Dân Việt

An Giang: Lấy nông nghiệp và du lịch làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế

Hồng Cẩm 23/09/2020 11:19 GMT+7
Từ ngày 23-25/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) chính thức diễn ra.

Mục tiêu nhiệm kỳ mới được Đảng bộ xác định là: Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế phát triển thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó lấy nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển.

Một nhiệm kỳ với nhiều kết quả nổi bật

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020), 5 năm qua toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh An Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

An Giang: Lấy nông nghiệp và du lịch làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng lớn tại An Giang

Kết quả, 5 năm qua Đảng bộ đã tập trung nguồn lực thực hiện đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu Nghị quyết, 5/15 chỉ tiêu đạt trên 80%. Kinh tế tăng trưởng qua từng năm, phù hợp với nguồn lực của địa phương. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 5,25% (giai đoạn 2010 - 2015 đạt 5,07%). Quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2020 đạt 89.362 tỉ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2020, khu vực I chiếm 32,86%, khu vực II chiếm 14,4%, khu vực III chiếm 49,09%.

Đặc biệt, nhiệm kỳ qua môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các chỉ số cải cách hành chính, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều tăng qua từng năm. Đến năm 2019 chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) xếp hạng 11 cả nước, Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) hạng 21, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hạng 21.

An Giang: Lấy nông nghiệp và du lịch làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân thăm điểm trưng bày hàng Việt tại siêu thụ Tứ Sơn, Châu Đốc

Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 1 năm so chỉ tiêu Nghị quyết. Đến nay tỉnh có 61 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tương đương 1.910 USD (tăng 16 triệu đồng so năm 2015); tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93%, giảm bình quân 1,5%/năm.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; tổ chức bộ máy bước đầu được tinh gọn, nâng chất, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả…

Lấy nông nghiệp và du lịch làm nền tảng:

Theo báo cáo chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X, trình Đại Đại hội đại biểu lần thứ XI, nhận định thuận lợi của tỉnh là: An Giang được xác định là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long; Chính phủ từng bước ban hành những cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng ngày càng được cải thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và kết nối giao thương với các tỉnh trong và ngoài vùng.

An Giang: Lấy nông nghiệp và du lịch làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Trong nhiệm kỳ mới An Giang xác định lấy nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế

Định hướng phát triển nông nghiệp và du lịch được xác định rõ ràng và đúng hướng; các chủ trương thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này ngày càng phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu. Cùng với việc thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào các ngành chủ lực của tỉnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch, bất động sản... là tiền đề quan trọng để tạo ra những động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ những thuận lợi trên, Đảng bộ tỉnh An Giang xác định mục tiêu tổng quát phát triển giai đoạn 2020 – 2025 là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh.

Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước".

Từ mục tiêu đó, quan điểm phát triển của tỉnh là phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng- an ninh là trọng yếu, thường xuyên. 

Trong đó đặc biệt lấy nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển.

An Giang: Lấy nông nghiệp và du lịch làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Lấy dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển.

Song song đó, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh.

Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.

Để thực hiện được mục tiêu đổng quát trên, trong nhiệm kỳ mới tỉnh xác định tập trung vào 3 khâu đột phá: Thứ nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch. Thứ hai là nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thứ ba là, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.