Cửa hàng tiện lợi FamilyMart trên đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1, TP.HCM) vừa nới rộng gấp 3 lần. Cách đó chưa đến trăm mét, GS25 và Circle K mới mọc lên. Quanh đây còn có thêm Mini Stop và gần chục tiệm tạp hóa của dì Lan, bà Bảy...
"Bán cả thế giới"
"Lấy cho em 1 hộp sữa ông Thọ, một 1 kg đường, 1 bịch hạt nêm, 1 bịch Omo loại lớn. À cho em thêm 2 bịch bánh snack luôn nha", chị Quyên nói với chủ tiệm tạp hóa trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1). Chị Quyên còn dặn: khi nào Omo có hàng về nhớ nhắn.
Chị Quyên và những nhà trong con hẻm này là khách quen của tiệm tạp hóa. Họ thường mua muối, đường, bột ngọt, bột giặt, bia, nước ngọt... "Đang nấu nướng mà mấy hũ gia vị hết sạch hay thỉnh thoảng trong nhà mất điện là chạy ra mua đèn cầy. Tôi cũng hay đi siêu thị nhưng không phải vào đó, cái gì cũng nhớ để mua hết", chị Quyên nói thêm.
Chị Xuân Anh, chủ tiệm tạp hoá có diện tích 20m2 trên đường Lạc Long Quân (Q.11) cho biết, có rất nhiều khách quen là công nhân. Dân lao động chạy ăn hàng ngày nên thích mua hàng ở tiệm tạp hóa. "Nhiều người túng thiếu, tôi cũng bán, cuối tháng lãnh lương sẽ trả. Không cần ghi sổ đâu, cứ nhìn mặt nhớ ngay", chị Xuân Anh nói.
Bà Hải Yến, chủ tiệm tạp hóa trên đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh) cho biết, gần 20 năm, chưa hôm nào tiệm vắng khách dù gần đây hàng loạt tiệm tạp hóa lớn nhỏ khác mọc lên. Bà tuyên bố: "bán cả thế giới", khách cần gì có ngay, cửa hàng chi chít đồ đạc nhưng chỗ nào để đường, chỗ nào cất pin, bà đều nhớ rõ.
Tiệm tạp hóa là mô hình bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam phục vụ nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Một khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy, có đến 9/10 người được hỏi thích mua nhu yếu phẩm tại tiệm tạp hóa vì giá rẻ và gần nhà. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng trưởng 12%/năm, quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam năm 2020 đạt gần 180 tỷ USD. Đáng chú ý, kênh bán lẻ truyền thống, trong đó gồm 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa đáp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng.
Mới đây, ứng dụng (app) VinShop có mặt trên kho ứng dụng App Store và CH Play (được cho là của Vingroup) có thể giải quyết được bài toán chất lượng, xuất xứ hàng của tiệm tạp hóa. Đây là app bán buôn, kết nối nhà cung cấp và tiệm tạp hóa, chủ tiệm đặt hàng từ nhà cung cấp. Hàng hóa dành cho tiệm tạp hóa luôn có sẵn trên VinShop với giá ưu đãi, hỗ trợ thanh toán không tiền mặt. Nếu tiệm tạp hóa được số hóa, cuộc chiến với cửa hàng tiện lợi trong tương lai sẽ càng gay cấn.
Cửa hàng tiện lợi tăng tốc
Ngành bán lẻ được dự báo vẫn tăng trưởng, thu nhập của người dân ngày càng tăng nên cửa hàng tiện lợi tiếp tục bành trướng. Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược sản phẩm của Lotte Việt Nam đánh giá: "miếng bánh" cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam vẫn còn thua xa Thái Lan, vì vậy, dư địa vẫn còn rất lớn. "Bằng chứng là gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đổ xô vào, mức tăng trưởng của các chuỗi cũng rất mạnh", ông Tuấn chia sẻ.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi tập trung nhiều nhất tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhiều khu vực như trung tâm Q.1 có hơn chục cửa hàng quy tụ trong bán kính vài trăm mét. Về độ phủ, đứng đầu hiện là chuỗi Circle K với 381 cửa hàng, Mini Stop 147 cửa hàng, FamilyMart là 142, B'smart -108, GS25 -63, 7-Eleven - 43…
Khác với tiệm tạp hóa, thế mạnh của cửa hàng tiện lợi là phục vụ 24/24, xuất xứ rõ ràng, niêm yết giá, có chỗ ngồi, máy lạnh. Học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và giới trẻ là những người lui tới nhiều nhất. Thanh Tùng (sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết, Mini Stop và FamilyMart gần trường lúc nào cũng kín chỗ, nhiều bạn trẻ tận dụng không gian để học bài.
Chuyên gia bán lẻ, thương hiệu và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân nói với Thế Giới Tiếp Thị: "Cửa hàng tiện lợi là một cuộc chiến đốt tiền, chỉ dành cho những tay chơi có nguồn lực tài chính lâu dài. Doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ lớn bao giờ cũng muốn tăng độ phủ để lấy thị phần, sau đó mới quay về tối ưu hóa lợi nhuận".
Không chỉ cạnh tranh với những thương hiệu cùng mô hình, cửa hàng tiện lợi đang đối mặt với tiệm tạp hóa!