Dân Việt

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà

Quỳnh Nguyễn 01/10/2020 06:30 GMT+7
Trung thu là tết đoàn viên, trong khi nhiều gia đình quây quần bên nhau thì có những mảnh đời còn đang chống chọi với đau đớn, bệnh tật trong bệnh viện.

Bệnh viện là nhà, thuốc thay cơm…

Mới 5 giờ chiều, Bình đã giục bố đi tắm, mặc đồ thật đẹp để cùng cậu vào viện vui hội Trung Thu với các bạn. Anh Chu Văn Sử thấy vẻ háo hức của con trai cũng nhanh chóng sửa soạn cho kịp giờ chương trình "Trung thu yêu thương 2020" do Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tổ chức, dù năm nay chẳng phải năm đầu tiên bố con anh đón Trung thu trong bệnh viện.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 1.

Cháu Bình bên chiếc đèn ông sao vui Tết Trung thu. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Cháu Chu Quang Bình – con trai anh Sử là bệnh nhân suy thận phải nhập viện từ tháng 9 năm 2015. Trải qua cả trăm lần lọc máu đau đớn, cậu bé 12 tuổi của hiện tại chỉ nặng vỏn vẹn 25kg, nhỏ bé như học sinh lớp 3, lớp 4.

Hơn 5 năm coi bệnh viện là nhà, anh Sử một mình côi cút chăm con, tóc anh bạc đi vì lo cho con và lo kinh phí điều trị.

"Có những lần cháu ốm, tôi chuẩn bị thau nước nóng với 4 cái khăn cứ thi thoảng lại chườm cho cháu, có những đêm phải thức tới sáng để canh con. Từ ngày đưa con ra đây, tôi gác hết công việc lại nên kinh tế ngày càng eo hẹp. Cuộc sống dù vất vả nhưng người ta còn có vợ có chồng, tôi thì chỉ có một mình, nhưng dù có còn một giọt nước cuối cùng tôi cũng đi xin cho con uống", anh Sử trải lòng với PV Dân Việt.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 2.

Anh Sử cho biết, hơn 5 năm "sống trong bệnh viện", các y - bác sĩ cũng dần trở nên quen thuộc với 2 bố con. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh cũng cho biết, hai bố con anh chính là những người đã may mắn thoát chết trong vụ cháy nhà trọ năm 2018. Sau sự cố đó, những đồ đạc thiết yếu mang từ quê ra cũng bị thiêu sạch, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn. 

May mắn, xung quanh anh có những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ khi biết được hoàn cảnh éo le của hai bố con. Có người cho máy đo huyết áp, có người cho gạo, sách vở, truyện… một nhà xe quen đã tặng bố con anh thẻ đi xe miễn phí trọn đời.

"Đến bộ áo trên người tôi cũng đều là quần áo từ thiện. Có những đêm nằm nước mắt chảy ra ngoài nhưng phải giấu con, không muốn cho nó biết, sợ nó buồn. Vì cuộc sống, không phải ai cũng giống ai, tôi luôn phải lạc quan, nghị lực để làm tấm gương cho con dựa vào để cố gắng sống tiếp", anh Sử bộc bạch.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 3.

Rất đông bệnh nhi được người thân đưa đến tham dự chương trình "Trung thu yêu thương 2020" do Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thiếu thốn tình cảm của mẹ từ nhỏ nên Bình cũng ý thức được việc đó, ngày ngày 2 bố con cứ quấn quýt bên nhau và tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống. Được biết, tuy bị bệnh nặng nhưng cậu bé luôn lạc quan, nhớ trường nhớ bạn và mơ ước có một ngày được quay lại trường học, vui đùa cùng chúng bạn.

Đoàn tụ là giấc mơ xa xỉ

Trong đêm hội "Trung thu yêu thương 2020", hình ảnh những em bé không còn tóc sau xạ trị hay những cánh tay bông băng đầy vết tiêm nhún nhảy theo điệu nhạc trên sân khấu mà tạm quên đi những đớn đau thường nhật... khiến nhiều người xót xa.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 4.

Các em nhỏ mang trong mình bệnh tật, với những vết băng còn chưa lành hào hứng với đêm hội. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Có 2 con cùng điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng của BV Nhi TƯ, chị Bùi Thị Lan (SN 1978 ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) không giấu nổi xúc động chia sẻ: Nhà chị có 3 con lần lượt bị bại não, tim bẩm sinh, lồi u, tràn dịch màng tinh hoàn và động kinh. Ròng rã từ năm 2006 tới nay là những chuỗi ngày "chiến đấu" không ngừng nghỉ với bệnh tật, một cuộc chiến mà người trong cuộc cũng không biết bao giờ kết thúc.

Khi một đứa trẻ do mình sinh ra phải chia lìa sự sống, chị Lan gần như suy sụp hoàn toàn, nhưng sau đó chị tiếp tục đứng lên khi nghĩ đến 2 đứa con bệnh tật còn lại cần mẹ chăm sóc.

Ruộng đồng ở quê đành phó mặc mùa được, mùa mất. Chồng chị Lan thì đi làm thuê, làm mướn, nghề gì cũng làm để có tiền trang trải cuộc sống và chu cấp cho 3 mẹ con điều trị trong bệnh viện.

"Các con được về nhà ít lắm, chỉ có một số hôm, có vấn đề gì lại gấp gáp lên viện điều trị tiếp, vậy nên Trung thu gia đình cũng khó có thể đông đủ. Nhiều lúc quá mệt và vất vả nhưng vì các con hai vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng…", chị Lan ngậm ngùi.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 6.

Chị Bùi Thị Lan cùng lúc chăm sóc 2 con nhỏ bị bại não trong bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chỉ vào cậu bé 14 tuổi nhưng nhỏ thó, ngây dại lắc lư theo nhạc, chị Lan cho biết, những chương trình do viện tổ chức rất bổ ích, mặc dù con chị không nhận thức được đáng bao nhiêu nhưng cũng tỏ ra rất vui vẻ.

Chị Lan cũng cho biết, trong quá trình điều trị tại viện, các y - bác sĩ và phòng công tác xã hội giúp đỡ cho các bệnh nhi rất nhiều. Chiếc xe lăn các con ngồi cũng được phòng công tác xã hội vận động ủng hộ mua tặng cho gia đình chị.

"Nói thật, để nghĩ thì tôi rất buồn, không may các con bị bệnh tật như vậy thì cũng phải cố gắng vì các con chứ cũng không biết làm sao cả. Người làm cha, làm mẹ phải cố gắng vì các con để các con có thể khỏe mạnh hơn, phục hồi hơn một chút thì cuộc sống sau này cũng đỡ vất vả đi phần nào.

Qua quý báo, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến toàn thể lãnh đạo của bệnh viện, phòng công tác xã hội và tất cả các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ cho gia đình các con để các con có kinh phí điều trị đến bây giờ", chị Lan bày tỏ.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 7.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 8.

Các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện được thưởng thức nhiều chương trình ca nhạc đặc sắc và cùng nhau phá cỗ trăng rằm với mâm ngũ quả, đèn trung thu rực rỡ. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Quan tâm đến bệnh nhi nghèo

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi dịp Trung thu, Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các mạnh thường quân tổ chức Tết Trung thu cho các cháu. Năm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn các năm khác khi bệnh viện vừa khám bệnh, chữa bệnh vừa phòng chống dịch Covid-19.

"Rất may mắn là Việt Nam đã khống chế và bước đầu đẩy lùi được dịch Covid-19. Chúng tôi rất vui mừng và ấm lòng khi các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của xã hội để các cháu có một Tết Trung thu ấm áp.

Không chỉ riêng dịp Trung thu hay các ngày lễ tết đặc biệt của đất nước mà trong những ngày thường chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến các hoàn cảnh khó khăn như các cháu nghèo khó, mồ côi, không nơi nương tựa hay các cháu ở vùng sâu vùng xa. Chúng tôi luôn nỗ lực để có thể hỗ trợ hết mình về mặt tinh thần cũng như vật chất để các cháu sớm chiến thắng bệnh tật, chiến thắng hoàn cảnh", ông Hải nói.

Trung thu của những bệnh nhi coi bệnh viện là nhà - Ảnh 9.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

ThS. Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đón nhận từ các cơ quan đoàn thể, các tổ chức, các nhà tài trợ và các nhà hảo tâm gần 5.500 suất quà, 4.460 suất cháo, 9.012 suất cơm miễn phí và hỗ trợ khoảng 550.000.000đ cho hơn 400 lượt bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.