Như Dân Việt đưa tin, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà Trịnh Thị Thuận (sinh ngày 20/02/1974 tại Thanh Hóa), Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai để điều tra về tội danh như nêu trên.
Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Trước đó, vụ việc nâng khống giá thiết bị ở CDC Hà Nội hay ở Hà Tĩnh cũng đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
"Móc túi" người bệnh
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, đây rõ ràng là hành vi móc túi người dân. Nó làm cho y đức của người làm nghề y bị mất đi, niềm tin của người dân đi xuống.
"Như chúng ta biết người dân không bao giờ biết trang thiết bị, giá thuốc tại bệnh viên như nào là đắt hay rẻ. Trong giai đoạn thập tử nhất sinh, thì phải vay mượn, có thể bán nhà… để lo chi phí điều trị.
Nhưng chi phí đó ai kiểm soát? Khi người dân là người phải trả cho các hành vi có chủ đích để lừa đảo chiếm đoạt tiền của một bộ phận cán bộ.
Thực trạng trên cũng là mặt trái của xã hội hóa y tế, nhà nước giao quyền tự chủ cho bệnh viện, sẽ giúp các bệnh viện chủ động hơn trong mua sắm thiết bị y tế nhưng dễ dàng phát sinh ra các nhóm lợi ích, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhân dân. Nhà nước cần phải có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ thì tình trạng này", luật sư Tuấn nói.
Theo vị luật sư, khi phát hiện ra sự việc, phải tìm hiểu rõ ràng do hệ thống hay do động cơ mục đích lợi nhuận của nhóm lợi ích? Giá dịch vụ, chi phí bệnh viện đều do nhà nước quản lý, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Ở đây là Bộ Y tế là cơ quan đứng đầu sẽ xử lý thế nào?
"Chúng ta cần xem xét và rà soát lại hệ thống quy định pháp luật, khâu tổ chức thực hiện, tại sao chủ trương xã hội hóa là đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, lại xảy ra những hậu quả đau lòng, khiến giá trị y đức bị xuống cấp nghiêm trọng?
Không biết bản án của pháp luật như thế nào nhưng bản án lương tâm của ngành Y sẽ đi xuyên suốt cuộc đời còn lại của các bị can đó?", vị luật sư phân tích.
Người dân bức xúc
Nói về sự việc tại bệnh viên Bạch Mai, không ít bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bất ngờ. Bởi trước đó, bệnh viên Bạch Mai là tuyến đầu chống dịch Covid - 19.
Mới đây, ngày 12/4 hàng trăm cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng nhau vỗ tay, reo mừng 'Bạch Mai chiến thắng' trong giây phút bệnh viện được dỡ bỏ lệnh cách ly.
Nhiều nhân viên y tế vui mừng khôn xiết gọi điện báo tin cho người thân cùng chia sẻ niềm vui vì từ hôm nay họ có thể trở về với gia đình sau 14 ngày cách ly trong bệnh viện.
"Không thể phủ nhận công lao của các bác sỹ trong chống dịch, trong nỗ lực cứu sống người bệnh. Nghề y là một nghề đặc biệt quan trọng trong xã hội.
Thế nhưng, đây cũng là lĩnh vực hết sức đặc thù. Có nhiều kiến thức, quy trình chuyên ngành người dân chúng tôi không biết, chỉ biết tin vào bác sỹ. Bác sỹ bảo sao nghe vậy.
Giờ những vụ việc nâng khống thiết bị y tế bị phát hiện, chúng tôi thực sự có đôi chút mất niềm tin" - anh Đàm Minh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) cho hay.
"Việc bệnh viện dỡ bỏ lệnh cách ly tạo niềm tin, sự an tâm cho người dân về việc kiểm soát, phòng chống dịch Covid - 19 của nước ta.
Bác sĩ, y tá tại bệnh viện đã có những thời khắc khó khó khăn, nhưng họ đã vượt qua để chiến thắng dịch covid-19. Thế nhưng, không bao lâu sự việc bắt tạm giam nguyên Giám đốc bệnh viện khiến người dân chúng tôi buồn lòng, phần nào bức xúc.
Vì sự tin tưởng vào bác sĩ, chữa bệnh nhưng hóa ra bệnh nhân chúng tôi là người bị "móc túI", là nguồn lợi cho một số y bác sĩ thiếu lương tâm nghề nghiệp", anh Hồng Đức (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ.
"Đối với những gia đình nghèo, phải chi trả 23 triệu đồng/ ca mổ, chênh lệch tới 18 triệu đồng thì đây là số tiền quá lớn đối với họ. Theo thông tin tôi nắm được đã có tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỷ đồng. Số tiền thật quá kinh khủng", anh Đình Trường (Bắc Ninh) phẫn nộ nói.
Cùng với việc làm rõ giá thiết bị y tế bị nâng khống ra sao, nhiều người bệnh cũng đề nghị cơ quan chức năng cần giám sát kỹ việc kê đơn thuốc, kê đơn thực phẩm chức năng để móc túi khách hàng.
"Thực trạng bác sỹ hưởng hoa hồng từ mỗi lần kê đơn thuốc thực sự làm méo mó hình ảnh cao đẹp của nghề y. Tôi có cảm giác những lúc như vậy, người làm nghề y như ăn thêm trên bệnh tật của người bệnh. Thật sự rất buồn, cơ quan chức năng cần giám sát kỹ việc này" - chị Minh Huệ (Hà Đông, Hà Nội) đề nghị.
Kết quả điều tra bước đầu, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, có một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.
Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận, hệ thống này được nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (bao gồm cả VAT), tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng khống giá lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.
Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca.
Trong các năm từ 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỷ đồng.