Mỗi người chúng ta đều có một miền quê dù là nông thôn hay thành thị. Quê hương trong ta không chỉ là nơi chốn cảnh vật quen thuộc mà còn là những món ăn thức uống sản vật địa phương đã nuôi ta lớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cuốn sách của Dương Hoàng Lộc giới thiệu cho bạn 24 món ngon của quê nhà anh - huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre. Cái ngon ở đây là ngon của chính món ăn, ngon của những kỷ niệm gắn với món ăn, ngon của lòng yêu quê nhớ cội, ngon của tấm lòng chia sẻ hương sắc quê nhà với bè bạn gần xa. Dương Hoàng Lộc dẫn bạn về quê anh, mời bạn thưởng thức những món ăn bình thường dân dã nhưng ngon lành vì đó là những món ăn của quê hương anh.
Có những món như chỉ ở đó mới có. Bạn có biết "Bánh gì búng cánh bay lên" không? Ấy là món bánh cúng làm bằng bột gạo gói trong lá chuối thường làm vào những dịp rằm lớn. Lại có món ở đâu cũng có, nhưng "Bến Tre có món tép rang" thì lại độc đáo ở chỗ là tép rang với dừa. Bến Tre là xứ Dừa mà lại! "Những con tép bắt dưới mương, trong rạch, còn tươi chong, bỏ vào rổ nhảy xoi xói, đem làm sạch rồi ướp với gia vị gồm tỏi, bột ngọt, nước mắm, muối, đường. Sau đó, bắc chảo mỡ thật nóng, hay nhất là bỏ thêm tép mỡ, rồi cho tép vào chảo rang chín đỏ mới đổ nước cốt dừa vào, dùng đũa đảo liên tục đến khi nước cốt dừa cạn. Nhắc chảo xuống khi tép đã khô và dính lốm đốm màu trắng của nước dừa khi đã sánh lại. Nhờ vậy, khi ăn, tép có vị mặn mà và béo ngậy, rất ngon miệng!" (tr. 16).
Đọc đã thấy thèm, ứa nước miếng, muốn có ngay ăn ngay. Hèn chi tỉnh Bến Tre đã đề xuất món tép rang dừa này là món ăn tiêu biểu của tỉnh nhà tham gia "Hành trình tìm kiếm, quảng bá Top ẩm thực và đặc sản Việt Nam lần thứ IV (2016)".
Tác giả biết vậy nên lại còn nhem thèm ta nữa bằng câu ca "Bến Tre có món tép rang / Dừa khô béo ngậy tìm nàng sánh duyên". Thế này thì khách du về quê hương cụ Đồ Chiểu khó lòng mà dứt đi được. Vì ở xứ dừa còn có nhiều món được nấu với dừa và mang đậm tình người quê dừa, ví như món "Vịt xiêm hầm với nước dừa / Anh ăn liếm chén mà chưa đã thèm". Cứ mỗi món tác giả lại buông thêm một câu ca kiểu đó thì khách nào chịu nổi, đến cuồng cẳng phải chạy tốc về hòn cù lao giữa sông Tiền của đất Chín Rồng này mà tìm ăn cho được.
MÓN NGON QUÊ NHÀ
Tác giả: Dương Hoàng Lộc
Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020
Số trang: 85
Số lượng: 1.500
Giá bán: 65.000đ
Dương Hoàng Lộc cứ thủ thỉ thù thì như thế mà kể về các món ăn quê mình hồn nhiên thương mến. Cuốn sách nhỏ như một cuốn sổ tay ẩm thực này chỉ mới là gom lại một số bài viết anh đã đăng trên các báo mấy năm qua, cũng như là một cách anh truyền dạy cho các sinh viên của mình đang theo môn Văn hóa ẩm thực anh giảng tại Khoa Việt Nam học thuộc Đại học Tôn Đức Thắng. Các bài viết ngắn, trình bày theo cách gợi và cảm. Cầm cuốn sách trong tay như có được một người bạn ân cần tận tình dẫn về chốn quê nói cho nghe những món ăn quê bình dị sâu nặng bằng một giọng nói đơn sơ và ấm áp. Như trong "Lời tựa" Dương Hoàng Lộc đã viết: "Theo tôi, với mỗi món ăn ngon ở miền quê nào đó làm ta nhớ mãi, tự thân nó mang giá trị văn hóa. Trước tiên, ẩm thực chính là những chỉ báo quan trọng giúp hiểu biết về thiên nhiên, trình độ phát triển kinh tế và xã hội, và cả những đặc trưng văn hóa của một vùng đất. Những món ăn ngon, tiêu biểu, trở thành đặc sản của một vùng đất còn chứa đựng triết lý sống, lưu giữ nhiều tri thức dân gian, những bí quyết nấu ăn cũng như liên quan mật thiết với những phong tục, lễ hội nào đó. Nhưng hơn hết, chúng là sợi dây bền chặt nối kết tình cảm con người với quê hương, gia đình, họ hàng, đọng lại trong lòng người bằng những ký ức đẹp đi cùng năm tháng." (tr. 7-8).
Không thể không đồng ý với những lời trên của tác giả. Ta ăn một món ăn là cùng với nó ta ăn cả một đất đai văn hóa và ăn cả một trời ký ức kỷ niệm của ta và của người mời ta món ăn quen thuộc thích thú của họ. Trong từng món ăn Dương Hoàng Lộc mời bạn thưởng thức trên trang sách của anh có bóng dáng người bà người mẹ người dân ở quê anh, ở cả những vùng đất anh đã đi qua, đã đến. Như chén bánh lọt ăn mát trưa hè nhưng tác giả nhắc ta rằng "Chén bánh lọt gắn tiếng cọt kẹt của quang gánh trên đôi vai nhỏ nhắn của người phụ nữ quê. Bánh lọt, tuy ngon, ngọt, nhưng có cả nỗi vất vả gồng gánh gia đình của người mẹ, người chị ở quê." (tr. 43).
Cũng vậy, theo tác giả, món bánh hỏi Ba Tri ngon là nhờ vào những hạt gạo thơm ngon mang hương phù sa của hai con sông Hàm Luông và Ba Lai do công cấy gặt hàng năm của người nông dân quê mình. Có phải vậy không mà anh tiến sĩ gần bốn mươi tuổi này đã được các đồng hương quê nhà tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm "Câu lạc bộ Trí thức Ba Tri" và Phó Trưởng Ban liên lạc đồng hương huyện Ba Tri tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Đầu lưỡi gặp quê hương" là thế. Mấy chữ này là câu cuối một khổ thơ nói nỗi nhớ món ăn Huế, cũng tức là nỗi nhớ quê hương, của những người con xứ Huế sống trên đất Bắc trong thời chia cắt đất nước: "Tôm chua thịt ba chỉ / Món ăn Huế bình thường / Nhắc thôi mà gợi quá / Đầu lưỡi gặp quê hương". Câu thơ cuối khổ thật hay, thật tài tình. Tác giả khổ thơ là ai tôi không biết vì chỉ đọc được bốn câu này trong một bài báo mà tác giả dẫn thơ chứ không ghi tên người làm thơ. Nhưng dư vị nó đọng lại trong tôi và trong bạn thì cũng mặn mà như món ăn ngon. Mỗi người chúng ta ai cũng có thể viết được về các món ăn mình thích, mình nhớ, miễn là chúng ta không tự xếp mình vào loại "thực bất tri kỳ vị". Và ai có một lòng yêu quê, yêu các món ăn quê, thì cũng đều kể được cho người khác nghe về "món ngon quê nhà" của mình như trong cuốn sách này của Dương Hoàng Lộc. Khi đó đi đâu ta cũng đều gặp được quê hương trong mỗi món ăn.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Nội thu 2020