Dân Việt

3 phương án phải lựa chọn cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Huỳnh Xây 21/09/2020 19:02 GMT+7
Chiều nay (21/9), tại TP.Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các đơn vị tư vấn về phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Ở phương án 1, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đầu tư tận dụng hoàn toàn tuyến quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu cho chiều đi từ Cần Thơ - Cà Mau (2 làn xe), theo đó chỉ đầu tư 2 làn đường cao tốc mới hoàn toàn (hướng từ Cà Mau về Cần Thơ), tổng vốn khoảng 46.200 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.100 tỷ đồng (thu hồi 750ha đất).

3 phương án phải chọn cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại buổi làm việc bàn về phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Phương án 2 là làm một đường cao tốc mới hoàn toàn, không đi trùng quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, mà tách rời tùy theo đoạn với đoạn gần nhất là 100m, xa nhất là 3,5km. Tổng kinh phí thực hiện là 61.000 tỷ đồng (thu hồi 900ha đất).

Phương án 3 là làm một đường cao tốc mới hoàn toàn song song Quản Lộ - Phụng Hiệp khoảng 2km. Tổng kinh phí thực hiện là 56.000 tỷ đồng (thu hồi 800ha đất).

3 phương án phải chọn cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 2.

Lãnh đạo một số tỉnh, thành ĐBSCL ý kiến về các phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành có liên quan gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đều không tán thành phương án tận dụng đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, mà đề xuất chọn phương án 2 hoặc 3.

3 phương án phải chọn cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 3.

Các phương án ban đầu được đưa ra để các đại biểu đánh giá, lựa chọn.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ thêm 3 phương án đã đưa ra để trình Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất.

"Cần nghiên cứu kỹ, cụ thể, chi tiết hơn để xem xét phương án nào hiệu quả nhất cả về kinh tế, an ninh quốc phòng… nhằm báo cáo có tính khoa học, thuyết phục cao nhất", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, việc lựa chọn phương án đầu tư phải theo tinh thần chỉ đạo tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau khi làm việc với các tỉnh thành ĐBSCL hồi đầu tháng 8/2020 vừa qua. Thứ trưởng Nhật cũng lưu ý hạn chế tối đa việc phải thu hồi đất lúa.