Xét về mặt điện ảnh, quả thực Ngô Thừa Ân đã có những tình tiết phát triển tâm lý nhân vật cực kỳ logic, có mâu thuẫn, có nút thắt và người mở nút thắt để từ đó hành trình tu luyện của 4 thầy trò Đường Tăng cứ tiến dần lên những bậc cao hơn.
Xem Tây Du Ký, ai ai cũng nhớ đến những kiếp nạn liên tiếp xảy ra, thuộc tên biết mặt các yêu ma quỷ quái nhưng sẽ rất ít người để ý đến những tình tiết bên lề. Đường Tăng có công rất lớn trong việc thuần hóa bản tính và bản năng của Tôn Ngộ Không, tuy nhiên lẽ đời là thế, đôi khi vì một phút nóng giận mà gạt bỏ điều hay, phải đến khi có người thứ 3 đưa ra lời khuyên thì tâm lý và nhận thức mới có chuyển biến.
Bức tranh ở Thủy Tinh Cung và bài học khiến Tôn Ngộ Không chân chính quy y
Ban đầu trở thành đại đồ đệ của Đường Tăng, hầu tử vẫn còn nhiều phần ngông cuồng. Lần đó giữa đường gặp sáu tên cướp bèn dùng gậy Như Ý đập chết cả sáu khiến Đường Tăng kinh hãi, trách móc Ngộ Không tàn ác không có đức hiếu sinh. "Ngộ Không vốn xưa nay vẫn không chịu nổi mắng nhiếc, thấy Tam Tạng lải nhải mãi, không nén được bực tức", bèn cưỡi mây bay vù về phương Đông, bỏ Đường Tăng lại một mình. Điều này cho thấy tâm của Ngộ Không vẫn chưa hoàn toàn hướng Phật, hướng về sư phụ.
Khi đó Tôn Ngộ Không đến thẳng Đông Dương đại hải, than thở với Long Vương một cách đầy bất mãn về sư phụ, cho rằng "Đường Tăng không biết tính ta, có mấy thằng giặc cỏ chặn đường bị ta giết chết, mà Đường Tăng cứ càu nhàu mãi, nói ta như vậy là sai". Cho tới lúc này, Ngộ Không vẫn nghĩ giết người là mình đúng.
Uống được chén trà, Tôn Ngộ Không quay đầu ngắm nghía bức tranh "Cầu Dĩ dâng giày" treo phía sau bèn ý nghĩa, Long Vương cũng thẳng thắn mà đáp:
- Vị tiên này là Hoàng Thạch Công. Còn người kia là Trương Lương nhà Hán. Thạch Công ngồi trên Cầu Dĩ, bỗng bị rơi giày xuống chân cầu, bèn gọi Trương Lương nhặt hộ. Trương Lương nhanh nhẹn đi nhặt mang lên, quỳ dâng trước mặt. Ba lần như vậy, Trương Lương không chút tỏ ra lười biếng kiêu căng. Thạch Công quý mến Trương Lương cần cù lễ độ, nên đến đêm trao cho Trương Lương một cuốn thiên thư, và bảo giúp cho nhà Hán. Về sau, quả nhiên Trương Lương mưu tính trong màn trướng mà quyết đoán được sự thắng bại ở nơi nghìn dặm. Sau khi thái bình rồi, ông ta từ quan vào núi, theo Xích Tùng Tử học được đạo tiên. Đại thánh ạ, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được!
Ngộ Không nghe nói, ngẫm nghĩ hồi lâu, chẳng nói năng gì. Long vương nói:
- Đại thánh nên xét kỹ, đừng thích phóng khoáng mà để lỡ các công việc về sau nữa.
Lúc này Ngộ Không mới gàn Long Vương, không bàn luận gì thêm về bức tranh, chỉ thông báo: "Ta đi hộ vệ Đường Tăng đây". Đây cũng chính là bước ngoặt trong quá trình phát triển tâm lý của Ngộ Không, miệng không nói gì nhưng trong lòng đã ngộ ra chân lý, chân chính quay đầu, quy y cửa Phật. Lời khuyên của Long Vương quả chí phải, nếu không phò tá Đường Tăng, Tôn Ngộ Không có tu nữa, tu mãi cũng chỉ là một con yêu quái trong Tam Giới, bị Thiên Đình ghét bỏ.
Nếu không tình cờ thấy được bức tranh ấy, Ngộ Không đã chẳng ngộ ra chân lý rồi chân chính bước lên con đường tu luyện
Nói một cách cụ thể thì sự cố này vô cùng đặc biệt. Nó đánh dấu khởi đầu thực sự của hành trình tu luyện của Ngộ Không, từ lúc này Hành Giả mới chân chính thực lòng muốn tu thành chính quả. Vì sao lại nói như vậy? Trước đây, khi Ngộ Không nhận lời với Quan Thế Âm Bồ Tát phò tá người đi lấy kinh, đó chỉ là quyết định có phần miễn cưỡng, cốt để thoát cái nạn núi đè mà thôi. Khi Bồ Tát hứa rằng người đi lấy kinh sẽ cứu Ngộ Không, gã chỉ đáp liến thoắng: "Vâng ạ! Vâng ạ!" (Trích Tây du ký, hồi thứ tám). Sự "liến thoắng" này cho thấy lời nói chưa hề trải qua quá trình suy ngẫm cẩn thận. Chính vì thế, mới lần đầu bị Đường Tăng mắng, Ngộ Không đã tức không chịu được, bay thẳng về Đông rồi. Lúc Long Vương hỏi về chuyện quay về Hoa Quả sơn, Hành Giả mới nói lộ ra cái 'tim đen' của mình: "Ta cũng muốn như thế, nhưng lại phải làm hòa thượng".
Vậy nên, sự cố "Ngộ Không ngắm tranh" mới có ý nghĩa đặc biệt đến thế. Nếu không có đoạn đường này, Ngộ Không sẽ không thể liều mình xông pha bảo hộ Đường Tăng trên đường đi lấy kinh, cả hai thầy trò đều không thể tu thành chính quả. Trong câu chuyện này, công lớn thuộc về Long Vương, ông đã thuận theo cá tính của Đại Thánh mà lựa lời khuyên nhủ.
Ấy mới biết, Tây Du Ký một chữ cũng không thừa!