Dân Việt

Khẩn cấp ngăn nhập khẩu thuốc lá điện tử vào Việt Nam

Diệu Linh 01/10/2020 06:02 GMT+7
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những tác hại của thuốc lá điện tử, thậm chí gây ra nhiều cái chết do viêm phổi, tai nạn do nổ pin khi dùng thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, mới đây, 3 tổ chức nước ngoài đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam cho phép lưu hành thuốc lá điện tử tại thị trường.

Lo ngại làn sóng nghiện thuốc thứ 2

Tại hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) vừa diễn ra, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ đề xuất không thí điểm và kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường.

Chia sẻ thêm, ông Quang cho biết, mới đây đã có 3 tổ chức nước ngoài tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép lưu hành thuốc lá điện tử. Theo ông Quang, 3 tổ chức này đã nhận sự tài trợ của các công ty sản xuất thuốc lá.

Khẩn cấp ngăn nhập khẩu thuốc lá điện tử - Ảnh 1.

Tỷ lệ người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, Bộ Công Thương có đề xuất thí điểm cho phép công ty đa quốc gia được nhập thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế đưa ra các bằng chứng thuyết phục về tác hại của thuốc lá điện tử.

"Không khó tìm các bằng chứng khi mà nhiều nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có một số tác hại khác liên quan như lợi dụng hút thuốc lá để sử dụng các chế phẩm ma tuý, hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng gây cháy nổ…"- ông Quang cho biết.

Ông Quang cũng nhấn mạnh: "Với sự nỗ lực rất lớn, Việt Nam đã giảm được tỷ lệ người hút thuốc. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với làn sóng nghiện thuốc lá thứ 2".

Tử vong do hút thuốc lá điện tử

Phân tích về tác hại của thuốc lá điện tử, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định, nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm.

Chất này còn gây ra biến chứng bất thường ở trẻ sơ sinh như đột tử, giảm thính lực, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.

Ngoài ra, người sử dụng thuốc lá điện tử đã gặp hội chứng tổn thương phổi cấp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Mỹ cho biết, tính đến ngày 18/2/2020, tại Mỹ đã có 2.807 trưởng hợp nhập viện do hội chứng viêm phổi cấp vì dùng thuốc lá điện tử, trong đó 68 ca tử vong do hội chứng này tại 29 bang; 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi, tuổi trung bình là 24 tuổi.

"Các bệnh nhân mắc chứng khó thở, ho, đau ngực, sốt, ớn lạnh, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, nhịp tim nhanh, phổi có các điểm mờ... và có tiền sử dùng thuốc lá điện tử trong 3 tháng qua. Ở đây, nhân viên y tế cũng đã loại trừ các bệnh nhiễm trùng phổi khác"- bác sĩ Lâm nói.

Ngoài ra, theo bác sĩ Lâm, để tăng "độ phê" cho thuốc, nhằm tấn công vào các sở thích của giới trẻ, ngoài các hương liệu "trẻ trung, mới mẻ", thuốc lá điện tử đã được tẩm ướp cả 1 số loại ma túy. Thuốc lá điện tử cũng có thể hỏng lỗi và gây nổ. Đã có trường hợp pin thuốc lá điện tử gây nổ trong miệng của 1 cậu bé 17 tuổi gây tổn thương nặng khoang miệng.

Khẩn cấp ngăn nhập khẩu thuốc lá điện tử - Ảnh 2.

"Mới đây, 1 nhóm các chuyên gia tự phong đã cho biết, thuốc lá điện tử giảm hại 95% các tác hại của thuốc lá thường. 2 người trong nhóm này là làm tư vấn cho các nhà sản xuất, phân phối thuốc lá. Con số 95% giảm hại cũng không có bằng chứng nào"- bác sĩ Lâm khẳng định.

Hàm lượng nicotine có trong khói thuốc lá điện tử cũng cao như khói thuốc lá thường, thậm chí còn cao hơn nếu như pin mạnh và nồng độ nicotine trong dung dịch tẩm ướp thuốc lá điện tử cao hơn. "Nói đơn giản, bệnh truyền nhiễm Covid-19 đã khiến hơn 33,5 triệu người mắc và hơn 1 triệu người tử vong đang gây khủng hoảng toàn cầu. Nhưng thuốc lá mỗi năm đang cướp đi sinh mạng của hơn 8,2 triệu người với những bệnh không lây nhiễm mà nó gây ra"- ông Quanh nhấn mạnh.

Thuốc lá điện tử không hỗ trợ cai nghiện

Bà Nguyễn Hạnh Nguyên – cán bộ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm (Tổ chức HealthBrige Canada) cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới không có tác dụng cai nghiện như một số tuyên truyền nhằm đánh lạc hướng của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá hiện nay.

"WHO xác nhận thuốc lá điện tử không hỗ trợ cai nghiện. Thậm chí, các nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá điện tử đã làm giảm hoặc cản trợ việc cai nghiện thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kém (đan xen dùng thuốc lá điện tử/thuốc nung nóng và thuốc lá truyền thống hoặc dùng cả 3 loại này). Ngoài ra, theo báo cáo của BAT, 58% người sử dụng thuốc lá điện tử và 11% người sử dụng thuốc lá nung nóng là người hút mới (chưa từng sử dụng thuốc lá truyền thống)"- bà Nguyên chia sẻ.

Bà Nguyên khẳng định, các sản phẩm thuốc lá mới đang nhằm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới.

Theo bà Nguyên, mục đích của ngành công nghiệp thuốc lá khi mà người dùng đang chết dần là tìm kiếm người hút thuốc (khách hàng thay thế) (mỗi năm có hơn 8,2 triệu người nghiện thuốc lá tử vong); đồng thời duy trì sản lượng thuốc lá và tăng lợi nhuận khi mà nhiều nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá truyền thống.

"Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang đe dọa sức khỏe, sự phát triển của trẻ em, vị thành niên và thanh niên. Các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nhiều chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút lẫn người xung quanh... Với xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ trên thế giới nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng, Việt Nam không nên cho phép thí điểm sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm thuốc lá mới"- bà Nguyên khẳng định.

img

Nhiều nguy cơ gây ngộ độc cấp tính

Để đánh vào thị hiếu của giới trẻ, thuốc lá điện tử có đến hơn 15.000 loại hương vị khác nhau. Tuy nhiên, nếu hương liệu được trộn chung cùng các loại nguyên liệu khác nhau sẽ gây độc hơn. Bên cạnh đó, các chất độc được tìm thấy trong thuốc lá điện tử như: Formaldehyde, Hydrooxycarbonyls, Acetaldehyde, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, phân tử Ultrafine… gây ra bệnh tật, tử vong và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Thuốc lá điện tử gây bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, viêm phổi cấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, các bệnh về răng miệng và gây ung thư... Các ca viêm phổi cấp tính, tai nạn thương tích do bộ phận điện tử phát nổ là những tác hại chưa được biết đến ở thuốc lá điếu thông thường nhưng lại xuất hiện ở thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm – cán bộ của WHO tại Việt Nam

img

Thuốc lá điện tử đang được bán tràn lan

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa có quy định về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Tuy nhiên, tại Điều 9 Khoản 1 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cấm: "Sản xuất mua bán, nhập khẩu, tàng trữ vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá". Trên thực tế, các điểm bán thuốc lá điện tử được đặt công khai với mật độ khá dày ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Khảo sát của tôi cho thấy, các điểm bán thuốc lá điện tử được để dưới các tên như: Vape Music store, The Vape club, The Vapist Vapor Bontinque... trong đó Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là những địa phương có mật độ các điểm bán thuốc lá thế hệ mới nhiều nhất cả nước với khoảng gần 20 điểm lớn. Nguồn gốc sản phẩm có từ các mặt hàng rất đa dạng đến từ Trung Quốc tới các mặt hàng của các công ty lớn. Do đó, tôi cho rằng, trong khi các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam thì cần có các biện pháp kiểm soát thị trường và ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh niên.

Ông Đào Thế Sơn – giảng viên ĐH Thương Mại,

cán bộ Liên minh Quốc tế phòng chống bệnh lao phổi.

D.L (ghi)