Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi và xáo trộn trong việc xuất nhập cảnh. Điều này đồng nghĩa với việc công dân New Zealand được miễn thị thực tới ít quốc gia và vùng lãnh thổ hơn so với trước kia.
Mặc dù vậy, điều này không ảnh hưởng quá nặng nề so với các quốc gia khác.
Theo số liệu mới nhất từ Passport Index, hiện hộ chiếu New Zealand đang xếp vị trí hàng đầu, trở nên "quyền lực" nhất thế giới, vượt cả Nhật Bản và Singapore.
Ở thời điểm hiện tại, với cuốn hộ chiếu của mình, công dân New Zealand có thể nhập cảnh tại 129 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không cần xin visa, hoặc làm visa ngay tại điểm đến.
Con số này đã tăng 80 quốc gia so với đỉnh điểm cuộc khủng hoảng Covid-19 của 6 tháng trước. Nhưng nếu so với thời điểm năm 2019 của New Zealand thì lại giảm xuống 40 địa điểm.
Trong khi đó, Nhật Bản hiện đang đứng vị trí thứ 2 cùng Đức, Áo, Luxembourg, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Ireland và Australia với 128 điểm - tương đương với việc miễn visa ở 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cũng theo số liệu của bảng xếp hạng, hiện hộ chiếu của Việt Nam đang ở vị trí thứ 63 với 47 điểm, tương ứng với việc miễn visa tại 47 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Một số quốc gia vùng Đông Nam Á khác như Malaysia đứng vị trí 21 (với 92 điểm), Singapore đứng vị trí 22 (với 91 điểm), Indonesia đứng số 49 (với 61 điểm), Thái Lan vị trí 52 (với 58 điểm), Philippines đứng ở thứ 59 cùng Mông Cổ và Bhutan (với 51 điểm) ...
Một điểm đáng chú ý khác khi vào tháng 7 năm nay, hộ chiếu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, đứng vị trí 21 trong bảng xếp hạng với 92 điểm.
Danh sách các hộ chiếu quyền lực theo xếp hạng mới của Passport Index:
1. New Zealand: 129 quốc gia và vùng lãnh thổ
2. Đức, Áo, Luxembourg, Thụy Sĩ, Ireland, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia: 128 quốc gia và vùng lãnh thổ
3. Thụy Điển, Bỉ, Pháp, Phần Lan, Ý, Tây Ban Nha: 127 quốc gia và vùng lãnh thổ
4. Hà Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Litva, Na Uy, Iceland, Vương quốc Anh, Canada: 126 quốc gia và vùng lãnh thổ
5. Malta, Slovenia, Latvia: 125 quốc gia và vùng lãnh thổ
6. Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Ba Lan, Hungary, Liechtenstein: 124 quốc gia và vùng lãnh thổ
7. Slovakia: 123 quốc gia và vùng lãnh thổ
8. Đảo Síp, Croatia, Monaco:121 quốc gia và vùng lãnh thổ
9. Romania, Bulgaria: 120 quốc gia và vùng lãnh thổ
10. San Marino, Andorra, Uruguay: 115 quốc gia và vùng lãnh thổ