Sống ở nơi “đất khách quê người”, những tỷ phú này từng phải trải qua nhiều cơ cực nhưng vẫn cố gắng nuôi dưỡng ước mơ làm giàu.
Tỷ phú đứng sau hàng loạt vụ thương thuyết chấn động phố Wall
Chính Chu (SN 1966) là một tỷ phú gốc Việt được đánh giá thành đạt nhất trong cộng đồng kinh doanh người Việt tại Mỹ. Ông đứng sau hàng loạt vụ thương thuyết chấn động cả phố Wall, từng sở hữu khối tài sản khoảng 1 tỷ USD ở tuổi 48.
Vị đại gia sinh tại Việt Nam trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 1975, gia đình ông sang Mỹ định cư với số vốn ít ỏi và sống cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính điều đó đã tạo động lực giúp ông quyết tâm nỗ lực để thành công.
Chính Chu vừa đi học, vừa bán sách, vừa giao hàng tận nhà. Sau đó ông tốt nghiệp ngành Tài chính của Đại học Buffalo – một ngôi trường không có danh tiếng ở Mỹ. Bởi vậy 15 lá đơn xin việc của ông gửi đi đều bị từ chối. Nhưng ông không hề bỏ cuộc, thay vào đó có thêm hứng thú với lĩnh vực tài chính hơn.
Năm 1998, Chính Chu được nhận vào làm tại bộ phận mua bán và sáp nhập của Công ty Salomon Brothers. Và 2 năm sau, cơ hội đã đưa ông đến với lĩnh vực tài chính khi chuyển qua Tập đoàn tài chính Blackstone.
Chính Chu đã giúp tập đoàn này hoàn thành nhiều vụ đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD)... Năm 2004, tập đoàn này thực hiện vụ mua lại lớn nhất lịch sử châu Âu khi nắm quyền kiểm soát Tập đoàn Hóa chất Celanese của Đức với giá 3,8 tỷ USD. Theo đánh giá, bản hợp đồng này được ký kết nhờ nỗ lực thương thảo của chính vị tỷ phú gốc Việt. Ông còn dẫn đầu các nhà đầu tư trong nỗ lực thâu tóm Dell vào năm 2013.
Năm 2015, Chính Chu rời Blackstone vì muốn khám phá những thách thức mới. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục hoạt động đầu tư thông qua một công ty tư vấn tài chính, làm cố vấn cấp cao cho tập đoàn này và theo đuổi các hoạt động phi lợi nhuận khác. “Đây là nơi ưu ái nhân tài và luôn tập trung vào những chuẩn mực cao nhất”, ông từng nói về quãng thời gian làm việc tại đây.
Đến cuối năm 2015, vị đại gia sáng lập và giữ chức Giám đốc điều hành cấp cao CC Capital – công ty đầu tư và vận hành các doanh nghiệp chất lượng cao. Năm 2016, ông tạo ra ba SPAC – các công ty được thành lập nhằm mua hoặc sáp nhập với công ty khác…
Chính Chu còn là chủ sở hữu của 1 trong 10 chuỗi khách sạn xa hoa nhất thế giới - Hilton - với những khu nghỉ dưỡng trong mơ. Ông từng được truyền thông chú ý và biết đến là “thương nhân ẩn danh” khi chi 34,3 triệu USD để mua trọn tầng 89, một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower, khiến Tổng thống Donald Trump "nóng mặt". Nhưng sau những cố gắng bất thành để mua nốt nửa tầng còn lại, ông bỏ thêm 5 triệu USD để tăng không gian trên tầng mái tòa nhà, nâng tổng chi phí lên 39,3 triệu.
Vợ của tỷ phú gốc Việt chính là ca sĩ Hà Phương – em gái của ca sĩ Cẩm Ly. Ông yêu chiều vợ hết mực và chưa bao giờ tiếc tiền đầu tư sự nghiệp cũng như đam mê của vợ….
Huyền thoại tỷ phú công nghệ trên đất Mỹ
Trung Dũng (SN 1967) là một lập trình viên, tỷ phú người Mỹ gốc Việt. Năm 1984, ông rời Việt Nam sang Mỹ khi trong túi chỉ có vỏn vẹn 2 USD và vốn tiếng Anh ít ỏi. Ban đầu, ông và chị của mình xin được lưu trú ở Louisiana rồi chuyển sang Boston.
Một năm sau, ông vượt qua được kỳ thi tương đương trung học và ghi tên học Toán và Tin ở trường Đại học Massachusetts ở Boston. Ông tiếp tục vừa học vừa đi làm mướn: rửa bát trong nhà hàng, kỹ thuật viên ở các phòng máy tính… để nuôi sống gia đình và bản thân.
Sau thời gian theo học, ông đã lấy được hai bằng đại học về tin học và toán học rồi toàn thành phần lớn chương trình cao học. Cuối năm 1995, sau khi mẹ mất, ông từ bỏ công việc chạy thử phần mềm để theo đuổi kế hoạch: Phát triển chương trình có thể giúp các công ty chỉ đạo, kiểm soát và quản lý công việc kinh doanh qua mạng. Nhưng ông không có tiền mua máy tính kinh doanh nên phải đưa chiếc máy tính bàn cồng kềnh lên chiếc xe hơi rồi kéo đi khắp nơi để giới thiệu phần mềm này.
Vì không có thành tích gì nổi bật nên ông không thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Sau đó người bạn đã giới thiệu ông với một nguyên ủy viên Ban Quản trị Sybase Inc đã về hưu nhưng vẫn muốn tham gia vào ngành công nghệ kỹ thuật cao.
Với kiến thức về máy tính, năm 1996, ông thành lập onDisplay, chương trình giúp các doanh nghiệp lấy dữ liệu từ những vị trí khác trên mạng trong khi vẫn ở tại chỗ của mình. Năm 1999, khi công ty chuyển sang cổ phần hóa, trị giá cổ phiếu của ông trên giấy tờ là 85 triệu USD.
5 tháng sau, ông chuyển nhượng công ty và thương thiệu cho một đơn vị khác với cái giá 1,8 tỷ USD. Sau đó ông mở thêm một công ty phần mềm mới với hy vọng tỏa sáng hơn công ty trước.
Năm 2005, ông thành lập và giữ vị trí giám đốc điều hành tập đoàn V-Home Group, gồm những doanh nhân người Mỹ gốc Việt thành đạt muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Câu chuyện về sự thành công của ông Trung Dũng đã trở thành “huyền thoại” trong giới công nghệ cao và được nhiều tạp chí nổi tiếng tường thuật, in tron trong cuốn sách The American Dream (Giấc mơ Mỹ) của biên tập viên đài CBS Dan Rather.
Ngôi sao tỏa sáng trên đất Lào
Bà Leuang Litdang, tên tiếng Việt là Lê Thị Lương là doanh nhân nổi tiếng trên đất Lào, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực trồng và chế biến cà phê, cửa hàng miễn thuế, hàng tiêu dùng… Bà là Chủ tịch Tập đoàn Dao Heuang.
Bà Lương sinh ra trong gia đình nghèo khó, có tới 8 anh chị em. Thuở nhỏ, bà phải lăn lộn làm thuê đủ mọi ngành nghề như gánh nước, giặt ủi quần áo thuê….
Với thu nhập ít ỏi, bà quyết tìm đường lên Viêng Chăn bán bún cà ri, bánh gai và bánh khọt. Sau đó bà chuyển qua Bangkok học nghề may, mở cửa hàng tạp hóa.
Đến những năm 1976-1980, nắm bắt cơ hội người Việt sang Lào làm ăn nhiều, bà quyết định mở một cửa hàng tạp hóa. Đến giữa thập niên 80, khi Lào chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, bà Lượng quyết định kinh doanh cà phê.
Sau một thời gian, bà dấn thân vào nghiệp trồng cây cà phê trên đất Lào. Và 10 năm sau, bà vươn lên trở thành doanh nghiệp trồng, thu mua và xuất khẩu cà phê lớn nhất Lào. Chưa dừng ở đó, tập đoàn còn mở rộng sang lĩnh vực sản xuất nước tinh khiết đóng chai, trồng và chế biến trà xanh, kinh doanh khách sạn,…
Năm 2012, bà Lương được Thời báo Nhật Bản bình chọn là 1 trong 100 CEO châu Á trong kỷ nguyên mới.
Người Việt thành đạt nhất ở Thái Lan
Darunee Kriboonyalai sinh ra trong gia đình có bố mẹ là người gốc Hà Nội, sau đó lưu lạc sang Lào rồi định cư tại Thái Lan. Khi bố mẹ ly dị, bà sống với mẹ làm nghề buôn bán lẻ dược phẩm giữa thủ đô Bangkok. Bà phải cùng các chị em của mình phụ mẹ tần tảo mưu sinh giữa nơi “đất khách quê người” với ước mơ học thành tài.
Cuối cùng, ước mơ của nữ đại gia cũng thành hiện thực. Bà là một trong số ít người Việt ở Thái thi đậu vào trường đại học danh tiếng Chulalongkorn. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán loại giỏi rồi kết hôn với một người đàn ông gốc Hoa. Hai vợ chồng bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh của mình.
Với số vốn ít ỏi, vợ chồng bà Darunee mở một đại lý chuyên máy lạnh York của Mỹ ở Bangkok. Gần 7 năm kinh doanh, bà đã thành lập được công ty riêng chuyên sản xuất máy lạnh Senator. Khi ấy bà mới 30 tuổi và mọi việc điều hành công ty đều do bà đương đảm.
Chỉ trong vài năm, nhãn hiệu máy lạnh của nữ đại gia đã trở thành một thương hiệu quen thuộc với doanh thu lên đến 500 triệu baht (tương đương 15 triệu USD)/năm. Ngoài ra, vợ chồng bà còn sở hữu cổ phần trong nhiều công ty sản xuất, kinh doanh điện máy lớn khác ở Thái Lan.
Sau 30 năm kinh doanh, nữ đại gia được giới kiều bào đánh giá là một người con gốc Việt thành đạt ở Thái Lan. Bà từng chia sẻ, từ bé bà đã được mẹ dạy tiếng Việt cũng như mọi phong tục truyền thống của Việt Nam, nhất là việc bếp núc, chăm lo cho gia đình…