Dân Việt

Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 61 các Hội đồng của các nước thành viên WIPO

Mai Lan 25/09/2020 15:39 GMT+7
Ngày 21/9, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) ở Geneva, Thụy Sỹ, kỳ họp thường niên lần thứ 61 các Hội đồng của các nước thành viên WIPO đã khai mạc với sự tham dự của khoảng 750 đại biểu từ 135 nước thành viên, cùng với các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và tổ chức phi chính phủ.

Tham dự trực tiếp phiên khai mạc có ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO, ông Daren Tang, tân Tổng Giám đốc WIPO nhiệm kỳ 2020-2026, ông Omar Zniber, Đại sứ Ma-rốc, Chủ tịch Đại hội đồng WIPO và khoảng 150 đại biểu các nước thành viên và quan sát viên.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã đại diện Việt Nam tham dự trực tiếp Hội nghị.

Về phía Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã tham dự Hội nghị từ Việt Nam theo hình thức trực tuyến.

Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 61 các Hội đồng của các nước thành viên WIPO - Ảnh 1.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí (ở giữa) tham dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO 2020 từ đầu cầu Hà Nội.

Khóa họp này cũng là khóa họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc WIPO đương nhiệm, Tiến sĩ Francis Gurry.

Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm của WIPO, ông Daren Tang, trước đó là Giám đốc điều hành Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore, sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Giám đốc WIPO trong 6 năm kể từ ngày 1/10.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Francis Gurry đã báo cáo về hoạt động của WIPO trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương đang đặt ra một thách thức lớn đối với thế giới.

Ông nhấn mạnh: "Các tiến bộ về công nghệ đã kết nối con người với nhau theo những cách thức chưa từng biết đến nhưng đi kèm với đó là các dấu hiệu của sự đóng cửa ngày càng tăng, bao gồm cả chủ nghĩa bảo hộ".

Về tài chính của WIPO, Tổng Giám đốc Gurry cho biết đại dịch COVID-19 tuy chưa ảnh hưởng xấu đến tài chính của WIPO, do các hoạt động của tổ chức chủ yếu được cấp kinh phí từ nguồn thu của WIPO từ việc cung cấp các dịch vụ sở hữu trí tuệ toàn cầu, nhưng cần phải theo dõi sát tiến triển của tình hình kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm Daren Tang đã phát biểu tại phiên khai mạc, nhắc lại cảm ơn sâu sắc các nước thành viên đã tin tưởng bầu ông làm Tổng Giám đốc mới của WIPO, nhấn mạnh bày tỏ sự "ngưỡng mộ cao độ" của mình đối với "những kết quả xuất sắc" mà Tổng Giám đốc WIPO đương nhiệm Francis Gurry đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ (12 năm) ông lãnh đạo WIPO và 25 năm gắn bó với công tác sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, ông cũng tái cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên WIPO trong thời gian tới, với lộ trình đã tuyên bố nhân dịp được bổ nhiệm hồi tháng 5 năm nay.

Trong phát biểu chung của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đại diện cho các quốc gia thành viên ASEAN tại phiên khai mạc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, các nước ASEAN ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi công nghệ số và đổi mới sáng tạo, thiết lập hệ thống điện tử đăng ký và tiếp nhận hồ sơ về sở hữu trí tuệ để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan sở hữu trí tuệ, tối đa hóa các hình thức làm việc từ xa để bảo đảm cung cấp dịch vụ này kịp thời và có chất lượng cho các bên liên quan.

Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 61 các Hội đồng của các nước thành viên WIPO - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ phát biểu tại Đại hội đồng WIPO 2020 (nguồn: webcasting của WIPO)

Đại diện cho Việt Nam tham dự trực tiếp phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO, bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ đã có bài phát biểu thay mặt ASEAN. 

Theo đó, bà đã gửi lời tri ân Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry và chúc mừng tân Tổng Giám đốc Daren Tang. Trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước thành viên ASEAN đã đạt được một số kết quả nổi bật về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tích cực hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ thông qua việc gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. 

Trong bài phát biểu Đại sứ nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19, đồng thời khẳng định các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác với WIPO cũng như với các quốc gia thành viên khác của WIPO trong vấn đề này.

Kỳ họp Đại hội đồng WIPO sẽ diễn ra từ ngày 21 đến hết ngày 25/9/2020 với một số nội dung đáng chú ý như: xem xét việc tổ chức một phiên họp Đại hội đồng bất thường trong năm 2021 để thảo luận các nội dung trong chương trình nghị sự đã được lược bỏ tại phiên họp lần này; xem xét việc tái bổ nhiệm các Phó Tổng Giám đốc và Trợ lý Tổng Giám đốc trong thời hạn 3 tháng trước khi nhân sự mới chính thức nhận nhiệm vụ từ ngày 01/1/2021; xem xét kế hoạch đánh giá hoạt động của các Văn phòng đại diện của WIPO; thông qua các báo cáo của Ủy ban Chương trình và Ngân sách, báo cáo của Trung tâm Trọng tài và Hòa giải.