Dân Việt

Thuốc lá điện tử: Kiểm soát trước khi quá muộn

Tuấn Kiệt (thực hiện) 29/09/2020 06:30 GMT+7
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận định, nếu chúng ta không kịp thời siết chặt các giải pháp kiểm soát tác hại của thuốc lá điện tử thì xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ sẽ lan rộng, để lại các hậu quả khó lường.

Bà có thể chia sẻ về chính sách đối với thuốc lá điện tử hiện nay trên thế giới?

- Hiện trên thế giới có 33 quốc gia cấm bán hoàn toàn thuốc lá điện tử, trong đó có ít nhất 24 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu. 23 quốc gia khác hạn chế bán, quy định cụ thể nơi được bán. 8 quốc gia chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng các sản phẩm thuốc được cấp phép,... Ở Mỹ cũng có 4 bang cấm bán tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị để ngăn chặn gia tăng sử dụng thuốc lá trong giới trẻ... Ngoài ra, 17 quốc gia cấm phân phối, 11 quốc gia hạn chế phân phối, 22 quốc gia cấm nhập khẩu, 17 quốc gia hẹn chế nhập khẩu, 11 quốc gia cấm sản xuất, 9 quốc gia hạn chế sản xuất. 20 quốc gia cấm sử dụng ở các điểm công cộng trong nhà...

Kiểm soát trước khi quá muộn - Ảnh 1.

Tỷ lệ người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng mạnh. Ảnh minh họa

Hậu quả của việc buông lỏng quản lý với thuốc lá điện tử thế nào thưa bà?

- Tại Canada, thuốc lá điện tử trước đây bị cấm nhưng luật đã thay đổi cho phép bán vào năm 2018. Hậu quả năm 2018-2019, tỷ lệ thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp đôi. Mỹ là quốc gia chưa có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá. Theo CDC Mỹ, việc sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên Mỹ tăng vọt từ 13,2% năm 2017 lên 32,7% năm 2019. Riêng tỷ lệ học sinh trung học đang sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27,5% năm 2019...

Tại Việt Nam dù chưa cho phép kinh doanh, sản xuất thuốc lá điện tử nhưng do xu hướng hút thuốc lá điện tử đang lan rộng, nhiều sản phẩm bán trên mạng xã hội, do đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đang gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%.

Bài học của các nước cho thấy, khi nới lỏng kiếm soát thuốc lá điện tử đã dẫn đến những hệ lụy lớn cho xã hội, kể các các nước có năng lực kỹ thuật, kinh tế như Nhật Bản, Mỹ, Canada, việc kiểm soát trở lại rất khó khăn. Khi đã cho phép thì việc cấm trở lại càng khó hơn.

Việt Nam chưa cho phép kinh doanh, sản xuất thuốc lá điện tử nhưng trên mạng xã hội đang rao bán tràn lan. Vậy, Bộ Y tế kiến nghị kiểm soát điều này thế nào?

- "Hiện tại, Bộ đang tập trung rà soát, phát hiện các trường hợp quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng xã hội để có biện pháp xử lý triệt để. Cụ thể, vấn đề quảng cáo các mặt hàng trên hiện nay đang xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng cách thức công nghệ để rà soát các "gian hàng online" trên mạng xã hội, tránh hành vi tiếp tay quảng bá các mặt hàng cấm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cơ quan chức năng có thể kiến nghị các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook hay Google, yêu cầu phối hợp cùng Việt Nam ngăn chặn quảng cáo bất hợp pháp.

Bộ Y tế thường xuyên lập các đoàn thanh tra, xây dựng các kế hoạch kiểm tra liên ngành trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, Bộ Y tế đang mở rộng phối hợp với các Bộ khác về các chuyên đề liên quan đến thuốc lá điện tử. Bộ Y tế đang tập hợp lấy ý kiến đề xuất về công tác phòng, chống và quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để trình lên Chính phủ sớm nhất.

Xin cảm ơn bà!