Phạm Thị Kim Huệ được xem là phụ công tài năng và xinh đẹp bậc nhất của bóng chuyền Việt Nam từ xưa đến nay. Với đòn tấn công nhảy 1 chân đã thành thương hiệu, cô từng giành 9 chức vô địch quốc gia, 7 tấm HCB SEA Games và lập kỷ lục 17 lần liên tiếp tham dự giải vô địch quốc gia.
Tuy nhiên, con đường sự nghiệp của VĐV sinh năm 1982 không trải đầy hoa hồng. Hồi năm 2019, trên một chương trình truyền hình, Kim Huệ đã chân thành chia sẻ nhiều chuyện hậu trường với khán giả.
“Năm 2006 tôi gặp chấn thương rất nặng. Do tập luyện quá sức trong khi thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sau thi đấu lại rất ít nên tôi bị rạn xương ống chân, phải phẫu thuật. Nhưng sau khi mổ xong, vì đi thi đấu sớm nên tiếp tục bị tái phát. Tôi phải xin mổ trái tuyến, tự bỏ tiền lo chi phí với mong muốn trị dứt hẳn”.
“Lúc đó ở đội tìm được một số VĐV trẻ tài năng, trong khi người ta nghĩ tôi đã có tuổi, lại mổ lần hai như vậy thì chắc gì đã có thể trở lại thi đấu, nên tôi bị mọi người lơ đãng. Bản thân tôi cảm thấy vô cùng bế tắc”, Kim Huệ rưng rưng nước mắt kể về thời gian khó khăn nhất sự nghiệp.
Với ngọn lửa đam mê còn rực cháy, Kim Huệ trở lại tập luyện sau 3 năm rời xa sân bóng để lập gia đình và sinh con. Thời điểm đó, các HLV trong ban huấn luyện đã đến tận nhà thuyết phục gia đình của Kim Huệ để cô trở lại thi đấu, dìu dắt lớp trẻ khi đàn em vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Thậm chí vì tình yêu với bóng chuyền, Kim Huệ còn hy sinh quyền nuôi con cho chồng sau khi hôn nhân tan vỡ.
“Phụ nữ chơi thể thao là một thiệt thòi, phải tập luyện từ 6h sáng đến 6h tối. Đi thi đấu quanh năm suốt tháng nên thời gian cho gia đình là rất ít.
Đã lựa chọn con đường này, bản thân tôi không chỉ vượt qua chính mình mà còn phải vượt qua dư luận, vượt qua những lời khen chê của khán giả. Dù vậy, tôi quyết tâm sẽ đi xa nhất, bao giờ chấn thương đến mức không thể thi đấu nữa thì tôi mới dừng lại”, Kim Huệ chia sẻ về những tháng ngày không thể quên của cô với bóng chuyền.
Năm 2017, Kim Huệ tuyên bố giải nghệ và chuyển sang làm công tác huấn luyện ở đội Ngân hàng Công thương. Dù vậy năm 2018, khi đội bóng gặp khó khăn, cô quyết định trở lại để dìu dắt đàn em. Kim Huệ không còn ở đỉnh cao phong độ, nhưng vẫn thể hiện được bản lĩnh, kinh nghiệm trên sân. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 37, Kim Huệ quyết định chuyển hẳn sang công tác huấn luyện với vai trò HLV phó đội Ngân hàng Công thương.