Từng có nhiều cuốn sách viết về vị vua sáng lập vương triều Nguyễn với các góc cạnh khai thác khác nhau, nhưng tác phẩm Vua Gia Long của nhà biên khảo sử thuộc địa kiêm nhà văn Pháp Marcel Gaultier (Đỗ Hữu Thạnh dịch), ra mắt tại Sài Gòn năm 1933, mới đây được Omega và NXB Thế Giới ấn hành nhân 200 năm ngày mất của nhà vua, vẫn hấp dẫn, tươi mới.
Tác giả Marcel Gaultier (1900 - 1960) xuất thân là một biên tập viên thuộc Ban Dân sự Đông Dương. Ông biên khảo lịch sử Vua Gia Long năm mới 32 tuổi, sau hơn 10 năm đến Việt Nam. Sau đó ông còn viết cuốn Vua Minh Mạng (1935) được nhận giải thưởng Therouanne của Viện Hàn lâm Pháp trao cho công trình sử học hay năm 1937. Ngoài ra, ông có hai công trình biên khảo độc đáo nữa về vua Hàm Nghi là Nhà vua bị lưu đày (1940) và Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Hàm Nghi, hoàng đế An Nam (1959). Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn để lại hơn 10 tác phẩm, trong đó có 3 tiểu thuyết, hồi ký và nhiều biên khảo giá trị về lịch sử Việt Nam.
Vua Gia Long chia làm 4 chương, phần mở đầu là những góc nhìn khái quát về quốc sử Việt Nam thu gọn trong mối bang giao với Trung Quốc, Champa, các giáo sĩ phương Tây và các xung đột bên trong quốc gia.
Nhân vật chính Nguyễn Ánh bắt đầu lộ diện ở chương 2. Lúc Nguyễn Ánh 17 tuổi, chú của ông là chúa Duệ Tông và cháu là Mục vương bị Tây Sơn giết. Ông trở thành người thừa kế các chúa Đàng Trong. Bị lùng sục, ông trốn khỏi Gia Định, về sống chui nhủi ở vùng đầm lầy Cà Mau rồi dạt ra một đảo hoang ở vịnh Xiêm La. Chỉ huy quân Tây Sơn là Nguyễn Hòa truy gắt, cho đội thủy binh trấn đóng ngay cửa sông Đốc để chặn đường Nguyễn Ánh, nhưng cuối cùng ông may mắn thoát hiểm trong gang tấc. Trước tình thế quân lính thất bại trong cuộc rượt đuổi, Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ đành quay về Quy Nhơn, để lại phò mã Trương Văn Đa và Chưởng tiền Bảo trông coi vùng Nam bộ. Tiếp đó là các câu chuyện về hai nhân vật Bá Đa Lộc và Nguyễn vương trong sự vận động của cuộc chiến với Tây Sơn và chính trường Pháp. Sự lên ngôi của vua Gia Long, những âm hưởng cuối của cuộc chiến và việc cai trị, tổ chức bộ máy hành chính, luật pháp, đối ngoại, lòng dân... trong giai đoạn này, cùng sự tiên tri về thất bại của mô hình quản lý đất nước theo kiểu truyền thống, công cuộc bế quan tỏa cảng trước làn sóng tìm kiếm thuộc địa và thương mãi...
PGS-TS ngữ văn Bửu Nam nhận xét: "Cuốn sách viết về nhân vật sử Việt dưới nhãn quan người Pháp, chịu ảnh hưởng ít nhiều của lối viết sử thuộc địa (đề cao vai trò người Pháp), chịu sự chi phối ít nhiều của nhãn quan Thiên Chúa giáo, sử dụng nhiều lăng kính trong tường thuật... do đó có những thành tựu đáng kể và cũng có những hạn chế nhất định".