Dân Việt

TP.HCM: Nỗ lực chuyển đổi mô hình hoạt động của rác dân lập

P.V 06/10/2020 21:21 GMT+7
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 9/2020 vừa qua, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND các quận - huyện, xây dựng chính sách hỗ trợ các đơn vị rác dân lập.

Chuyển đổi mô hình hoạt động

Theo đó, chính quyền TP.HCM ủng hộ việc chuyển đổi mô hình hoạt động, thành lập hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân. Trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chính sách hỗ trợ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.

TP.HCM: Nỗ lực chuyển đổi mô hình hoạt động của rác dân lập - Ảnh 1.

TP.HCM có trên 2.000 đường dây rác dân lập từ hàng chục năm qua, với khoảng 4.000 công nhân làm việc tại các đường dây rác này.

Trước đó, Sở TNMT đã đề nghị UBND các quận - huyện tổ chức, sắp xếp hoạt động của chủ thu gom rác dân lập theo 3 hình thức gồm: Vận động thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường; Vận động chuyển đổi phát triển lên công ty, doanh nghiệp vệ sinh môi trường; Người thu gom rác dân lập gia nhập vào tổ chức hoạt động của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận, huyện.

Sở TNMT đề nghị các Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận - huyện có giải pháp, chính sách hỗ trợ đối với trường hợp chủ thu gom rác trở thành công nhân của công ty trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của người thu gom. Các quận, huyện chủ động kế hoạch sắp xếp hoạt động thu gom rác dân lập, đảm bảo thời gian đồng bộ với tiến độ chuyển đổi phương tiện.

TP.HCM: Nỗ lực chuyển đổi mô hình hoạt động của rác dân lập - Ảnh 2.

Các đường dây rác dân lập vẫn hoạt động trong tình trạng tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp.

Hỗ trợ cơ sở vật chất, tăng cường tính chuyên nghiệp

Sở TNMT cũng yêu cầu UBND các quận - huyện thực hiện đánh giá tổng thể hiện trạng công tác thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định phương thức thu gom chất thải (thu gom và trung chuyển dọc tuyến; thu gom và trung chuyển tại các điểm hẹn; thu gom và trung chuyển tại các trạm trung chuyển) phù hợp với địa phương.

Trong đó, mỗi quy trình thu gom phải chi tiết điều kiện áp dụng, chủng loại phương tiện và trang thiết bị kèm theo. Địa phương cần lưu ý hướng dẫn cụ thể quy trình thu gom trong các tuyến hẻm nhỏ, hẻm cụt và trung chuyển chất thải lên các phương tiện cơ giới.

TP.HCM: Nỗ lực chuyển đổi mô hình hoạt động của rác dân lập - Ảnh 3.

Trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo hộ lao động của các đơn vi rác dân lập đều không theo tiêu chuẩn nào.

Các quận huyện cần thông báo bằng văn bản về việc áp dụng các phương thức thu gom trên địa bàn quản lý trong quý III/2020 để chủ thu gom, vận chuyển chất thải biết, định hướng đầu tư phương tiện phù hợp, tránh đầu tư phương tiện cơ giới có tải trọng lớn, không phù hợp với phương thức thu gom, trung chuyển của quận, huyện.

Sở TNMT TP.HCM cũng đề nghị các địa phương xây dựng cụ thể kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý và thông báo trong quý IV/2020 về lộ trình thực hiện để chủ thu gom, vận chuyển biết, có kế hoạch triến khai phù hợp với tiến độ của địa phương.

Cùng với đó, tổ chức rà soát, sắp xếp thực hiện hoán đổi mạng lưới các đường dây thu gom rác tại địa phương, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ như hiện nay; đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thông qua việc tăng cường các trạm trung chuyển rác và ứng dụng các công nghệ mới.

TP.HCM: Nỗ lực chuyển đổi mô hình hoạt động của rác dân lập - Ảnh 4.

Các phương tiện vận chuyển rác, dụng cụ hốt rác rất thô sơ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở TNMT rà soát, tham mưu UBND TP ban hành các quy chuẩn kỹ thuật của phương tiện thu gom vận chuyển phù hợp với thực tiễn và đặc thù của đô thị. Trong đó đối với các hẻm nhỏ dưới 1 mét, UBND các quận huyện xác lập mô hình thu gom rác, chất thải rắn sinh hoạt và lựa chọn mẫu phương tiện phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả.

UBND các quận - huyện phải yêu cầu các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn đảm bảo đủ phương tiện, khẩn trương xác lập vị trí, thực hiện đầu tư các trạm trung chuyển rác với công nghệ ép rác kín tiên tiến cũng như: Nghiên cứu xây dựng các trung tâm chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình.

TP.HCM: Nỗ lực chuyển đổi mô hình hoạt động của rác dân lập - Ảnh 5.

Công nhân rác dân lập bị thiệt thòi rất nhiều như không ký HĐLĐ, không BHYT, không có BH độc hại...

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tham mưu cho UBND thành phố bố trí cấp đủ vốn cho Quỹ bảo vệ môi trường để đảm bảo đủ nguồn tiền cho vay hỗ trợ chuyển đổi phương tiện.

Vì vậy, với việc UBND TP bước đầu ủng hộ việc chuyển đổi mô hình hoạt động của rác dân lập, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các tổ chức rác dân lập mới thành lập, và trang bị thiết bị cá nhân cho công nhân rác dân lập, đã góp phần tạo điều kiện cho hệ thống rác dân lập hoạt động ngày một bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT - cho biết: Hiện trên địa bàn TP.HCM đang tồn tại song song 2 hệ thống thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cụ thể: Hệ thống thu gom công lập gồm Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị và 22 đơn vị là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận - huyện. Hệ thống thu gom rác dân lập với 2.160 phương tiện thu gom và khoảng 4.000 nhân công.

Hiện nay, các quận - huyện trên toàn TP.HCM đã vận động được 1.440/2.592 tổ, đường dây thu gom rác dân lập thành lập mô hình HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Ông Thắng cho biết thêm, việc chuyển đổi phương tiện thu gom, TP chỉ mới chuyển đổi được một phần. Trong khi đó, các HTX thành lập mới hoạt động chưa hiệu quả, thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; công tác chuyển đổi các phương tiện thu gom còn diễn chậm, thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ.