Bà Hà cũng cho biết, hiện, tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc đã giảm mạnh, chỉ còn trên 10.000 người. 10 quận huyện thuộc 5 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình và Quảng Bình đang bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc do có tỷ lệ lao động bỏ trốn, không về nước cao.
Trước đó, Trung tâm Lao động Ngoài nước đã gửi danh sách 1.750 lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc bỏ trốn tại nơi làm việc đến các Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố, nơi họ đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi xuất khẩu lao động để xử lý khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng.
Theo quyết định số 12/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm ký quỹ đối với người lao động theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS), từ ngày 15/5/2020, trước khi sang Hàn Quốc làm việc, người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng và về nước đúng hạn sau khi chấm dứt hợp đồng.
Số tiền này sẽ được hoàn lại cả gốc lẫn lãi trong trường hợp người lao động về nước đúng hạn sau khi chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi thị thực cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc, tử vong, hoặc các trường hợp bị mất tích theo quy định pháp luật trong thời gian làm việc theo hợp đồng.
Trước đó, chiều 1/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết chưa có thông tin gì về việc Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tuyên bố ngừng tuyển lao động Việt Nam.
Đầu tháng 10, một số trang tin của cộng đồng người Việt ở nước ngoài rộ lên thông tin kể từ tháng 1/2021, Hàn Quốc sẽ ngừng tuyển lao động Việt Nam do "tỷ lệ tội phạm vượt ngưỡng cho phép". Cũng theo các trang này, lao động bất hợp pháp đầu thú sẽ được phép ở lại Hàn Quốc thêm một năm làm việc trái ngành.