Dân Việt

Bộ GDĐT nói về việc phụ huynh bị miệt thị vì từ chối đóng tiền "tự nguyện"

Bích Hà - Duy Thiên 04/10/2020 09:33 GMT+7
Việc một người mẹ bị thóa mạ, miệt thị vì từ chối đóng khoản tiền tự nguyện đã gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng nên giải tán hội phụ huynh, vì đây chỉ là “cánh tay nối dài” của nhà trường làm tăng việc lạm thu. Trong khi đó, Bộ GDĐT khẳng định không thể vì một vài trường hợp mà bỏ hội phụ huynh.

Bị lăng mạ vì không đóng tiền do Hội phụ huynh gợi ý

Bộ GDĐT nói về việc phụ huynh bị miệt thị vì từ chối đóng tiền "tự nguyện" - Ảnh 1.

Các khoản thu "núp bóng" tự nguyện là gánh nặng với nhiều gia đình vào đầu năm học. Ảnh minh họa: ĐAN

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận, trường đã nhận được đơn thư phản ánh liên quan đến việc một phụ huynh có con học lớp 10 của trường bị Ban đại diện cha mẹ học sinh (hội phụ huynh) của lớp miệt thị, mỉa mai vì không đóng tiền ủng hộ quỹ lớp.

Trong đơn thư, vị phụ huynh của trường cho biết, trong buổi họp đầu năm, hội phụ huynh của lớp đề nghị mỗi em đóng 1,5 triệu đồng tiền quỹ. Một số phụ huynh đã phản đối vì cho rằng số tiền này quá cao.

Sau khi tranh luận, hội đã đi đến thống nhất sẽ thu tiền quỹ là 700.000 đồng.

Tuy nhiên, trong số các phụ huynh của lớp có một người vẫn không đồng ý đóng một số khoản, mà chỉ đóng 237.000 đồng (bao gồm tiền photo và tiền sinh hoạt lớp). Sau một hồi bàn luận trong nhóm trên mạng xã hội, cuối cùng Hội phụ huynh cũng đã đồng ý trả lại cho chị 500.000 đồng.

Tưởng mọi chuyện sẽ dừng lại. Nhưng không, hôm sau khi đi học, con chị bị các bạn trêu chọc vì “chỉ đóng hơn 200.000 tiền quỹ”. Theo phụ huynh, thậm chí con không dám đi học vì bị bạn bè xa lánh, dè bỉu.

Bộ GDĐT nói về việc phụ huynh bị miệt thị vì từ chối đóng tiền "tự nguyện" - Ảnh 2.

Phụ huynh bị miệt thị vì từ chối đóng tiền quỹ.

Ngoài ra, vị phụ huynh này cũng bị một số phụ huynh khác lăng mạ với những lời nói cay nghiệt: “Đừng biến mình thành con rắn độc lên mặt dạy đời ai”, “Hãy giữ cho con mình chút sĩ diện còn lại, đừng cướp mất tuổi thơ của con vì sự ngông cuồng của mình”…

Sau những tranh cãi với hội phụ huynh lớp, chị bị xóa tên khỏi nhóm chat chung.

Ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng THPT Trương Định cho biết hiện nhà trường đang xác minh thông tin phụ huynh phản ánh và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp phải viết giải trình.

Nhà trường cũng tìm cách xử lý việc học sinh bị bạn cùng lớp xa lánh theo hướng không trách phạt mà động viên, giải thích.

Ông cũng cho biết những khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi phụ huynh ủng hộ là tự phát. Trường không quy định và không can thiệp vào hoạt động này.

Có nên giải tán Hội phụ huynh?

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), ngoài học phí bắt buộc (trừ bậc tiểu học được miễn học phí) và bảo hiểm y tế (theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, do các trường đứng ra thu hộ), còn các khoản thu khác đều được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh.

Các khoản thu này được gắn mác tự nguyện. Có một thực tế hiện nay, các trường không trực tiếp vận động các khoản thu tự nguyện mà lấy danh nghĩa của hội phụ huynh.

Một vài cái tặc lưỡi của những người trong ban đại diện cha mẹ học sinh, có thể sẽ đổ gánh nặng lên gia đình khác và gián tiếp “tiếp tay” cho nạn lạm thu hoành hành.

Câu chuyện vừa xảy ra ở Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) là một minh chứng. Hội phụ huynh đã “vẽ” ra nhiều khoản thu không đúng quy định như phí tổ chức Đại hội Đoàn, sinh hoạt dưới cờ...

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hội phụ huynh để ngăn chặn “lạm thu”.

Bộ GDĐT nói về việc phụ huynh bị miệt thị vì từ chối đóng tiền "tự nguyện" - Ảnh 3.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành.

Nêu quan điểm về việc này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Luật Giáo dục 2019 quy định phải có Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo đó, việc tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh là để thực hiện nguyên lý giáo dục là phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Không thể vì một vài trường hợp làm trái quy định mà bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Về vấn đề lạm thu đầu năm học, ông Thành khẳng định, Bộ GDĐT đã quy định rất rõ trong Thông tư 55. Tại điều 10 trong thông tư này ghi rõ: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Tại khoản 4 điều này cũng ghi ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Trường nào, lớp nào thu bổ đầu người, thậm chí, thu tiền để mua một bó hoa tặng cô cũng là không đúng. Trong thông tư 55 đã ban hành không có khái niệm nào gọi là “quỹ lớp” hay “quỹ trường. Nơi nào thu, nơi đó đã làm sai quy định”, ông Thành khẳng định.