Dân Việt

Hạn chế tai nạn giao thông với đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Nam 06/10/2020 09:20 GMT+7
Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp UBND tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều chỉ đạo, giải pháp để giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông trong thanh thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tại hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm ATGT cho thanh thiếu niên và đồng bào DTTS đi mô tô, xe gắn máy khu vực Tây Nguyên, vừa tổ chức tại Gia Lai, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, tai nạn giao thông giảm sâu trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tai nạn giao thông giảm trong thời gian gần đây khi mà trên cả nước số phương tiện giao thông tăng rất nhanh và có trên 60 triệu phương tiện giao thông cơ giới.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai - ông Phan Hữu Hiếu cho biết, trong năm 2019, tai nạn liên quan đến xe môtô, xe gắn máy mà người trực tiếp gây tai nạn là thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 161 vụ, làm chết 108 người. Ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai, cho hay vấn đề tai nạn giao thông ở đồng bào DTTS không chỉ riêng ở Gia Lai mà ở nhiều tỉnh khác cũng có tình trạng tương tự. Để hạn chế, theo ông Hạnh, có nhiều mô hình hiệu quả được áp dụng. Điển hình như Công an huyện Mang Yang triển khai hoạt động "Dẹp thanh niên phá làng phá xóm". Theo đó, công an huyện này đã triển khai lập danh sách thanh thiếu niên hư hỏng để "trị" bằng cách: Cho xem những video ghi lại cảnh tai nạn; cho xem những hình ảnh người bị thương không thể làm được việc gì; khuyên răn và yêu cầu cam kết; hoặc đưa các em vi phạm ra giữa làng để kiểm điểm giúp các em tiến bộ...

Hạn chế tai nạn giao thông với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.V

Hoặc như ở huyện Đăk Đoa, sau khi xử phạt vi phạm hành chính, công an còn "răn đe", giáo dục bằng cách cho lao động công ích, cuốc đất trồng rau…

Ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương đã quan tâm đến lĩnh vực ATGT. Nhiều địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo đến ở vùng sâu vùng xa; đổi mới giấy phép lái xe bằng ngôn ngữ DTTS bản địa. Ông Hùng cũng đề cập đến mô hình chỉ đạo lực lượng chức năng ở tỉnh Bình Phước tăng cường công tác tuần lưu trên các tuyến đường, không lập chốt cố định một điểm và sử dụng camera giám sát xử phạt nguội...

Ông Khuất Việt Hùng đề nghị ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo cấp giấy phép lái xe lưu động, đổi mới hình thức đào tạo và đào tạo cho cả người không biết chữ. Bên cạnh đó, ông đề nghị nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tuyên truyền đúng đối tượng, bằng ngôn ngữ dân tộc và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng...