Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng vào những tuần gần đây. Nếu như trước đây trong giai đoạn giãn cách xã hội hầu như không có ca mắc tay chân miệng thì đầu tháng 9 trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho hơn 30 ca. Hiện có 1 ca nặng đang nằm khoa hồi sức và 1 ca có biến chứng tim mạch. May mắn là chưa có ca nào tử vong.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, một loại "vũ khí" chống lại chứng co giật ở trẻ khi mắc tay chân miệng là thuốc tiêm đường tĩnh mạch phenobarbital. Đây là loại thuốc quen dùng của các bác sĩ nhi khoa. Trong danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành năm 2018 cũng có tên thuốc này.
Phenobarbital cũng có tên trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế, được dùng khi bệnh nhi mắc tay chân miệng bắt đầu trở nặng (độ 2A, độ 2B) để xử lý ngay tình trạng co giật của trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thuốc phenobarbital giúp cho trẻ nằm im trong quá trình điều trị (ở giai đoạn độ 2B, trẻ cần nằm yên tránh tăng biến chứng). Thuốc phenobarbital, ngoài điều trị tay chân miệng còn điều trị các bệnh lý như động kinh hay co giật ở trẻ sơ sinh do thời gian điều trị duy trì được lâu và ít gây ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp.
"Tuy nhiên, đến thời điểm này, không chỉ bệnh viện Nhi đồng 1 thiếu mà cả nước đều cạn thuốc vì lô nhập cuối cùng có hạn sử dụng 24/9 đã được sử dụng hết, sau đợt đó không nhập về nữa", bác sĩ Khanh thông tin.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết, hiện bệnh viện cũng đang gặp tình trạng tương tự là thiếu thuốc phenobarbital. Lãnh đạo bệnh viện có đề xuất nhập thuốc nhưng được phản hồi không nhập được và bệnh viện đang sử dụng thuốc an thần khác để thay thế.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Châu Việt, hiệu quả không được như mong đợi vì có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang sử dụng các loại thuốc khác thay thế phenobarbital. Tuy nhiên, những loại thuốc thay thế này sẽ khiến bệnh nhi phải truyền trong thời gian dài và có thể gây suy hô hấp.
"Hiện chúng tôi chưa ghi nhận có thuốc nào an toàn hơn phenobarbital để thay thế. Việc sử dụng các loại an thần khác sẽ kéo dài thời gian điều trị, có thể gây suy hô hấp và phải dùng máy thở, trẻ sẽ tăng biến chứng về hô hấp, chi phí cũng sẽ cao hơn từ 10 đến 20 lần", bác sĩ Khanh cho biết.
Ôn Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TPHCM, cho biết, Sở Y tế đã có công văn đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu thuốc phenobarbital và mới đây, Cục Quản lý dược trả lời rằng, đến thời điểm này hiện không có thuốc phenobarbital từ nguồn cung nước ngoài trên toàn bộ hệ thống, các nhà sản xuất cũng đã ngưng sản xuất, Bộ Y tế đang khuyến cáo các bệnh viện xây dựng phác đồ điều trị dùng thuốc khác thay thế cho phenobarbital.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần 38, thành phố ghi nhận 640 ca bệnh tay chân miệng, tăng hơn 50% so với những tuần trước đó. Số ca tích lũy đến tuần 39 là 6.358 ca, chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng. Số ca bệnh trong tuần tăng tại 22/24 quận huyện, tăng mức độ cảnh báo ở các quận huyện: quận 9, 12, Tân Phú và Bình Chánh..
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Đa số trên 90% trẻ sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng.
"Có thể đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi gần nhà xem có đúng không. Trẻ có dấu hiệu nặng khi sốt hơn hai ngày, sốt hơn 39 độ C, uống thuốc khó hạ, hay nôn ói, nhợn ói, cần đưa đi bệnh viện. Trẻ mắc bệnh nặng thường giật mình chới với lúc mới ngủ, không giống với giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu, không đi vững, tay chân yếu, người run, cần đưa đi bệnh viện gấp. Bệnh quá nặng khi trẻ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.