của họ với BCH Hội Điện ảnh Việt Nam khóa mới.
Biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh – Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam
Tôi hài lòng với những con người ở cương vị lãnh đạo của Hội Điện ảnh trong nhiệm kỳ vừa qua, nhưng có chăng ở nhiệm kỳ mới sắp tới này, cách thức rồi cơ cấu tố chức nên có sự thay đổi rõ ràng và tích cực, học tập theo mô hình của nước ngoài, nhất là cái cách mà họ có thể nâng đỡ nghệ sĩ nước mình, làm ra tác phẩm chất lượng được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Thêm vào đó, dù là hội nghị, hội thảo hay trại sáng tác cũng đều phải ưu tiên dành cho những con người đang sôi sục nhiệt huyết làm nghề. Chúng ta phải đảm bảo rằng tổ chức như vậy sẽ không chỉ là mang tính hình thức mà phấn đấu làm sao cho ra được thành quả.
Diễn viên, NSND Minh Châu – Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam
Tôi cảm nhận Hội Điện ảnh trong những năm qua vẫn đang cố gắng duy trì không khí ấm áp trong các hoạt động để nghệ sĩ chúng tôi lại có dịp được bầu bạn, kết nối và giao lưu cùng nhau. Nhưng quả thực, thế vẫn là chưa đủ khi ngày này qua ngày khác, gần như vẫn là những khuôn mặt gạo cội, chưa có lấy một bầu không khí mới mẻ và rõ ràng nó phải tới từ người trẻ. Theo tôi, cần lắm tạo điều kiện ứng cử cho những người trẻ tuổi, nhất là những người đang mang về những thành tựu mới cho điện ảnh nước nhà và nhất quyết phải có trong mình sự năng động.
Đạo diễn, NSƯT Thanh Loan – Chi hội Điện ảnh Công an nhân dân
Hội Điện ảnh đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, duy trì đời sống văn hóa nghệ thuật cho anh em nghệ sĩ. Trong đó, tôi thực sự tâm đắc với hoạt động đi thăm khu Di tích điện ảnh Đồi Cọ, xã Điềm Mặc ở Thái Nguyên, vì đó là nơi khai sinh ra ngành điện ảnh ở nước ta. Rất nhiều đồng nghiệp trẻ của tôi luôn cảm thấy hào hứng vì trước đó họ chưa có điều kiện được biết.
Chúng ta cũng đều rõ, giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi năm của điện ảnh nước nhà, tôn vinh thành quả đóng góp của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn có cách nào đó, hãng phim của Hội Điện ảnh cùng với Nhà nước vẫn có thể đứng ra sản xuất hàng năm những bộ phim có chất lượng tốt, kịch bản hay. Dù vậy, ở thời điểm này, dòng phim nhà nước sẽ vẫn đi theo lối mòn, thiếu khán giả nếu không được đầu tư khâu quảng bá. Vì thế, ban chấp hành mới phải có tầm nhìn xa hơn trong những việc thế này.
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt – Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam
Về công tác chính trị - xã hội, tôi cho rằng Hội Điện ảnh vẫn đang làm tốt, nhưng về vấn đề nghề nghiệp, cá nhân tôi lại đánh giá chưa cao. Tôi nghĩ các hoạt động của Hội Điện ảnh vẫn chưa đi sâu vào đời sống tinh thần cũng như chuyện làm nghề của anh em nghệ sĩ và phải làm cách nào đó để phổ cập những kiến thức của thời đại mới đến được anh em. Bên cạnh đó, không có gì tuyệt vời hơn nếu những người trong Ban chấp hành mới lại là những người vẫn còn đang có rất nhiều nhiệt huyết với nghề làm phim.
Hiện giờ tôi đang là Chi hội trưởng của Hãng phim truyện Việt Nam, nhân đây tôi cũng hi vọng mối liên kết giữa Hội điện ảnh và Hãng phim truyện vẫn luôn bền vững như anh em. Thay mặt các hội viên ở Hãng, tôi thực sự biết ơn những sự ủng hộ mà Hội Điện ảnh đã dành cho chúng tôi ở những thời khắc khó khăn.
Nhà báo Cát Vũ – Chi hội Nghiên cứu, Đào tạo & Báo chí TP. HCM
Là một hội viên nhỏ nhoi, không có điều kiện để biết hết các hoạt động của Hội nên không dám đánh giá gì về nhiệm kỳ của BCH, chỉ biết chút ít thông qua những văn bản do Hội phổ biến vừa qua. Hội là hội nghề nghiệp nên điều tôi quan tâm hơn cả là giải Cánh diều hàng năm do Hội tổ chức. Giải của Hội phải mang tính nghề nghiệp cao. Những phim đoạt giải phải là những phim đạt được tiêu chí về sự sáng tạo, có tính đột phá, ít nhiều hàm chứa cho sự định hướng nghề nghiệp.
Vì vậy, theo tôi, nên chăng Hội không phải chờ người ta gửi phim tới mà tự tập trung hết các phim đã sản xuất trong năm để xem xét và trao giải. Những năm sau này, uy tín của giải ngày càng đi xuống, nhiều nghệ sĩ không cảm thấy hào hứng với giải. Do đâu? Do Hội không có kinh phí để tổ chức hoành tráng như Liên hoan phim Việt Nam hay do các giải thưởng không thuyết phục? Tôi nghĩ, có cả hai nguyên nhân trên. Tôi mong, nhiệm kỳ tới, Hội sẽ có những biện pháp để chấn chỉnh điều này, vì có thể coi giải thưởng hằng năm là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Hội.
Điều này liên quan tới ý kiến thứ hai tôi muốn nói đến, là việc trẻ hóa hội viên. Hiện nay, số hội viên lớn tuổi chiếm đa số, trong khi người trẻ không mấy ai tha thiết vào Hội, nhất là những nghệ sĩ không nằm trong các hãng phim nhà nước. Đây là điều nghịch lý, vì những hội viên “cơ hữu” của Hội đa phần lớn tuổi, không còn làm nghề, trong khi đa số người đang làm nghề lại đứng ngoài Hội. Như vậy, Hội là của ai? Một Hội gồm những người “đứng bên lề” liệu có còn tác động được đến dòng chảy của điện ảnh nước nhà? Vậy làm sao để trẻ hóa? Chỉ khi Hội trở thành chỗ dựa, có khả năng che chở, bảo vệ khi hội viên cần; là ánh sáng, có khả năng chiếu soi cho họ về nghề nghiệp; là niềm tin, có khả năng trở thành mái nhà chung để họ tìm thấy sự ấm áp trở về sau những hành trình sáng tạo vất vả... Xem ra công việc của BCH nhiệm kỳ tới quả thật không nhẹ nhàng...
PGS.TS, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chi hội Hãng phim TP. HCM
Tôi kỳ vọng Đại hội nhiệm kỳ IX (2020 - 2025) lần này sẽ chọn được những đại biểu tham gia công tác hội có tri thức, sức khỏe, tâm huyết, bản lĩnh, năng động, tràn đầy năng lượng mới, đồng thời đáp ứng hài hòa các yếu tố về lứa tuổi, vùng miền; Kết hợp hài hòa được những thế hệ hội viên giàu kinh nghiệm quản lý, chuẩn chỉ trong văn hóa ứng xử với những nhân tố trẻ trung, tươi mới, hiện đại, dám nghĩ, dám làm...
Tôi kỳ vọng ở tập thể ban lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới với sức mạnh của đoàn kết, chia sẻ, tương tác, kết nối thường xuyên với các chi hội trực thuộc. Hoạt động của các chi hội chính là "cánh tay nối dài" của Hội tại các tỉnh thành, địa phương. Sự liên kết của các chi hội với nhau càng nhân thêm sức mạnh cho hoạt động Hội. Nếu khắc chế được mặt trái của mạng xã hội, thì môi trường thông tin có kiểm soát sẽ gia tăng bội phần hiệu quả hoạt động Hội. Khi ấy mỗi niềm vui, nỗi buồn, hoàn cảnh khó khăn, đau yếu... của từng hội viên sẽ được dễ dàng chia sẻ cùng nhau hoặc riêng tư giữa cá nhân với cá nhân hay cùng với nhóm. Có thể dễ dàng chọn chế độ thông tin, công khai, hoặc chỉ riêng tư trong nhóm nhỏ với nhau...
Diễn viên, NSƯT Chiều Xuân – Chi hội Hãng phim truyện 1
Bây giờ điện ảnh đang rất khó khăn. Tôi đang nói đến điện ảnh chính thống của nhà nước. Hiện nay, các bộ phim do Nhà nước đặt hàng Hội Điện ảnh, hay các Hãng phim nhà nước sản xuất thường là tuyên truyền chính trị. Điều này vô tình lại đặt ở một tình thế rất khó khăn, bởi vì đôi lúc mọi người đặt ra yêu cầu là bộ phim này phải ăn khách, phải thu được kinh phí từ khán giả nhưng trong khi đó đề tài đặt ra thì lại nặng về tuyên truyền, chính trị. Hai cái đó đôi lúc không thích hợp với nhau, nó khó có thể đi chung một đường và có được kết quả mỹ mãn.
Vì thế nên tôi cho rằng Ban chấp hành khóa mới sẽ rất vất vả, khó khăn. Làm thế nào để cân bằng được 2 yếu tố đó. Mục tiêu sau cùng của chúng ta khi sản xuất bộ phim là phải hướng tới khán giả, tôi cho rằng những vấn đề tuyên truyền, chính trị không hề khô khan, đó là máu thịt. Chỉ có điều đôi lúc, để làm một bộ phim thì chỉ có kinh phí của nhà nước hoặc xin được tài trợ ở đâu đó về đủ tiền làm phim, và 1 số ít tiền để làm PR cho một bộ phim ra rạp. Tư nhân người ta làm sẽ coi trọng mảng PR rất nhiều, nhưng mình thì lại hổng mảng đó, có thể do mình không có tiền hoặc mình không ý thức được chuyện đó nên tôi rất mong muốn ở BCH khóa mới nên chú trọng hơn nữa về vấn đề này. Mục đích chính của chúng ta là cùng góp phần để hỗ trợ, sản xuất những tác phẩm điện ảnh hay, nếu một tác phẩm ra mong muốn BCH Hội Điện ảnh và những người làm phim nên chú trọng đến chuyện làm PR ngay từ lúc đầu. Để những bộ phim nó có giá trị khi ra mắt, sẽ được đông đảo khán giả đón nhận.
Biên kịch Nguyễn Thu Dung – Chi hội Điện ảnh Quân đội nhân dân
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Điện ảnh Việt Nam đã thực sự là cầu nối cho các hội viên cũng như cho các hãng phim gần gũi nhau hơn trong các hoạt động của ngành. Đã tạo ra các cơ hội để những người làm nghề được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, gắn kết tình thân, kết nối với nhau trong các hoạt động nghề nghiệp.
Là Hội viên Hội Điện ảnh hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Điện ảnh Quân đội nhân dân, tôi mong muốn BCH khóa mới nên có sự kết hợp của những gương mặt gạo cội bên cạnh những gương mặt trẻ thuộc nhiều lĩnh vực của ngành như nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế, truyền thông tạo nên sự kế thừa và phối kết hợp nhịp nhàng giữa kinh nghiệm truyền thống và năng động hiện đại, hướng đến sự đột phá mới mẻ cho công tác Hội. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu quốc tế giữa các nước trong lĩnh vực điện ảnh. Tiếp tục xây dựng và phát triển giải thưởng Cánh diều sao cho giải thưởng trở thành một sân chơi thường niên, hiện đại, sang trọng và danh giá để tôn vinh những giá trị đích thực của Điện ảnh Việt Nam.
Quay phim, NSƯT Nguyễn Quang Tuấn – Chi hội Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương
Trong nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020) Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam cũng như các chi hội trực thuộc đã phát huy được vai trò của mình là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Ở nhiệm kỳ vừa qua, quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ được coi trọng hơn và đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo kịp thời, động viên đội ngũ sáng tác. Trong nhiệm kỳ, Hội đã chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và vận động hội viên tích cực hưởng ứng các cuộc thi sáng tác, phổ biến tác phẩm điện ảnh.
Bên cạnh đa số hội viên có tư tưởng chính trị vững vàng ,chuyên môn tốt, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, từng bước khẳng định vị trí nghề nghiệp của mình, nhưng thời gian qua vẫn còn không ít những hội viên thiếu gắn bó với tổ chức Hội, không thường xuyên sinh hoạt chi hội, sinh hoạt chuyên môn do chi hội hoặc Trung ương Hội tổ chức... Mặt khác, vì nhiều lý do nội bộ không phải cơ quan chủ quản nào cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các chi hội hoạt động.
Là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, tôi mong muốn nhiệm kỳ tới 2020-2025 chúng ta có một Ban chấp hành sẽ đoàn kết và phát triển đội ngũ người làm phim trong tình hình mới, quán triệt sâu sắc định hướng của Đảng trong quá trình triển khai các hoạt động nghề nghiệp. Phối hợp với Cục Điện ảnh và các cơ quan, đơn vị trong ngành gắng tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sỹ phát huy tiềm năng sáng tạo. Tiến hành thường xuyên các hoạt động nghiệp vụ có tác dụng hỗ trợ và khuyến khích người làm phim nâng cao trình độ chuyên môn như mở các trại sáng tác, các lớp nâng cao nghiệp vụ và tập huấn làm phim, đặc biệt là đào tạo ở nước ngoài các chuyên nghành quan trọng như biên kịch, đạo diễn, sản xuất, quay phim, kỹ xảo điện ảnh...
Trung ương Hội quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với các chi hội cơ sở. Không chỉ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho hoạt động sáng tác kịch bản theo diện rộng nhằm khuyến khích phong trào, mà còn tập trung đầu tư chiều sâu cho những kịch bản có triển vọng tạo nên những tác phẩm có giá trị.
Hội nên quan tâm phát triển hội viên mới xét người gia nhập hội đúng tiêu chuẩn theo điều lệ quy định, kiên quyết không chạy theo số lượng, những hội viên phải thực sự là người hoạt động tích cực trong nghành điện ảnh.
Diễn viên, NSƯT Ngô Phạm Hạnh Thúy – Chi hội Diễn viên TP. HCM
Hội Điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm là nơi gắn kết các hội viên, cho tôi được trau dồi, học tập thêm trong nghề nghiệp thông qua các lớp học, các buổi tọa đàm, các hội thảo về nghề nghiệp, các chuyến đi về nguồn rất thực tế và hữu ích.
Tuy nhiên, việc gắn kết giữa Hội và các hội viên vẫn còn chưa thực sự chặt chẽ, có lẽ vì số lượng hội viên đông và rải rác ở nhiều nơi. Các hội viên của từng chi hội thì còn có cơ hội gặp nhau chứ hội viên giữa các chi hội với nhau thì cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, học tập nhau thì ít khi có điều kiện. Là một hội viên, tôi luôn mong được góp sức mình để đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của Hội Điện ảnh Việt Nam và cả chi hội mình đã phụ trách.
Theo tôi trong nhiệm kỳ tới, rất cần việc nâng cao chất lượng sáng tác và hiệu quả hoạt động hỗ trợ sáng tác theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, loại bỏ yếu tố nghiệp dư trong sáng tác ở các thể loại điện ảnh, truyền hình, tài liệu, hoạt hình, cần khắc phục khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa trong sáng tác.
Về công tác tổ chức các trại sáng tác nên bình xét khách quan giữa các hội viên lâu năm và hội viên trẻ (có nhiều hội viên tham gia liên tục nhiều năm, nhiều nơi trong năm, song các kịch bản của họ chưa thấy sản xuất). Việc bình chọn các đại biểu đi dự đại hội của Hội Điện ảnh Việt Nam (5 năm mới có 1 lần) nên chăng ngoài các tiêu chí hội viên tích cực, có chuyên môn, tham gia và đóng góp xây dựng hội từ chi hội, thành phố đến các tỉnh xa, nên có tỉ lệ bình chọn rõ ràng giữa các hội viên lớn tuổi và hội viên trẻ, hay các hội viên đã tham dự nhiệm kỳ này thì ở nhiệm kỳ sau nên dành cho các hội viên chưa được tham dự. Tôi mong Ban chấp hành trong nhiệm kì mới sẽ phát huy tối đa khả năng để xây dựng và phát triển mọi hoạt động của Hội thực sự thiết thực và hiệu quả, nhất là sự gắn kết hội viên nhiều hơn, để Hội Điện ảnh mãi sẽ là một “mái nhà chung” cho các hội viên và những người yêu điện ảnh và truyền hình.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng – Chi hội Đài Truyền hình TP. HCM
Trong một thế giới sôi động và tiềm ẩn nhiều rủi ro như phim ảnh, thì nhiệm kỳ vừa qua, Hội Điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là các anh chị trong Ban Chấp hành hội đã nỗ lực không ngừng và làm tròn trách nhiệm được giao với nhiều tâm huyết lẫn ưu tư, trăn trở.
Một nhiệm kỳ mới của hội sắp mở ra trong một kỷ nguyên mới của điện ảnh, truyền hình - kỷ nguyên Netflix với nền tảng xem phim trực tuyến. Chính Netflix chứ không ai khác, sẽ là tác nhân chính định nghĩa lại và vẽ lại bản đồ ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình trên toàn thế giới! Tuy mọi thứ vẫn còn ở phía trước, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều hãng phim lớn trên thế giới, nhiều nhà sản xuất phim và cả đội ngũ những nghệ sĩ danh tiếng đã có chung một kết luận: Tương lai Netflix là tương lai của điện ảnh! Thêm nữa, đại dịch COVID-19 hiện vẫn còn đang hoành hành và chưa biết bao giờ mới chấm dứt, chắc chắn sẽ làm thay đổi thói quen xem phim của nhiều người; không còn vào rạp nữa, họ buộc phải sử dụng các dịch vụ coi phim trực tuyến, trong đó Netflix là địa chỉ đầu tiên mọi người nghĩ đến.
“Đời thay đổi khi ta thay đổi”. Hơn lúc nào hết, những khái niệm thuộc về truyền thống buộc chúng ta phải mổ xẻ và nhận thức lại vấn đề; buộc chúng ta phải nghĩ khác và làm khác đi. Ước mong, Đại hội IX Hội Điện ảnh Việt Nam thành công tốt đẹp với một Ban chấp hành giàu năng lượng, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quay phim, NSƯT Phạm Thanh Hà – Chi hội Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội
Điện ảnh Việt Nam đang ở trong một giai đoạn thử thách mang tính sinh tồn. Điện ảnh Kỹ thuật số, thị trường điện ảnh buộc phải thay đổi phương thức sản xuất phim, để thu hút người xem đến rạp cần có những cách kể chuyện, hình thức mới lạ trong phim. 5 năm qua đã có quá nhiều thay đổi. Thay đổi đến mức có những bộ phim nếu thử không nghe tiếng chỉ nhìn hình thì không ai nhận ra đó là phim Việt đương đại. Sự bùng nổ của truyền thông một mặt kích thích sự phát triển sản xuất và quảng bá phim, giúp khán giả tiếp cận nhanh hơn tới các tác phẩm điện ảnh. Dẫu vậy có những lúc truyền thông quá mức biến những bộ phim nịnh mắt về hình nhưng bạo lực và thiếu tính nhân văn thành "hiện tượng điện ảnh” của mấy chục năm qua.
Công nghệ điện ảnh phát triển rất đáng mừng vì nó làm cho số lượng phim phát triển. Nhưng nhiều phim như phim nước ngoài, chỉ khác là trong phim cảnh Việt và người Việt. Chất liệu cuộc sống hiện nay rất phong phú cho các nhà làm phim khai thác, hơn là vay mượn những ý tưởng kịch bản từ bên ngoài. Mặt khác, công nghệ điện ảnh hiện nay phát triển, ranh giới kỹ thuật giữa phim điện ảnh và truyền hình không khác mấy nếu nhìn vào thiết bị. Nhưng thủ pháp điện ảnh cũng như các hình thức biểu hiện ngôn ngữ vẫn nguyên vẹn. Tiếc là nhiều phim điện ảnh làm chẳng khác phim truyền hình khiến khán giả xem phim lẫn lộn giữa phim điện ảnh và phim truyền hình nếu bộ phim đó được đưa lên sóng.
Hội Điện ảnh không phải là tập đoàn sản xuất phim của cả nước. Tự thân hội nghề nghiệp không thể thay đổi được những tồn tại, yếu kém và thậm chí cả "tốt xổi" của ngành điện ảnh trong một giai đoạn. Nhưng Hội là một diễn đàn nghề nghiệp có thể định hướng thông qua các cuộc hội thảo, xuất bản, đăng tài liêu về học thuật, ngôn ngữ, khuynh hướng phim. Hy vọng Ban chấp hành khóa tới sẽ là cầu nối giữa các nghệ sỹ điện ảnh trong và ngoài nước hướng đến những giá trị thẩm mỹ, khuyến khích những phong cách làm phim hiện đại nhưng mang bản sắc Việt trên màn ảnh. Các trại sáng tác của Hội hiện chủ yếu hướng đến các nhà biên kịch. Nếu có những hình thức tương tự cho các đạo diễn, những người sáng tác hình ảnh là quay phim, họa sỹ thiết kế thì chắc chắn hoạt động của Hội sẽ còn phong phú, sinh động hơn.
Biên kịch Tạ Thị Huệ - Chi hội Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương
Tôi có may mắn được 2 lần tham dự Trại sáng tác do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Lần đầu tiên tham dự Trại sáng tác lúc tôi đang còn là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Biên kịch điện ảnh. Với một cô sinh viên mới học 2 tiết đủ để hiểu khái niệm cơ bản về thể loại phim tài liệu là gì, thì việc được góp mặt trong Trại sáng tác là một cơ hội quý báu để tôi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn thể loại phim tôi yêu thích từ các anh chị, cô chú đang làm nghề chuyên nghiệp cùng dự trại.
Trong 10 ngày tham dự Trại sáng tác, điều đầu tiên mà tôi tiếp thu được từ những bậc cha chú đi trước là kiến thức và tình yêu của mỗi người với điện ảnh. Mọi người ngồi thảo luận đề tài với nhau, từng câu chuyện và kinh nghiệm nghề mà tôi được nghe khiến một cô sinh viên như tôi lúc đó cảm thấy được truyền năng lượng và thấy đây chính là điều mình đang cần, đang mong muốn có được. Những kiến thức đầu tiên từ trại sáng tác năm ấy đã trở thành hành trang để tôi sống và đam mê với phim tài liệu tới bây giờ.
Với tôi, bất cứ thể loại phim nào cũng đòi hỏi người biên kịch, đạo diễn phải có kinh nghiệm sống, có thực tế, có trải nghiệm, có tiếp xúc nghề nghiệp với những người đi trước thì Trại sáng tác do Hội điện ảnh tổ chức đã truyền năng lượng và mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Mỗi một trại sáng tác mà tôi được dự đều là dấu ấn đáng nhớ trong quãng đường làm nghề của tôi. Và thật tự hào khi kịch bản Lão gàn Hồ Mơ được tôi viết lúc tham dự trại sáng tác tại Nha Trang đã giúp tôi nhận giải Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21. Là một Hội viên Hội Điện ảnh hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, tôi mong muốn sẽ có nhiều hội viên trẻ có cơ hội được tham dự Trại sáng tác do Hội Điện ảnh tổ chức. Tôi tin rằng Trại sáng tác chính là cơ hội tuyệt vời để học hỏi nâng cao nghiệp vụ đối với các hội viên trẻ như tôi.
Biên kịch Phạm Thị Thanh Hà – Chi hội Hãng phim Hoạt hình Việt Nam
Là một hội viên của Hội Điện ảnh, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Hội cũng như sự chỉ đạo của Ban chấp hành trong nhiệm kỳ vừa qua. Khoảng thời gian 2015 – 2020 là thời điểm Điện ảnh Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách, nhiều thay đổi trong cơ chế đã tác động đến các hoạt động điện ảnh. Là một Hội nghề nghiệp, Hội Điện ảnh đã phát huy tốt vai trò của mình, hỗ trợ để các hoạt động điện ảnh có cơ hội phát triển, đồng thời bảo vệ quyền lợi của hội viên. Theo đó, những hoạt động mang tính nghề nghiệp như tổ chức giải thưởng Cánh diều, mở các Trại sáng tác, tổ chức các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ, duy trì chiếu phim học tập… đã giúp các hội viên có điều kiện cọ xát, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, làm sôi nổi hơn không khí điện ảnh của cả nước.
Đại hội Hội Điện ảnh nhiệm kỳ IX đang đến gần, tôi tin tưởng Đại hội sẽ lựa chọn được Ban chấp hành Hội Điện ảnh khóa mới với các ủy viên hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, đặc biệt là bầu nhiệt huyết với điện ảnh, với nghề để có thể truyền cảm hứng cho gần 2000 hội viên Hội Điện ảnh của chúng ta. Cũng trong nhiệm kỳ mới 2020 – 2025 này, tôi mong muốn Hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghề nghiệp, chú trọng về đầu tư chiều sâu ở từng khâu như kịch bản, đạo diễn, diễn viên… để đỡ đầu, hỗ trợ cho các hội viên và tổ chức điện ảnh có cơ hội phát triển. Ở giai đoạn hiện nay, khi dịch Covid-19 đang mỗi lúc một phức tạp, hy vọng BCH Hội sẽ linh hoạt, sáng tạo, xây dựng phương án phù hợp để duy trì và đẩy mạnh các hoạt động điện ảnh trong trạng thái “bình thường mới”.
Đạo diễn, NSND Việt Hương – Chi hội Đài truyền hình Việt Nam
Là một Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và hiện tôi cũng là ủy viên Chi hội Đài Truyền hình Việt Nam, tôi xin đề xuất một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tiếp tục công tác tạo nguồn kịch bản, nguyên liệu đầu tiên của một tác phẩm điện ảnh cần được tiếp tục chú trọng và đa dạng hơn. Cùng với việc mở trại sáng tác kịch bản nên có những cuộc thi nhằm thu hút tài năng bên ngoài ngành điện ảnh, đồng thời cũng là cơ hội phát hiện ra những năng khiếu mới, những năng khiếu trẻ. Trong hoạt động tạo nguồn kịch bản nên mời các nhà đầu tư sản xuất tham gia phối hợp như những đối tác mở hướng đầu ra cho kịch bản được sản xuất; hàng năm nên tổ chức đầu tư chiều sâu cho các bản thảo có chất lượng, tính khả thi làm phim cao, coi đây là một kênh, một nguồn kịch bản quan trọng để sản xuất phim Điện ảnh và phim Truyền hình.
Thứ hai, tổ chức ngày càng tốt hơn Ngày Điện ảnh Việt Nam và Lễ trao Giải thưởng Cánh diều nhằm tôn vinh truyền thống vẻ vang của Ngành, tôn vinh các tác phẩm tiêu biểu cùng những nhà làm phim xuất sắc hàng năm. Đây không những là ngày hội truyền thống, diễn đàn nghề nghiệp mà còn là cầu nối giữa những người làm phim với công chúng khán giả yêu thích phim ảnh, yêu thích sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cộng đồng.
Thứ ba, thường xuyên tổ chức cho các thành phần sáng tác chính đi thực tế để nắm bắt được hiện thực cuộc sống. Điều đó sẽ có hiệu quả rất nhiều khi họ thực hiện các công đoạn sáng tác và cũng là điều kiện tốt để cập nhật thị hiếu, thẩm mỹ của người xem.
Thứ tư, phim tài liệu và phim khoa học trong chiến tranh cũng như hiện tại rất được công chúng khán giả quan tâm, đặc biệt là mảng phim về các vấn đề xã hội đang rất bức xúc hôm nay. Có lẽ vì thế mà trong các LHP và Giải thưởng Hội Điện ảnh đã có hạng mục giải thưởng riêng cho từng loại phim này. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng đề nghị có thêm khung giải cho loại hình phim tài liệu nghệ thuật, cụ thể là loại phim về tác giả và tác phẩm văn học nghệ thuật. Là người gắn bó với thể loại phim này ngay từ tác phẩm đầu tiên, tôi thấy rằng, các công đoạn để thực hiện được một bộ phim tài liệu nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều trí tuệ công sức cũng không khác hai thể loại nêu trên thậm chí chúng tôi còn gặp cái khó hơn nữa đó là kinh phí.
Thứ năm, nên thường xuyên có những cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề “nóng” trong sản xuất và phổ biến phim. Ví dụ như vấn đề phim thị trường của nghệ thuật điện ảnh; phim dài tập phát trên truyền hình; các thao tác quảng bá phim đến công chúng; vấn đề đưa phim Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực kế thừa vv...
Thứ sáu, Tạp chí Thế giới điện ảnh, ngoài mảng phát hành bằng báo in, thì nên đầu tư cho Tạp chí việc phổ biến mạnh trên các trang mạng vì hội viên đôi khi không có điều kiện đọc tạp chí in thì họ có thể cập nhật trên các trang mạng về nội dung tạp chí của Hội bất kỳ lúc nào.
Đạo diễn Nguyễn Tài Văn – Chi hội Đài truyền hình Việt Nam
Đứng trước tình hình khó khăn như hiện nay, tôi hy vọng Ban chấp hành hội sẽ có sự chuẩn bị và những định hướng phù hợp. Tại cuộc gặp mặt cuối năm của Hội Điện ảnh tổ chức, tôi thấy còn ít các bạn trẻ tham gia. Chính vì vậy mà trong nhiệm kỳ mới tôi hy vọng ban chấp hành hội sẽ tổ chức, quan tâm kết nối hơn nữa những hoạt động, nhiều những lớp học, nhiều trại sáng tác trong các lĩnh vực, những buổi sinh hoạt nghiệp vụ về nghề để các thế hệ trẻ như chúng tôi có cơ hội để tiếp cận với thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước, từ đó sẽ mở ra nhiều mối quan hệ giao lưu về nghề, tiếp cận với nhiều phong cách và hướng đi mới của thế giới từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao đến các chi hội thành viên để tuyên truyền và thông báo đến các hội viên những hoạt động của hội, để các hội viên biết và bố trí sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động của hội, khuyến khích phát triển hội viên trẻ tại các chi hội cơ sở.
Trong nhiệm kỳ mới này tôi cũng hy vọng là sẽ được tham gia nhiều hoạt động từ phía hội để có thể tiếp cận, tìm công nghệ truyền hình, công nghệ nghe nhìn, công nghệ mạng của các nước phát triển hơn bởi vì theo tôi sự phát triển ở các lĩnh vực này làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức hút khán giả tới rạp. Nhưng nhìn lại, chính sự phát triển công nghệ đã nâng cánh cho điện ảnh và những nền điện ảnh phát triển nhất nằm chính ở những quốc gia, những công nghệ này phát triển nhanh nhất.
Tôi mong rằng trong nhiệm kỳ mới ban chấp hành hội sẽ có nhiều hoạt động về chuyên môn hơn nữa để ngày càng nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, tư tưởng, giáo dục cao góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền – Chi hội Diễn viên TP. HCM
Trong nhiệm kỳ qua, có lẽ điểm nổi bật nhất là quá trình huy động được nhiều nguồn lực tư nhân tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của hoạt động điện ảnh và làm phim truyền hình. Với vai trò của một Chi hội phó Chi hội diễn viên TP.HCM, Huyền lại thực sự mong muốn được tham gia cho các hoạt động Hội nhiều hơn nữa, bởi ở nhiệm kỳ vừa qua, các hoạt động cho các nghệ sĩ, hội viên chưa thực sự gắn kết, hiệu quả và thu hút qua từng lĩnh vực, chuyên môn (chủ yếu là một số ít hoạt động ở các chi hội cơ sở) chưa vươn rộng tính quy mô tới hoạt động của hội Việt Nam. Tóm lại, Hội chưa có chính sách, hỗ trợ và thu hút năng động tới hội viên, nên chưa đem lại các cơ hội để họ được thể hiện và cống hiến.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, ngành chúng ta gặp khá nhiều khó khăn trong việc duy trì các hoạt động và phát triển. Rất cần Hội tăng cường phối hợp các lớp nâng cao nghiệp vụ quốc tế (mời các chuyên gia tên tuổi nổi tiếng của ngành), hay cho hội viên tu nghiệp nước ngoài; Mở rộng quan hệ phim ảnh với nước ngoài để thường xuyên cập nhật thị trường trong việc sản xuất, phát hành phim (hiện đa số các hãng phim tư nhân đều tự mày mò, xoay sở cho mình ở các hoạt động này). Luôn kỳ vọng ở BCH mới có nhiều nhân tố trẻ - mới năng động. BCH cần có những chính sách hoạt động quyết liệt, gắn kết, thiết thực và hiệu quả để tạo sinh khí mới cho các hội viên cùng thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi để có dịp toàn tâm cống hiến.
Đạo diễn Phạm Hồng Thắng – Chi hội Điện ảnh Quân đội nhân dân
Là một hội viên của Hội Điện ảnh, tôi cho rằng Hội cần làm tốt công tác giáo dục, quán triệt tư tưởng, nhận thức về quan điểm đường lối của Đảng, các vấn đề văn hóa dân tộc đối với những người làm điện ảnh. Củng cố và xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Ban chấp hành Hội. Tăng cường vai trò của Ban chấp hành Hội trong các hoạt động mang tính tập thể. Quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên; có ý kiến xác đáng về vấn đề nhuận bút, bản quyền tác giả.
Mở rộng sự giao lưu, hợp tác với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới để tiếp thu, học tập kinh nghiệm, những cách làm phim mới, theo kịp xu thế thời đại; đồng thời dần khẳng định những nét độc đáo, riêng biệt của nền điện ảnh nước nhà.
Biên kịch Đào Thùy Trang – Chi hội Hãng phim truyện 1
Với tư cách là một hội viên, Biên kịch của công ty CP Phim truyện 1, tôi thấy nhiệm kỳ Hội Điện Ảnh Việt Nam, khóa VIII (2015- 2020) đã có rất nhiều hoạt động có giá trị cho hội viên.
Có thể nói trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động vừa qua, hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ VIII đã hoạt động liên tục và tích cực để các hội viên Điện ảnh cảm thấy vẫn còn có sân chơi, có nơi hỗ trợ và sát cánh cùng người làm Điện ảnh. Tuy nhiên, cũng do những khó khăn và hạn chế nhất định nên Hội Điện ảnh Việt Nam cũng chưa phát huy hết vai trò và chức năng để phát triển Điện Ảnh Việt Nam tốt hơn, cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng tác phẩm cho người làm Điện ảnh Việt Nam. Trước những mặt được và còn hạn chế của nhiệm kỳ VIII, với tư cách là một hội viên, một Biên kịch, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ mới Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp tục là một sân chơi có giá trị với người làm nghề Điện ảnh, phát huy những hoạt động đã làm được và khắc phục những hạn chế. Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ mới, Ban chấp hành hội Điện ảnh Việt Nam sẽ kết nạp thêm các hội viên trẻ, có thể họ chưa có nhiều tác phẩm nhưng đã được đào tạo và học làm Điện ảnh ở nhiều môi trường chuyên nghiệp trong và ngoài nước để thay đổi diện mạo Điện ảnh Việt Nam; Mời nhiều nhà làm phim quốc tế có nền văn hóa gần với điện ảnh Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc về nói chuyện, dạy học và trao đổi kiến thức; Hợp tác với các hãng phim tư nhân để kịch bản được Hội đầu tư trong các trại sáng tác có cơ hội đưa vào sản xuất và công chiếu; Góp ý với chính phủ để có những phương án hỗ trợ, phát triển Điện ảnh Việt Nam nhiều hơn nữa; Hội Điện Điện ảnh Việt Nam trong nhiệm kỳ mới sẽ có những chương trình, chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của những người làm nghề Điện ảnh nhiều hơn.
Biên kịch Đặng Thu Hà – Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam
Mỗi một thời kỳ, một giai đoạn đều có những khó khăn riêng nhưng tôi cảm thấy vui vì dù thế nào đi chăng nữa, qua từng năm Hội Điện ảnh vẫn tổ chức đều đặn các cuộc gặp gỡ, giao lưu chuyên môn để hội viên, những người làm nghề như chúng tôi lại được nhìn thấy nhau và cảm thấy bản thân đang sống giữa bầu không khí nghệ thuật đang tuôn chảy. Tôi chỉ lấy làm hơi đáng tiếc vì vẫn thiếu vắng nhiều hình bóng người trẻ tuổi ở những sự kiện như thế nên sự thay đổi và nhìn nhận lại vấn đề này là điều cần có ở nhiệm kỳ tới. Ngoài ra, làm thế nào để thúc đẩy việc hợp tác quốc tế cũng là rất quan trọng. Tôi thấy hiện giờ có một số tổ chức điện ảnh bên ngoài, có mối liên hệ quốc tế, nhưng làm sao để có thể cùng với nguồn lực của Hội điện ảnh hỗ trợ được những nhà phim bây giờ là rất quan trọng.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy – Chi hội Hãng phim Giải Phóng
Một năm qua tôi theo dự án phim Bão ngầm nên chỉ cập nhật thông tin chứ không được thường xuyên tham gia những hoạt động của hội. Là hội viên, trước tiên tôi xin cảm ơn Ban chấp hành Hội đã quan tâm tới các hội viên bằng rất nhiều những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, bổ ích… cho sự phát triển của hội viên nói riêng, và Hội Điện ảnh Việt Nam nói chung. Trong đó có việc cố gắng duy trì tặng tạp chí Thế giới điện ảnh hàng tháng cho các hội viên.
Song qua thực tế tác nghiệp, tôi nhận thấy vẫn còn đâu đó một thực trạng là quyền lợi của người nghệ sĩ, người làm nghề, trong hoạt động phim ảnh vẫn tồn tại, như: làm việc không có bảo hiểm lao động, lương thấp, chế độ làm việc nặng, bị giảm lương, chậm lương, thậm trí bị xù lương (khi nhà sản xuất thất bại với dự án phim, hoặc phá sản...). Khi cơ sự xảy ra, theo luật có thể kiện ra tòa, nhưng vì yếm thế trong hợp đồng, hoặc khoản tiền mất không phải là nhiều, đa số đều cắn răng cho qua, vì ngại va chạm, mang tiếng, hoặc bất tiện trong thủ tục thưa kiện. Vô hình chung, thiệt thòi luôn thuộc về nghệ sỹ, người lao động.
Trong trường hợp này, liệu tương lai có những giải pháp nào để khi xảy ra sự việc với hội viên, Hội có thể trực tiếp can thiệp triệt để mà không gặp khó về mặt pháp lý, trong việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình?