Dân Việt

Nguyễn Trung Phong - tác giả tạo nên hình tượng người con gái Sông Lam

Huy Hoàng 24/09/2020 16:51 GMT+7
Theo NSND Lê Tiến Thọ, nếu như trong chèo xưa có những nhân vật điển hình như Xuý Vân, Thị Mầu, Thị Kính, thì trong chèo thời kỳ cách mạng có hình tượng nổi trội là cô gái sông Lam trong các vở chèo của các tác giả Trần Đình Môn, Nguyễn Trung Phong.

Sáng 24/9, Nhà xuất bản Văn học giới thiệu cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm".

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học thuộc chi họ Nguyễn Trung, dòng họ văn chương hiếu học, liên tục 7 đời khoa bảng. Được thừa hưởng tinh hoa, trí tuệ của dòng họ Nguyễn Trung và của quê hương xứ Nghệ, kết hợp với niềm đam mê nghệ thuật, khi trưởng thành, ông tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại Diễn Châu, sáng tác, đạo diễn các hoạt cảnh và từng lên sân khấu biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Năm 1950, Nguyễn Trung Phong tham gia cách mạng, năm 1952 vào làm việc ở Ty Tuyên truyền Nghệ An.

Nguyễn Trung Phong, tác giả tạo nên hình tượng người con gái Sông Lam  - Ảnh 1.

NSND Lê Tiến Thọ và nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là người con ưu tú của xứ Nghệ, cả cuộc đời ông dành tâm huyết, tận hiến sức lực, trí tuệ cho dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, cho văn hóa Nghệ Tĩnh nói chung. Trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, tác giả Nguyễn Trung Phong đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 1930-1931; khắc họa đời sống văn hóa tinh thần thời xây dựng CNXH; trong một số tác phẩm đã nhen nhóm xây dựng con người mới, trong một xã hội mới và đấu tranh chống cái cũ, nghèo nàn, lạc hậu.

Trong sự nghiệp sáng tác gần 40 năm của mình, Nguyễn Trung Phong đã để lại hơn 30 tác phẩm dân ca từ hoạt cảnh đến những vở kịch hát, trong đó có thể kể đến những vở nổi tiếng là Cô gái sông LamKhi ban đội đi vắngBài ca ra trận. Vở Cô gái sông Lam tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962 và đạt 4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc cho kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, diễn viên.

Ông cũng là tác giả sáng tác tác phẩm dân ca Giận mà thương trong vợ kịch Khi bạn tôi đi vắng được nhạc sĩ Vi Phong ký âm.

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: "Tác giả Nguyễn Trung Phong là một trong những tác giả sáng tác kịch bản chèo và dân ca xứ Nghệ có danh tiếng. Những tác phẩm của ông như Cô gái sông Lam và một số kịch bản của tác giả như Trần Đình Môn đã tạo ra được hình tượng người con gái thời kỳ cách mạng. Nếu trong chèo những vở như Xúy Vân, Thị Mầu, Thị Kính nổi tiếng, thì trong chèo thời kỳ sân khấu cách mạng có hình tượng nhân vật là cô gái sông Lam. 

Nguyễn Trung Phong, tác giả tạo nên hình tượng người con gái Sông Lam  - Ảnh 2.

Cô gái sông Lam là vở đặc sắc nhất của tác giả đã góp phần xây dựng được môtíp trong sân khấu truyền thống luôn nhắc đến, đó là cái kịch tính, trữ tình và tính tự sự. Tác giả đã kết hợp được 3 yếu tố của sân khấu truyền thống: Tính tự sự, kể truyện và ngôn ngữ thơ. Tính trữ tình trong các tác phẩm đã hòa quyện đưa tác phẩm đến với khán giả. 

Ba yếu tố của học thuật ấy đã đưa tác phẩm Cô gái sông Lam là một trong những điểm nhấn. Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, Nhà nước đang phát động hoặc cho các cơ quan chức năng, ban, ngành đánh giá những giá trị của tác phẩm này để tặng những giải thưởng cao quý. Tôi tin rằng những đóng góp có giá trị của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sẽ được những giải thưởng của nhà nước".

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, tác giả Nguyễn Trung Phong đã đóng góp cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật bằng những tác phẩm nổi tiếng cho sân khấu chèo, dân ca ví, giặm. Với tư duy sáng tạo, ông đã sáng tác thêm những làn điệu dân ca mới để đáp ứng cho kịch hát dân ca của sân khấu hiện đại. Ngoài ra, ông cũng là người đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật trong đấu tranh cách mạng và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cũng tại buổi ra mắt, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị, cháu ruột của tác giả Nguyễn Trung Phong - chia sẻ: "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong xuất phát từ những sáng tác dân gian, hoạt động văn nghệ quần chúng và sau ông làm cán bộ văn hóa của huyện Diễn Châu, tiếp đến đảm nhận công việc ở Ty Văn hóa và sau làm Phó Giám đốc Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh.

Tài năng của ông ngoài những vở chèo còn có ca khúc Giận mà thương đã trở nên nổi tiếng, được nhiều ca sĩ hát. Ông cũng là người dẫn dắt, đào tạo một thế hệ tài năng văn nghệ sĩ xứ Nghệ. Ông kể với tôi là ông phát hiện ra nhạc sĩ An Thuyên từ khi 14 tuổi ở Quỳnh Lưu. Nhạc sĩ An Thuyên và ông đã từng có 3 năm liền đi dọc sông Lam để sưu tầm các làn điệu dân ca xứ Nghệ. 

Cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm" với phần 1 giới thiệu cùng bạn đọc 9 tác phẩm tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong mà đỉnh cao là 2 tác phẩm Cô gái sông LamKhi bạn tôi đi vắng. Vở chèo Cô gái sông Lam ra đời năm 1961 nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước bất khuất của người dân xứ Nghệ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931).

Phần 2 là những bài viết, bài tham luận của các nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa đã trình bày tại hội thảo "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca ví giặm".