Tại vòng bán kết 3, có tổng cộng 48 dự án đến từ 18 tỉnh thành, trong đó Đồng Tháp dẫn đầu với 9 dự án, TP.HCM có 6 dự án; số còn lại thuộc về các tỉnh thành như Bến Tre, Cà Mau, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Sóc Trăng…
Trong các dự án tham gia vòng thi này, nhiều sản phẩm được đánh giá khá tốt, tạo được sinh kế cho cộng đồng, có tính khả thi cao và đã được thương mại hoá rộng rãi trên thị trường.
Đó là dự án "Khai thác mật hoa dừa tươi" ở Trà Vinh hay "Chế phẩm sinh học cải tạo đất vườn cây ăn trái" của Đồng Tháp, "Chế tạo máy cày mini bằng động cơ xe máy" đến từ Tây Ninh, "Bao bì bảo quản thực phẩm từ màng sinh học Biostarch" của TP.HCM hay "Mắm tôm chà lên men tự nhiên Khổng Tước Nguyên" đến từ Tiền Giang…
Những dự án khác đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung vào việc xây dựng chất lượng sản phẩm cũng như giải quyết các vấn đề sinh kế của cộng đồng. Số lượng dự án ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến khá nhiều.
Qua vòng bán kết, các dự án có được sự kết nối trong hệ sinh thái của cộng đồng thanh niên nông thôn khởi nghiệp, được các chuyên gia, giám khảo nhiều kinh nghiệm chia sẻ, góp ý, hướng dẫn để hoàn thiện dự án, xây dựng và phát triển bền vững.
Trước đó, vòng bán kết 1 khu vực miền Bắc và bán kết 2 khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã diễn ra tại Thái Nguyên và Nghệ An, ban tổ chức đã xác định được 18 dự án xuất sắc nhất vào chung kết. Phần thuyết trình của các dự án cho thấy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nỗ lực tìm kiếm thông tin, khảo sát, đánh giá, tham vấn từ nhiều nguồn… để có được bài thi có ý nghĩa.
Đặc biệt, ban giám khảo đánh giá cao các dự án khu vực miền Bắc và Trung – Tây Nguyên nhờ vào sự gắn kết với trách nhiệm cộng đồng, có nhiểu đổi mới sáng tạo, mở rộng được hệ sinh thái sản phẩm, biết tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau để phục vụ khách hàng.
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn 2020 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA phối hợp với Ban thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức. Chương trình có sự đồng hành của Đề án 844 của Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập cùng các doanh nghiệp như: Vinamit, Trung Nguyên, Tân Hoàn Cầu, An Phước, Minh Long, Tâm Lan, Quà Việt…
Cuộc thi mang mục đích cổ vũ và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tài nguyên bản địa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Cuộc thi thu hút được đông đảo thanh niên hưởng ứng. Sau hơn 2 tháng triển khai, có hơn 345 dự án đại diện cho 56 tỉnh thành gửi các ý tưởng dự án về tham gia. Sau vòng chấm sơ khảo, Ban giám khảo đã chọn ra được 112 dự án đại diện cho 48 tỉnh thành vào tham gia vòng bán kết.