Xóm giữa làng có bốn đứa trẻ cùng cầm tinh con gà. Năm ấy Tân Dậu, thiên hạ bảo là năm con gà vàng. Ba đứa "oe…oe…" ở trạm xá làng; đứa kia được đón tay trước vài tháng, tạm coi gốc đa làng là nhà hộ sinh. Hai đứa một mai sẽ "cục… tác… vừa đau… vừa… hát…" tên Doan, tên Chi; hai đứa "ò… ó … o" tên Tăng, tên Được.
Một buổi chiều, bốn đứa trẻ lê la, chí chóe đầu ngõ. Có ông ăn mày đi qua dừng lại nhìn lũ trẻ, ngó đầu qua bờ dậu hỏi người lớn đang cuốc vườn. Người lớn rốn vài nhát cuốc mới nói tên tuổi "lũ gà qué". Ông ăn mày cười tủm: "Bọn này lớn lên rồi bới dãi gớm lắm đây". Nói rồi ông xốc bị đi vùn vụt. Người lớn quệt mồ hôi trán, cười khẩy: "Nói mới hay. Đã mang kiếp gà qué thì muôn đời bới dãi thôi".
Tôi tên Được.
* * *
Bờ ao nhà tôi có cây sung nghiêng ra gần giữa ao, thân cây lớn, cành ken hai bên như lan can cầu tre, rảo bước từ gốc lên chạc ba ngọn không sợ ngã. Mẹ tôi kể ngày về làm vợ bố tôi đã thấy cây sung bóng rợp bờ ao, vô thiên lủng chùm quả. Mẹ Chi, mẹ Tăng mỗi lần có chửa thì cây sung nhà tôi là nồi cơm tám. Đến bữa ngửi thấy mùi cơm là các mẹ ôm bụng nôn ọe nhưng cầm trên tay chùm sung xanh thì gương mặt tươi rói, miệng nhai rau ráu như voi ăn rau diếp. Có đêm các mẹ giãy nảy, các bố phải sang nhờ bố tôi soi đèn pin để lên cây hái quả. Mẹ tôi thì khác, mỗi lần đến cơn ăn nghén cây khế chua góc vườn nhà Chi là món " giắt lưng quần". Ban ngày ngồi gốc cây ăn chán chê, mẹ hái cả rổ về ăn đêm.
Phải nói sung là giống cây hiền lành, tử tế nhất trong muôn loài cây. Trẻ con lấy nhựa phất diều, dán bìa sách vở; người lớn lấy nhựa bẫy chim, bồi quạt giấy… Lưỡi dao văm vào thân cây nhựa tứa ra, thoạt đầu trắng đục rồi cô sệt đổ màu máu chết. Không tài nào đếm xuể những vết chém trên thân, cành sung. Đau đớn tột cùng cây sung vẫn bốn mùa xanh vòm tán, mùa quả chùm nối chùm dày đặc từ gốc lên ngọn. Bây giờ công nghệ phát triển, bẫy chim, bồi quạt, phất diều… đã có nhựa hóa học. Cây sung thôi bị chém, những vết dao đã lên sẹo, nổi u cục như dấu ấn một thời vô tư dâng hiến, đau đớn và tự hào.
Những buổi học nhóm, "lũ gà qué" chúng tôi học lấy được để có thời gian làm món nộm sung. Món nộm sung gồm quả sung xanh, muối trắng, ớt, thính gạo rang, dấm hoặc vài ba quả khế chua. Chi và Doan được mẹ tôi sang tai cho món tủ. Lạ một điều, bữa nộm nào Chi thái ớt thì Tăng khen hết lời, hôm nào Doan giã thính tôi chỉ muốn chén tất. Có lần ớt với thính là nguyên nhân khiến Chi và Doan giận nhau mất mấy ngày; thính Doan ớt Chi khiến tôi và Tăng cầm thước kẻ, compa đuổi nhau quanh bờ ao, may không lộn cổ xuống ao.
Những bữa nộm sung bao giờ cũng diễn ra bên gốc sung. Có một buổi chiều bữa nộm sung diễn ra sớm hơn mọi lần. Bốn đứa ngồi dạng te thi nhau bốc. Đang nhai ngon lành tôi thấy miếng nộm ứ lại trong cổ họng. Mặn cay chua chát dâng lên cay xè con mắt. Tăng hắng giọng kẻ cả: "Tham bốc cho đẫy vào. Cho biết đời". Chi, Doan đưa mắt nhìn tôi. Lòng dạ nao nao, tôi biết không thể không nói ra điều chợt nhớ: "Ngày còn sống bố tớ toàn uống rượu với sung xanh chấm muối ớt". Chi líu lo: "Bố tớ hay nhắm rượu với chuối xanh trộn khế chua, lá răm. Bữa nào bố cũng hết cả bát tô". Tăng liếc mắt qua tôi sang Chi: "Tại rượu nhà hắn ngon nhất làng. Hay là hắn về lấy cho chúng tớ thử một tí".
Nhà Chi khá giả nhờ có nghề nấu rượu và nuôi lợn. Chi về một lúc trở sang với chai rượu nút lá chuối khô. Tăng túm cổ chai, bật nút dốc một ngụm, huơ chai: "Xoay vòng". Tôi tu một ngụm đưa cho Chi. Chi nhâm nhi, liếm môi ra vẻ sành điệu. Doan ghé miệng chai hít hít, nhăn mặt nuốt đánh ực. Tôi thấy ruột gan như có đống lửa, mạch máu hai bên thái dương rần rật. Nhìn sang, mặt Chi đỏ bừng, hai mắt long lanh. Doan đỏ từ vành tai xuống tận cánh tay. Tăng bốc miếng nộm, quay sang ôm vai Doan, nhồm nhoàm: "Thằng Được nó … mê…". "Ứ... thèm… vào…".
Doan chạy vút lên cây sung, đến chỗ chạc ba dừng lại ôm cành chân dậm, tay rung. Mấy con chào mào đang chọn quả bị động bay vù đi. Đang mùa sung chín, cơ man quả rơi xuống ao, liên thanh tiếng "bum… bủm…". Đàn cá nhao lên đớp mồi, có con bị quả sung rơi trúng đầu bật lên rơi đánh tõm. Cây sung nhà mình mà lần đầu tiên tôi mới chú ý đến "toàn cảnh" cành rung quả rụng. Tiếng cành xao, quả rơi mới thích mắt, vui tai làm sao. Tôi bị hút hồn lên cây. Doan trên kia, quần cộc áo cộc, mặt đỏ bừng, mắt long lanh, chận dậm tay rung như một vũ công đang biểu diễn màn múa rung cây. Đẹp mê ly.
Cây sung nhà tôi bao nhiêu là tuổi rồi mới lần đầu tiên được chứng kiến cơn "không vui" của cô bé vừa đến tuổi dậy thì. Tôi chợt nghĩ cây sung già biết hết những vui buồn, dỗi hờn, nhí nhảnh trẻ con của "lũ gà qué" chúng tôi. Đích thị cây sung nhà tôi là một bậc chứng nhân thâm trầm, sâu sắc. Tôi vùi kín điều chợt nghĩ ấy trong bộ nhớ.
Cho đến đêm trước ngày Tăng nhập ngũ. Ở nhà Tăng đến khuya vãn khách, "lũ gà qué" kéo nhau sang bờ ao nhà tôi. Tăng độc chiếm chỗ ngồi giữa gốc sung. Ưu tiên cho hắn. Đợt tuyển quân đặc biệt, sau lễ tiễn đưa tân binh sẽ xuống tàu ra đảo. Chi thủ thỉ: "Hắn nhớ ra đến đảo mới được mở gói ấy. Bạn bè khen chê thế nào phải "a lô" ngay cho chúng tớ".
Gói ấy là nộm sung, buổi chiều ba đứa hí húi làm, gói lá sen bọc ngoài bằng nilon; dễ đến năm, sáu ký. Tăng nhìn lên ngọn cây, quay nhìn ba đứa, ấp bàn tay lên gốc sung: "Cụ sung này thiêng lắm. Cụ biết bọn mình từ ngày còn trong bụng mẹ. Có chuyện gì chưa thể nói với ai cứ ra với cây. Cụ sung biết hết. Tớ đã thử mấy lần rồi. Các hắn không tin cứ thử mà xem".
Lời Tăng nói giống hệt điều tôi nghĩ từ mấy năm trước. Có lẽ trong bữa rượu trẻ con năm ấy, hai thằng tôi cùng một ý nghĩ và cùng vùi kín trong lòng. Cảm nhận từ tuổi thơ dại được thời gian thử thách, kiểm nghiệm đến tuổi trưởng thành mới nói ra. Thật hết cãi.
Ít lâu sau cây sung được chứng kiến hai cuộc chia tay, đồng nghĩa với sự trưởng thành của đôi "gà mái". Doan đỗ trong tốp 10 khoa Văn Đại học Tổng hợp. Doan đi ngày trăng tròn. Ngày hôm trước xế trưa trời đổ mưa, buổi tối trăng sao vằng vặc. Ba đứa ngồi vắt vẻo trên cây sung. Chi bày trò soi gương mặt nước. Bỗng con cá quẫy đớp bóng trăng làm mặt ao dậy sóng, "gà qué" méo xệch mặt mũi. Bọn tôi cười phá lên. Mẹ tôi ngồi trên hiên bện chổi nói với ra: "Khéo cười rồi lộn cổ xuống ao". Mẹ quá lo xa. Suốt thời trẻ con, bây giờ cả lũ lớn tướng vẫn leo trèo, nhảy nhót nhưng chưa từng một lần lộn cổ.
Ba tuần sau Chi có giấy gọi nhập Trường Cao đẳng Kinh tế. Trước hôm đi, Chi rủ bạn gái lên cây sung chọn quả chín. Trên tít ngọn cây Chi nói xuống với tôi: "Trừ hắn ra, tớ thường xuyên được về với cụ sung. Tuyệt vời tớ nha". Trường cao đẳng cách nhà hơn hai chục cây số. Chi nhận giấy báo hôm trước, hôm sau bố Chi mua cho chiếc xe máy xịn.
* * *
Không lòng nào bước qua ranh giới giữa đầu ngõ và đường cái, cho dù lũ bạn "a lô" ra hội trường thôn xem bóng đá và trước đó là lời hẹn với Doan. Bố Tăng vừa đi qua đầu ngõ. Ông dừng lại bẻ cành tre, tay vung miệng hô "Chát xình… Nhiệt liệt… chát xình…". Sáng sớm, bản tin thời tiết báo áp thấp nhiệt đới gần bờ. Hai năm nay, mỗi khi trái gió trở trời là bố Tăng lại lên cơn thần kinh. Thường ông ôm đầu vật vã trên giường, đôi khi lang thang trên đường hô như hát điệp khúc "Nhiệt liệt… chát… xình". Lắm bận trẻ con bám theo thành đoàn rồng rắn như đi cổ động nhân ngày kỷ niệm hay phát động phong trào gì đó.
Tôi trở về nhà, nghe tiếng gió lao xao mới biết đã đến bên gốc sung. Gió đã trở hướng mạnh lên từ lúc nào rồi. Nghe riêng được tiếng lá sung va nhau. Lá sung dầy, to bản, ram ráp, có những nốt sần diệp lục nên tiếng lá nghe nằng nặng, khắc khổ. Cây lặng lẽ cho tôi tựa gốc. Tôi cảm giác dòng nhựa cây chảy thất thường, có lúc như ngừng lại. Đúng vào giây phút ấy tôi nghe rõ tiếng lòng mình bật lên nghèn nghẹn: "Sung ơi…".
Cây sung nhà tôi đã biết rồi, từ lúc sự việc ấy còn manh nha.
Doan biết rồi. Một tháng nghỉ hè hai lần Doan ra đường gặp bố Tăng "chát xình… nhiệt liệt…". Doan chạy vào kéo tôi ra gốc sung. Một lần trưa nắng chang chang. Một lần khuya khuya mưa bay bay.
Chi đương nhiên là biết. Biết từ cái chặp chiều thứ bảy nào cũng xúng xính váy áo, vù vù xe máy.
Chỉ có Tăng là chưa biết. Chính tôi muốn thế. Tôi cấm các em Tăng, Doan… tuyệt đối không để Tăng biết. Con tàu của Tăng đang hành tiến vào vùng biển động.
Đường làng được mở rộng nâng cấp thành đường liên huyện. Đất mặt đường đội giá chóng mặt. Nhiều nhà đổi đời nhờ tiền đền bù, bán đất, mở hàng quán. Nhà Tăng có mảnh vườn mặt đường nhiều người hỏi mua. Bố Tăng cho đây là cơ hội giúp con trai thực hiện ước mơ. Tăng đã "lập trình" tương lai. Tốt nghiệp phổ thông - hoàn thành nghĩa vụ quân sự - về quê sắm dàn máy cày. Làng đã dồn điền đổi thửa rất cần cơ giới hóa việc đồng áng. Thợ cày đang rất cao giá... tiền và tình... Anh em lọt sàng xuống nia, bố Tăng nhượng mảnh vườn cho bố Cần, hàng em họ thân bên ngoại. Hôm trước làm thủ tục sang nhượng, sáng hôm sau thợ đến giác móng. Nhìn dấu móng bố Tăng thấy không như lời bố Cần nói khi hỏi mua đất. Biết ý ông anh, bố Cần giãi bày việc kín trong nhà. Thằng Cần hai lần thi trượt vẫn chưa thôi mộng đại học. Sau tết nó ôm bọc tiền lên thành phố vào lò luyện thi chất lượng cao. Làm cha mẹ ai cũng dốc lòng vì con cái, đã đâm lao thì phải theo lao. Lần này nữa thi đỗ thì cố cho theo lấy tấm bằng, lại "vỏ chuối" thì mua miếng đất, dựng cho gian nhà, mở cho cái quán. Ngần ấy tuổi đầu rồi làm lấy mà ăn, mà chơi. Bố Tăng cứ lăn tăn ý nghĩ bị đánh lừa.
Mấy đứa cùng đi ôn thi nhập trường cả tháng thằng Cần mới về. Mà không về một mình. Xe taxi đỗ đầu ngõ nhà Chi. Thằng Cần hớn hở như trúng số độc đắc. Chi chìm lút trong áo chống nắng vẫn không giấu được "đường cong" bụng em bé. Bố Chi sập cổng để mặc con gái đứng với chiếc valy đã trở thành kỷ niệm sinh viên. Mẹ Chi khóc lóc vật vã, hàng xóm năn nỉ mãi bố Chi mới chịu mở cổng.
Doan được nghỉ ba ngày lễ. Buổi tối hai nhà bàn việc cưới xin. Ba đứa tôi ngồi với cây sung. Doan dỗ dành một hồi Chi thôi khóc, gắt tôi lên hái sung. Chi vừa chén sung xanh vừa kể như là chuyện của ai đó. Nó bảo tội gì phải ở ký túc xá. Anh thuê phòng rộng thênh thang có đầy đủ tiện nghi. Em cứ thử xem. Tội gì phải ăn cơm căngtin, vừa đắt lại không an toàn thực phẩm. Em thử ăn cơm anh nấu xem nào… Ừ thì thử phòng, thử ăn… À cái xe máy nó bảo cho thầy giáo mượn mấy hôm… Một lần nữa tôi là tên "độc tài" cấm Doan, các em không được báo tin ra đảo nàng về dinh liền giậu nhà Tăng.
Vợ chồng Cần năng động kinh doanh, ngoài hàng ăn mở thêm phòng cà phê - ka ra ô kê, phòng chơi gêm. Vị trí đắc địa, nhà hàng có sân sau, vườn cảnh tấp nập khách ra vào. Hát - uống - ăn - chơi; chơi - ăn - uống - hát. Vòng đèn cù quay tít. Mười ngày như một, bất kể nắng mưa, sáng sớm Cần đã mở loa "chát xình" hết cỡ để câu khách. Mười một, mười hai giờ khuya vẫn "chát xình" ầm ĩ.
Nhà bố Tăng cách phòng hát bờ giậu cúc tần, cửa sổ phía ấy đêm ngày phải đóng kín. Thoạt đầu bố Tăng khó ngủ rồi sinh bệnh mất ngủ. Một đêm mất ngủ, ông ra vườn vô tình nhìn thấy trai gái ôm ấp nhau trong vườn cảnh nhà hàng. Bố Tăng gọi Cần sang nhắc nhở. Cần thản nhiên: "Thời buổi bây giờ nó thế. Hay bác xây bức tường ngăn cho êm con mắt…". Bố Tăng mua vật liệu, gọi thợ xây. Buổi chiều thợ cố cho hết mẻ vữa. Bố Tăng tham gia bưng gạch. Bưng đến chuyến thứ ba ông hoa mắt vấp ngã đập đầu vào bức tường mới xây, cả khối gạch đè lên người ông. Ba tháng nằm viện bố Tăng về nhà, đem theo di chứng chấn thương thần kinh. Thuốc men, viện phí ngốn đến nghìn bạc cuối cùng của món tiền bán đất.
Mẹ ới ra có điện thoại tôi mới nhớ lúc đi để "con dế" trên mặt bàn. Mẹ đón tôi trên hiên: "Cái Doan nó gọi. Chả biết có chuyện gì mà tiếng tăm lạ lắm". Tôi áp con dế lên tai. Tiếng Doan thật khác: "Sang ngay nhà Chi". Tôi vù xe đạp sang nhà Chi. Từ ngoài ngõ đã nghe trong nhà Chi ồn ào tiếng người. Doan đón tôi, kéo ra góc sân: "Tớ đang định sang nhà hắn thì cái Mai gọi điện thoại bảo sang ngay. Hai ngày không thấy chị gái bế cháu về chơi, Mai ra hỏi. Thằng Cần chìa ra tờ giấy bảo bế con đi ba ngày rồi. Mai bảo cho xem thư. Thằng Cần nhăn nhở xé vụn ném tung. Bố mẹ Chi đã điện thoại cho người nhà ở Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Nẵng…". Tôi đưa điện thoại cho Mai bảo cài số của người nhà, các bạn xa gần của Chi và dặn không được báo tin này cho Tăng. Tôi vào nhà với bố Chi, các bác hàng xóm sang chia sẻ việc không hay. Doan vào buồng với mẹ Chi một lúc trở ra nháy tôi chào mọi người. Tôi hứa với bố Chi sẽ tìm mọi cách liên lạc với các bạn của Chi, có tin gì sẽ lập tức sang nhà.
Vừa qua cổng nhà Chi, Doan găn gắt: "Sao hắn trướt hẹn tớ?". "Hàng xóm nhờ chỉnh tivi bị mất kênh. Vừa xong thì hắn gọi". Lần đầu tiên nói dối bạn gái, tôi chữa ngượng đập tay vào chiếc cặp trong tay Doan: "Hắn sắm cặp xịn để nay mai làm sếp chứ gì". Doan mở hé cặp đưa lên sát mắt tôi: "Tiền đấy". Doan không nói đùa. Trong cặp có hai tập tiền loại một trăm nghìn còn nguyên dấu.
Món tiền ấy liên quan đến sự việc xảy ra từ ngày còn lâu "lũ gà qué" mới được "oe… oe…" chào đời. Năm một nghìn chín trăm sáu nhăm, máy bay Mỹ ném bom đê sông Lăng, một quả rơi lạc xuống thửa ruộng cánh vàn nội đê. Hố bom rộng và sâu, chua phèn xộc lên, lau lách mọc cằn cỗi. Tiếc đất hoang, ông bà Chuông làm đơn xin phép khai hoang. Ngót tháng trời ông bà gánh đất san lấp, hố bom thành thửa ruộng hơn năm trăm mét vuông. Đến thời khoán ruộng, hết hạn sử dụng đất khai hoang, ông bà trả lại tập thể. Làng thực hiện dồn điền đổi thửa, nhà Doan bốc thăm trúng thửa ruộng ấy. Sau vụ gặt công ty thủy nông nắn dòng sông Lăng, thửa ruộng nhà Doan được quy hoạch làm nền trạm bơm chín vòi. Chính sách đền bù thông thoáng, mẹ Doan nhận một phần tiền mặt và phần ruộng tốt cánh đồng gần.
Ông Chuông tắt tivi, vồn vã tiếp chúng tôi như những người bạn vong niên. Doan thưa với ông ý nguyện của hai mẹ con và đặt lên mặt bàn gói tiền: "Xin ông nhận cho mẹ con cháu được vui". Chúng tôi nói mãi ông Chuông mới chịu nhận. Ông nói: "Không nhận thì mẹ con cháu không bằng lòng. Các cháu có nhớ ngôi mộ vô chủ cuối bãi Bàng không?". Doan nói: "Cháu nhớ. Ngôi mộ ấy thâm thấp, toàn cây khúc bò. Ngày còn đi chăn trâu bọn cháu hay đến tìm quả khúc bò chín". Ông Chuông gật đầu: "Cháu nhớ đúng lắm. Chiều nay thả bò ngoài bãi ông thấy đường nước vào trạm bơm đào sát ngôi mộ vô chủ. Bao nhiêu năm dầm dề góc bãi, giờ có là bùn đất thì cũng từng là con người. Biết đâu con cháu lại chẳng đang đau khổ việc tìm kiếm. Món tiền mẹ con cháu đưa ông sẽ bàn với bà con mua vật liệu, khắc tấm bia, xây cất cho người ta đàng hoàng". Trước lúc ra về tôi nói với ông Chuông: "Khi nào dựng việc ấy ông gọi cháu với nhé". Ông Chuông vỗ vỗ đầu tôi: "Việc làng xóm sớm muộn sẽ đến tay các cháu. Không gọi cháu thì gọi ai".
Đường về Doan trở nên khác lạ. Cắm cúi đi. Đi như chạy gằn. Như không có tôi đi cùng. Đến ngõ nhà Doan không rẽ về. Đến ngõ nhà tôi Doan cũng không dừng lại. Tôi định níu hỏi nhưng lại thôi. Câu hỏi sẽ bay tút vào không gian hoặc được găn gắt: "Hỏi… Không biết người ta đang… ấy à". Im lặng mà đi thôi. Người ta đang tâm trạng. Người ta là con gái mà.
Chúng tôi dừng lại bên gốc cây đa đầu lối vào chợ làng. Thật ra Doan dừng lại trước, phía sau tôi bị động dừng theo. Doan đứng như áp mặt vào thân cây, bàn tay nắm chặt chùm rễ buông: "Làng sắp hạ cây đa này phải không?". Tôi không quên, chỉ là để việc ấy nằm trong vùng sâu kho ký ức. Hơn hai mươi năm trước mẹ Doan đi chợ sớm. Đến gốc đa thấy có chiếc làn nhựa đỏ đặt bên chùm rễ buông, bà nghĩ đấy là làn đồ bạn chợ đi trước đặt đấy đi đâu dó, bà trở vai gánh hàng đi tiếp. Tức thì trong làn bật lên tiếng khóc trẻ con. Giây lát trấn tĩnh, bà hạ gánh bước lại. Bé gái nằm trong chiếc làn có chăn lót, áo quần đầy đủ. Chiếc làn có sợi dây buộc vào chùm rễ buông đề phòng bé giẫy chiếc làn bị lật, chứng tỏ kẻ bỏ con còn có chút lương tâm. Doan về làm con út trong gia đình đông con từ buổi sáng ấy.
Cây đa - "nhà hộ sinh" thứ hai của Doan có tuổi hơn hai trăm năm. Quy hoạch nông thôn mới, chợ làng được nâng cấp thành chợ khu vực, mở rộng đoạn đường từ bến sông qua chợ bắt vào huyện lộ. Cây đa lọt vào tim đường. Tôi nói với Doan: "Chính quyền đã mời chuyên gia về khảo sát. Khả năng di chuyển cây là rất thấp. Hắn khỏi buồn đi. Cây đa đã có hình ảnh 3D và mô hình trong nhà truyền thống". Doan dựa hẳn người vào chùm rễ buông, tựa hồ không có điểm tựa ấy Doan sẽ gục xuống: "Nhưng nếu… nhớ tìm về… Không còn dấu tích để tìm…". Tôi bước lại gần Doan hơn: "Tớ tin mẹ hắn không quên. Mất cây đa nhưng còn cây gạo đầu làng. Cho dù mất hết dấu tích vật chất thì vẫn còn dấu lòng người". Doan mở cặp đưa cho tôi con dao: "Mẹ tớ kể sợi dây buộc vào chùm rễ buông thứ ba từ trái sang".
Cây đa có nhiều chùm rễ buông, tôi đếm từ bên trái, chính là chùm rễ Doan bám dựa. Chùm rễ thứ ba có rất nhiều tia rễ, tôi chọn cắt một khúc của tia rễ tròn đã găm vào lòng đất: " Hắn cất đi". Doan run run tay đón khúc rễ tôi vừa cắt, ngước nhìn vòm cây một lúc rồi cất khúc rễ vào cặp: "Về với cây sung… Mai tớ phải đi sớm".
Chúng tôi thong thả bước. Chẳng việc gì phải vội. Bao nhiêu năm rồi, dù chúng tôi đi đâu về đâu, sớm muộn thế nào, cây sung cũng không nửa lời trách cứ. Như bao nhiêu năm cây đứng đó thấu tỏ tâm trạng chúng tôi, tỏa bóng con đường chúng tôi đi. Ngày mai Doan có chuyến đi thực tế dài ngày với tư cách nhà văn trẻ. Ngày mai trong hành trang của Doan có khúc rễ của cây đa làng, có cả tiếng "chát xình… nhiệt liệt…", nước mắt của em gái Chi… Đương nhiên có cả bọc quả sung xanh, những gói gia vị làm món nộm sung xanh mẹ tôi đã sắp cho từ buổi chiều. Và đêm trăng sáng, đường khuya…
* * *
Lập trình tương lai của Tăng có đột biến tuyệt vời. Ra quân Tăng được tỉnh đoàn chọn đi đào tạo cán bộ nguồn. Ngày khai giảng còn xa, Tăng đưa bố đi bệnh viện. Tôi phải nói mãi hắn mới đồng ý cho đi cùng. Trong tuần nằm viện đầu tiên, bố Tăng ba lần "chát xình" quanh vườn hoa bệnh viện. Tuần tiếp theo ông ôm đầu ngồi bó gối trên giường hai ngày liền. Hết đợt điều trị theo yêu cầu, bác sĩ trưởng khoa gặp riêng hai chúng tôi. "Khám tổng thể ông nhà ta không có vấn đề gì. Với di chứng thần kinh như ông, thuốc men chỉ là thứ yếu. Thứ thuốc tốt nhất cho ông là sự yên lành môi trường sống''. Tăng đồng ý với lời khuyên của bác sĩ, xin cho bố ra viện.
Buổi tối xem bóng đá ở hội trường thôn. Gần cuối hiệp một, Tăng bảo tôi: "Đi đằng này với tớ". Tôi định chối nhưng nhìn vào mắt Tăng linh cảm có việc quan trọng. Đi nhưng đầu óc để cả vào đội quân Man đỏ, Man xanh. Hai thằng quanh quẩn ngoài cửa hàng nhà Cần một lúc thì hết khách. Tăng kéo tôi nhanh bước vào trước khi thằng Cần bấm nút đóng cửa xếp. Cần ra vẻ xởi lởi: "Hai bác hạ cố, dùng gì em sắp ngay". Tăng chủ động bước lại chiếc bàn góc nhà hàng, ra hiệu cho tôi ngồi và chỉ chiếc ghế, quắc mắt với Cần: "Ngồi xuống". Tăng vẫn đứng: "Nghe đây. Chi là bạn tao, mày là em tao. Hai đứa yêu đương thế nào tao ở xa không biết. Bây giờ Chi là vợ mày, con Chi là cháu tao". Tăng lấy trong túi ra tấm ảnh đặt lên mặt bàn: "Tấm ảnh này giúp tao nguôi nỗi nhớ nhà, yên tâm hoàn thành nhiện vụ. Thế mà mày đối xử đến nỗi bạn tao phải bế con đi. Mấy tháng nay mẹ trẻ con thơ biệt tích. Bố mẹ lo buồn phát ốm, các em học hành chểnh mảng. Đấy là việc thứ nhất. Pha cho chúng tao ấm chè. Tiền nong đàng hoàng".
Thằng Cần đứng lên cun cút đi vào gian trong. Tôi nhận ra tấm ảnh Doan chụp mẹ con Chi đứng bên gốc sung nhà tôi. Trong tủ nhà tôi cũng có tấm ảnh như thế. Mỗi lần nhìn tấm ảnh mẹ tôi bần thần: "Ước gì…", có lúc lại thở dài: "Giá mà…". Thằng Cần bưng khay trà ra, Tăng chủ động đón lấy, rót ra ba chén, nhấp một ngụm, đứng lên ngay: "Việc thứ hai. Mày kinh doanh bia bọt, gà qué, chó mèo thế nào mặc kệ mày. Nhưng mày bất chấp quy định của chính quyền, hương ước dòng họ. Mấy đứa tuổi em, tuổi cháu ngoan ngoãn, học hành giỏi giang bị mày rủ rê sinh hư hỏng. Mày dùng tiền đấm đút chỗ này chỗ kia để được tiếng trong sạch. Với tao thì khác. Nếu mày không mau chóng chấm dứt những trò bẩn thỉu tao sẽ đốt quán mày. Tội cố ý đốt nhà đi tù từ ba tháng đến rất nhiều tháng. Tao ra tòa cả làng sẽ ký đơn xin giảm án cho tao, bố mẹ mày là người ký đầu tiên". Tăng rút trong túi ra tờ một trăm nghìn đặt xuống mặt bàn: "Trả tiền ấm trà. Đây là đồng tiền cuối cùng của phụ cấp lính đảo. Không cần trả lại".
Ra khỏi quán một quãngm Tăng níu tôi đi chậm lại: "Hắn có để ý không. Từ lúc tớ đặt tấm ảnh lên mặt bàn thằng Cần khác hẳn, mặt nó nhợt đi, hai mắt chớp chớp. Lúc đi pha trà, nó len lét ngoái lại. Từ hôm về tớ để ý thấy nó buồn bã, chểnh mảng hàng quán. Xem ra thằng này còn biết buồn là còn bảo được". Tôi ngoái lại thấy thằng Cần vẫn đứng bám cột cổng nhìn theo.
* * *
Sáng sớm, từ trên cây bàng đầu thôn chiếc loa nén cất tiếng "o… o...". Ở đâu hô hào bỏ loa công cộng chứ ở làng thì rất cần duy trì, có khi phải tăng loa công suất lớn. Mọi việc cần họp dân, thông báo chính sách mới, phòng chống thiên tai, phòng trừ dịch bệnh… Ở làng cơ man đầu việc chỉ cần a lô là làng trên xóm dưới biết tuốt. Tiếng ông trưởng thôn thật sảng. Quán triệt nghị quyết… Chấp hành chỉ thị… Triển khai chủ trương… Năm bảy phút vang sảng gọn trong một ý: Buổi chiều họp bầu trưởng thôn.
Cuộc họp khá căng thẳng. Đoàn thể giới thiệu ứng cử viên đoàn thể. Họ Trần, họ Đỗ giới thiệu người trong họ. Liên danh ba họ Tống - Đào - Lê giới thiệu bốn suất đinh và ba con rể họ. Ông bí thư vừa dứt lời "phổ biến" thành tích của ứng cử viên chi bộ giới thiệu, Tăng đứng phắt lên: "Tôi giới thiệu người nữa được không ạ". Chủ tọa hắng giọng vào mi cờ rô: "Ự... hự... Được... Được... Dân chủ mà...". Tăng chỉ tay vào tôi: "Tôi xin giới thiệu công dân Đặng Tất Được, người từng ba lần vô địch giải thả diều sông Lăng và vừa lập chiến công chặn đứng âm mưu của một số người cậy quyền tiền và vai vế nhằm cắt đất hương hỏa dòng họ để bán và cho thuê". Nhiều tiếng ồ lên đan vào những tiếng vỗ tay. Công bố kết quả, tôi trúng chức trưởng thôn với số phiếu áp đảo.
Bố tôi từng là cấp trưởng một vùng lớn gấp mấy trăm lần làng tôi. Đảm nhiệm được hai năm bố tôi sập bẫy bạn đồng liêu. Ông trắng tay về quê, phẫn uất sinh bệnh mà chết. Báu vật bố tôi để lại là tính trung thực. Tôi sẽ xoay sở thế nào với quê mình đang nửa làng nửa phố… Hình như đoán được điều tôi đang nghĩ, Tăng vỗ vai tôi: "Cờ đến tay rồi. Việc lớn việc bé cứ phải lý thuận tình mà quất thì trời đe cũng không ngán. Về nhà báo tin cho cụ sung mừng".
Hai cánh cổng mở toang. Cửa nhà rộng mở. Mẹ tôi lên thành phố với các cháu đã về. Sao các chị không a lô? Tăng hít hà, tủm tỉm: "Hình như có mùi thơm em bé". Miệng nói, Tăng kéo tôi ra bờ ao. Doan và mẹ con Chi ngồi bên gốc sung từ bao giờ. Chi đang cho con bú. Doan bỏ quả sung ăn dở vào đĩa muối ớt, đứng lên: "Hết đợt đi thực tế tớ lên Bắc Giang đón mẹ con Chi. Tăng điện thoại bảo mẹ lên thành phố từ đầu tháng, chìa khóa vẫn ở chỗ cũ. Thế là bọn tớ về đây". Tôi thụi cho Tăng một cú: "Hắn đạo diễn toàn bộ vở này. Thế mà giấu được tớ. Giỏi lắm".
Tăng cười phá lên. Tiếng cười làm thằng cu Cáy giật mình rời miệng khỏi ti mẹ, khóc đay đảy. Chi dỗ, Doan dỗ thế nào thằng Cáy vẫn không nín. "Tớ có cách rồi". Tăng nhót lên cây, trở xuống với chùm sung có quả còn xanh, quả ương vàng, quả chín đỏ. Tăng huơ huơ chùm sung trước mặt thằng Cáy. Thắng Cáy nín ngay, đôi mắt trong veo ngước nhìn chùm sung, cười tít. Tăng cúi thơm thằng Cáy rồi quay mặt nhìn cây sung, lập nghiêm kiểu nhà binh: "Báo cáo cụ sung. Đã lâu rồi lũ "gà qué" chúng con mới đủ đàn, lại thêm một trang hoàng tử. Xin cùng cụ làm một phô ảnh kỷ niệm".
Chúng tôi ngồi quây quần quanh gốc sung. Doan đặt chế độ chụp tự động của điện thoại thông minh. Cây sung già, thằng cu Cáy và bốn "con gà" tươi rói một khuôn hình.