Cụ thể, với lĩnh vực vay mua nhà, Techcombank đang có mức lãi suất 7,49%/năm; hai "ông lớn" Vietcombank và BIDV có mức lãi suất cao hơn, lần lượt là 7,7%/năm và 7,8%/năm. Trong khi đó, một số NH có quy mô nhỏ hơn đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, Maritime Bank cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi 6,59%/năm; NH Tiên Phong (TPBank) 6,9%/năm;…
Đáng chú ý, từ đầu tháng 9/2020, lãi suất ưu đãi cho vay cá nhân tại ABBank ở mức thấp nhất chỉ từ 5,9%/năm. Cụ thể, với chương trình "Vay ưu đãi - Lãi an tâm" khách hàng có thể lựa chọn 2 hình thức ưu đãi. Gói ưu đãi 1 áp dụng mức lãi suất chỉ từ 5,9%/năm cho 6 tháng đầu, 6,9%/năm cho 6 tháng tiếp theo. Gói ưu đãi 2 có lãi suất ổn định 6,9%/năm trong 12 tháng đầu, kèm các ưu đãi về phí trả nợ trước hạn.
Tuy nhiên, nếu xét chung về mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà, nhóm các ngân hàng nước ngoài vẫn là hấp dẫn nhất. Chẳng hạn, NH Standard Chartered hiện cho vay ưu đãi 6,49%/năm; Shinhan Bank cho vay 6,9%/năm; Woori Bank cho vay 7%/năm.
Ở lĩnh vực cho vay mua ô tô, SHB đang áp dụng lãi suất chỉ còn 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đầu; kế đến là Maritime Bank, hiện áp dụng cho vay mua xe mức lãi suất ưu đãi 6,99%/năm và VietinBank cũng cho vay lãi suất 7,7%/năm áp dụng với 12 tháng đầu tiên. Nhóm các nhà băng còn lại đang cho vay ô tô ở mức trên 8% đến dưới 10% như BIDV cho vay 8%/năm; Techcombank 8,19%/năm; Vietcombank 8,4%/năm; NH Quân đội (MBB) 8,5%/năm...
Nhóm các NH nước ngoài cũng đang đẩy mạnh cho vay mua ô tô với lãi suất khá hấp dẫn, như: Standard Chartered áp dụng lãi suất 7,25%/năm cho 12 tháng đầu, với thời gian 24 tháng là 8,49%/năm và 36 tháng là 8,75%/năm; Shinhan Bank áp dụng mức lãi suất 7,69%/năm cho 12 tháng đầu, với kỳ hạn 24 tháng đầu là 8,6%/năm và 36 tháng đầu là 9,5%/năm; Woori Bank đang cho vay mua ô tô với lãi suất 7%/năm, áp dụng trong 12 tháng đầu tiên…
Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà, mua xe thời gian qua gần ngang bằng lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng của nhiều NH. Không những thế, khách hàng còn được vay từ 70% giá trị nhà, xe trở lên, trong thời hạn dài. Vì vậy, việc đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này thời gian qua cũng tạo ra những tín hiệu tích cực trong dư nợ bán lẻ của nhiều nhà băng; chưa kể, vay mua nhà, ô tô được thế chấp bằng chính các tài sản này nên rủi ro cho phía các NH khá thấp, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội...
Ngoài đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng qua các gói vay mua nhà, sắm xe; một số NH khác lại khéo léo chuyển hướng khách hàng chiến lược, nhờ vậy tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm vẫn khá ổn.
Tại TPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, tín dụng của NH 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt. Mặc dù mảng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhóm thương mại, vận tải, du lịch… rất khó khăn, song TPBank lại tích cực phát triển các nhóm khách hàng khác như cho vay cá nhân, doanh nghiệp lớn, tập trung vào nhóm doanh nghiệp sản xuất (sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng sạch…).
"Dù Covid-19 tác động mạnh đến một số nhóm khách hàng, nhưng TPBank có những nhóm khách hàng khác để bù lại. Nhờ vậy, NH vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả hoạt động", ông Hưng nói.
Ở một loạt các NH khác như VPBank, Techcombank, HDBank…, tín dụng vẫn tăng trưởng khả quan từ đầu năm đến nay. Bằng chứng là, các NH này đã tăng trưởng gần hết room tín dụng chỉ trong 6-7 tháng đầu năm, mới được NHNN nới mạnh room lên 19-23% trong năm nay.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống TCTD đã triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng. Về hỗ trợ tín dụng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, đến ngày 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng.
(Ngân hàng Nhà nước)