Dân Việt

Vụ nhiễm độc thiếc ở Hải Dương: Xác định Công ty Quảng Phong có nhiều vi phạm

Tâm Đức 24/09/2020 13:20 GMT+7
Do tính chất phức tạp của vụ việc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian để các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục xác minh, làm rõ các nội dung liên quan đến vụ nhiễm độc thiếc tại Công ty Quảng Phong.

Sau khi có những thông tin về việc một số công nhân đã và đang làm việc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (địa chỉ tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) có biểu hiện nhiễm độc thiếc, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn tích cực vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Kết quả báo cáo ban đầu xác định hoạt động sản xuất tại Công ty Quảng Phong có nhiều vi phạm.

Cụ thể, từ khi đi vào hoạt động đến trước thời điểm xác định có công nhân bị nhiễm độc thiếc (tháng 7/2020), công ty này chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động, đánh giá yếu tố nguy hiểm, có hại theo quy định. Dù đã thuê đơn vị quan trắc môi trường lao động, nhưng công ty chưa đo hàm lượng thiếc trong môi trường không khí tại bộ phận nghiền phế liệu, đồng thời chưa nhận diện, đánh giá nguy cơ và lập hồ sơ vệ sinh lao động trước khi quan trắc.

Hải Dương: Bước đầu xác định nhiều vi phạm tại Công ty Quảng Phong - Ảnh 1.

Địa điểm sản xuất của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam.

Từ đầu năm 2020 đến nay, công ty chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho công nhân; chưa khám sức khỏe định kỳ theo quy định ít nhất 6 tháng/lần và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Công ty chưa lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cho người lao động theo quy định. Ngoài ra, lực lượng chức năng phát hiện công ty đã tổ chức cho công nhân lao động làm thêm giờ vượt quá thời gian và trả lương chưa bảo đảm theo quy định...

Ngày 17/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), lực lượng chuyên môn huyện Thanh Miện, UBND xã Thanh Giang làm việc với Công ty Quảng Phong.

Kết quả bước đầu cho thấy công ty này không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; không thông báo bằng văn bản đến cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, công ty chưa đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Cụ thể là hoạt động nghiền phế liệu phát sinh từ quá trình sản xuất không có trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Tại buổi làm việc, Công ty Quảng Phong đã thừa nhận trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa, có sử dụng chất ổn định tổng hợp chứa thành phần thiếc để ổn định nhiệt, giảm thiểu bụi trong quá trình phối trộn và tăng độ cứng của sản phẩm. Nhưng người đại diện của công ty cho rằng chất phụ gia này có hàm lượng thiếc nhỏ, chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Do tính chất vụ việc phức tạp, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Hải Dương xin gia hạn thời gian để các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục xác minh, làm rõ theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Hải Dương: Bước đầu xác định nhiều vi phạm tại Công ty Quảng Phong - Ảnh 2.

Môi trường làm việc của công nhân công ty Quảng Phong ẩn chứa nguy cơ mất an toàn.

Liên quan đến vụ nhiễm độc thiếc, từ ngày 17-19/9, Công ty Quảng Phong đã tổ chức khám sàng lọc cho hơn 1.000 công nhân lao động đã và đang làm việc tại đây.

Hiện đã có kết quả khám sàng lọc của 182 công nhân làm việc tại các bộ phận tạo hạt, phối liệu, nghiền liệu, xay phế liệu và ép nhựa của Công ty Quảng Phong.

Đây là nhóm công nhân có nguy cơ nhiễm độc thiếc rất cao và cao, thường phải làm việc trên 10 giờ/ngày và làm từ 6-7 ngày trong tuần. Môi trường làm việc tại các bộ phận này rất bụi, mùi và tiếng ồn lớn.

Kết quả khám sàng lọc ban đầu cho thấy 37,9% số công nhân có các triệu chứng về thần kinh như đau đầu, chóng mặt; 25% có triệu chứng mất ngủ và 35,7% bị giảm trí nhớ. Tỷ lệ lao động bị hạ kali máu mức độ nhẹ và trung bình chiếm gần 66% (13 người có kali giảm mức độ trung bình, từ 2,84 - 3 mmol/l). Đây là những dấu hiệu cảnh báo người lao động có nguy cơ ngộ độc thiếc.

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, chế độ an toàn lao động, vệ sinh lao động là chế độ phát sinh trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Chế độ này đảm bảo cho người lao động khi phát sinh các tai nạn lao động trong quá trình làm việc sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội và người sử dụng bồi thường và hỗ trợ các chi phí trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến tai nạn lao động.

Hơn nữa, vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động là một vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong thời gian qua. Theo đó, mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Bộ luật Lao động quy định rõ về nghĩa vụ của người sử dụng lao động là phải bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung. Các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường.

Người sử dụng lao động phải bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy móc, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng.

Công ty phải kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động...

Khi để người lao động xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật Lao động, đồng thời nghiêm cấm việc che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 239 quy định rõ việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động. Theo đó, người nào có hành vi vi phạm các quy định của Bộ luật này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Do chế độ tai nạn lao động, vệ sinh lao động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động có trách thực hiện đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về các chế độ theo luật định.