Dân Việt

Số phận điệp viên KGB điển trai đào tẩu sang Mỹ

Nguyễn Quang 02/10/2020 07:05 GMT+7
Bí mật chạy trốn sang Mỹ nhưng trong suốt 5 năm trời, người ta vẫn nghĩ rằng y bị các sĩ quan cảnh sát say rượu giết chết.
Số phận điệp viên KGB điển trai đào tẩu sang Mỹ - Ảnh 1.

Trong ảnh: cựu thiếu tá KGB Viktor Sheimov (Ảnh: trích từ video)

Mới đây, ngày 18/10/2019, cựu thiếu tá KGB Viktor Sheimov đã qua đời ở tuổi 73 tại nhà riêng ở thành phố Vienna thuộc bang Virginia của Mỹ. Ở Mỹ, Viktor Sheimov được đặt mật danh là "Sapphire".

Trước khi bỏ trốn, kẻ phản bội đã phục vụ trong Tổng cục 8 của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh kỹ thuật hệ thống mật mã của KGB và lãnh đạo cao nhất của đất nước, cũng như nghiên cứu các thiết bị và khóa mật mã mới.

Kẻ phản bội trốn thoát khỏi Liên Xô vào giữa tháng 5/1980 nhưng thực tế y đã liên lạc với tình báo Mỹ từ khá lâu trước đó. Lần đầu tiên, việc kết nối không thành công, và tới lần thứ hai Sheimov mới liên hệ được với CIA.

Ngày 30/10/1979, một sĩ quan KGB, trong chuyến công tác ở Warsaw, đã đánh lừa sự cảnh giác của nhân viên bảo vệ Đại sứ quán Liên Xô, nơi anh ta đang trú ngụ, lặng lẽ rời khỏi tòa nhà và tìm cơ hội gặp gỡ các nhân viên CIA tại Đại sứ quán Mỹ, anh ta thú nhận muốn chạy sang hàng ngũ phương Tây.

Viên thiếu tá KGB, một chuyên gia cao cấp và có quyền truy cập vào các bí mật của KGB và quốc gia đã thuyết phục các sĩ quan tình báo Mỹ về sự hữu ích của mình bằng cách chuyển cho phía Mỹ những thông tin tuyệt mật.

Chỉ 2 tuần sau cuộc gặp gỡ này, sự phản bội của Sheimov đã giúp cho tình báo Mỹ cài đặt một thiết bị đặc biệt tại một trong những cống ngầm ở ngoại ô Moscow, nơi có cáp thông tin đặc biệt của KGB đi qua. Thiết bị này có thể quét được tất cả thông tin được gửi đi và đến từ các mạng lưới tình báo của KGB ở nước ngoài theo đường dây kín.

Kết quả là, 5 năm sau đó, CIA đã có thể nghe thoải mái các cuộc đàm phán bí mật và đọc thư từ của cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô với các mạng lưới tình báo của mình trên khắp thế giới.

Mãi tới năm 1985, các hoạt động này của CIA mới bị chấm dứt do thiết bị đặc biệt bị phát hiện và tháo dỡ.

Sau cuộc gặp đầu tiên của Sheimov với các ông chủ mới vào năm 1979, phía Mỹ đã yêu cầu "Sapphire" cung cấp cho họ những thông tin bí mật và anh ta đã nhiều lần chuyển cho các điệp viên Mỹ ở Moscow. Đồng thời, CIA cũng vạch ra kế hoạch đưa điệp viên này cùng gia đình y ra nước ngoài.

Mọi thứ đã sẵn sàng vào năm 1980. Để giữ bí mật và tung hỏa mù nhằm che giấu dấu vết, Sheimov quyết định chơi trò "tự giết" mình và cả gia đình. Giữa tháng Năm, y cùng với những người trong gia đình làm ra vẻ như là đi về khu nhà vườn rồi bỗng nhiên ... biến mất.

Trên thực tế, kẻ phản bội đã lang thang khá lâu khắp thành phố, sau đó thay quần áo, chui xuống tàu điện ngầm và dùng các mánh khóe khác để tránh sự giám sát. Sau đó, anh ta gặp vợ và con gái tại nhà ga rồi lên tàu đi Lviv.

Đến Tây Ukraine, gia đình họ lại đi bằng tàu hỏa đến Uzhgorod. Ở đó, họ được một người Ba Lan- cũng là đặc vụ của CIA- chờ sẵn, đón cả gia đình Sheimov bằng chiếc "Volga" của mình.

Chiếc xe đã được thiết kế lại một cách đặc biệt: có một cái hộc ở dưới ghế sau và tấm ngăn giữa ghế sau với khoang đựng hành lý được dịch lui về phía sau. Không gian được tạo ra có thể để cho Sheimov cùng với vợ và con gái của mình ngồi thoải mái.

Viên đặc vụ Ba Lan đã đưa những người chạy trốn đến Tiệp Khắc, bàn giao cho người Mỹ - và các nhân viên người Mỹ đã đưa gia đình Sheimov qua biên giới đến thủ đô Áo. Từ Vienna, họ đã bay thẳng đến Hoa Kỳ. Tất cả những thăng trầm đó đã được kể lại trong hồi ký của chính kẻ phản bội.

Tuy nhiên, các nhân viên phản gián Liên Xô lại hướng việc truy tìm theo một kịch bản hoàn toàn khác, và họ có những cơ sở cho những suy luận đó. Theo giả thuyết của họ, thì khi ở Moscow, gia đình Sheimov đã lên xe của phái bộ Mỹ, đưa họ đến tòa nhà của Đại sứ quán Mỹ.

Ở đó, Sheimov đóng giả là phi công lái máy bay chở khách, được hóa trang và đưa đến sân bay với tư cách là người của phi hành đoàn. Sau đó, một container thư từ ngoại giao (không được phép kiểm tra) được chuyển đến sân bay. Con gái và vợ của kẻ phản bội được giấu trong đó.

Tất nhiên, việc viên thiếu tá mất tích gần như ngay lập tức được phát hiện. Nhưng, không tìm thấy anh ta và gia đình ở bất cứ nơi nào nên người ta bắt đầu tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Và khi biết được trước đó 1 ngày anh ta đi nghỉ ở khu nhà vườn cùng vợ và con gái thì người ta nghĩ ngay đến giả thuyết gia đình Sheimov đã bị giết.

Giả thuyết này tình cờ được gián tiếp xác nhận bởi một vụ án khác có nhiều điểm trùng hợp ngẫu nhiên: Ngày 26/12 cùng năm, phó trưởng ban thư ký KGB, Thiếu tá An ninh Vyacheslav Afanasyev đã bị đánh đập dã man và qua đời trong bệnh viện vào ngày 1/1/1981). Vụ việc xảy ra tại ga tàu điện ngầm "Zhdanovskaya" (nay là ga "Vykhino").

Qua quá trình điều tra, các nhân viên cảnh sát đã nhận tội và trong quá trình điều tra vụ giết người này, hàng chục tội ác khác cũng đã được phanh phui. Các bị cáo nói rằng họ giết chết viên thiếu tá KGB Viktor Sheimov đang bị truy nã cùng vợ và con gái của y, thế nhưng, hóa ra họ lại tự buộc tội mình.

Cuộc điều tra kéo dài hơn 2 năm. Tất cả các nhân viên Phòng 5 đã bị sa thải và nhận các án tù khác nhau. Ngoài ra, còn có 300 cảnh sát thuộc các đơn vị tuyến khác nhau cũng bị sa thải.

Bốn cảnh sát cùng với thủ trưởng của họ, những kẻ trực tiếp tham gia vào vụ giết người, đã bị xử bắn theo lời tuyên của tòa án. Vụ giết người này cũng dẫn đến việc sa thải Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô Nikolai Shchelokov năm 1982

Lý do các nhân viên cảnh sát bịa đặt ra về ý đồ giết người của họ mãi 5 năm sau mới trở nên rõ ràng, khi sự thật về cuộc chạy trốn của kẻ phản bội được tiết lộ.

Thông tin này được đặc vụ FBI Hoa Kỳ Robert Hanssen, người được KGB tuyển dụng vào năm 1988, xác nhận. Tuy nhiên, suốt 5 năm, Sheimov và cả gia đình y đều bị coi đã chết. Trong khi đó, kẻ phản bội đã làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ trong 15 năm, sau khi trốn thoát.

Như tờ "Washington Post" đã viết vào thời đó, kẻ đào ngũ ngay từ những năm 1970 "đã thất vọng về những chủ nhân của mình". Bản thân kẻ phản bội trong hồi ký của mình cũng viết rằng anh ta "đầy thù hận với chính quyền và mong muốn đoạn tuyệt với nó".

Nhưng vào đầu những năm 1990, mới lộ diện kẻ đào ngũ chạy trốn không phải vì căm ghét chế độ mà y khao khát chia tay chỉ vì một khoản tiền lớn.

Sự thật là trước khi chạy trốn sang phương Tây, anh ta đã đặt điều kiện cho các ông chủ người Mỹ trả một triệu đô la cho sự phản bội và những thông tin bí mật.

Tuy nhiên, sau khi đã "hút" tất cả các thông tin có giá trị từ Sheimov, CIA chỉ trả cho kẻ phản bội số tiền 27 nghìn đô la mỗi năm. Không nhận được số tiền như đã được hứa hẹn, năm 1991, Sheimov đã khởi kiện CIA và thắng kiện: luật pháp và tòa án đã đứng về phía kẻ đào ngũ.

Bán lại cho Hoa Kỳ tất cả những bí mật mà y nắm giữ và nhận được số tiền theo yêu cầu từ CIA, Sheimov đã gây thiệt hại cho Liên Xô với số tiền cao gấp hàng trăm lần so với khoản "thù lao" được trả cho sự phản bội của y.

Đến cuối đời, Sheimov ngày càng bị các vấn đề sức khỏe và đặc biệt là chứng viêm phổi hành hạ. Không hiểu những năm tháng cuối đời y có cảm thấy ân hận vì lương tâm cắn dứt hay không, nhưng trong ký ức của đồng nghiệp và trong tâm trí của những người Nga bình thường, y sẽ mãi mãi chỉ là kẻ phản bội.